Khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KHCN; Phạt đến 30 triệu đồng nếu vi phạm quy định về ứng dụng KHCN; "Đi chợ" công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học Biotechmart 2014;… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KHCN
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó quy định trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tổ chức, cá nhân được hình thành từ vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân sáng lập không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn góp tự nguyện, hiến, tặng; các nguồn hợp pháp khác. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân thành lập được ưu tiên trong việc thuê đất xây dựng trụ sở chính và các chi nhánh của quỹ.
Nghị định có hiệu lực từ 1/12/2014. (Theo báo Điện tử Chính phủ 23/10).
"Đi chợ" công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học Biotechmart 2014
Lần đầu tiên tổ chức, Biotechmart 2014 thu hút 25 gian hàng giới thiệu những công nghệ, dịch vụ và sản phẩm của nhiều đơn vị nghiên cứu trong cả nước như Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Bệnh viện Quân đội 108… cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y sinh học và liên quan.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Biotechmart 2014, TS. Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN - nhận định: "Biotechmart 2014 không chỉ giới thiệu kết quả nghiên cứu mới mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể tiếp cận với những thành tựu KH&CN tiên tiến, đồng thời tìm kiếm được đối tác và cơ hội đầu tư qua các hội thảo”.
Diễn ra trong 3 ngày, (từ 21 – 24/10), Biotechmart 2014 được chờ đợi sẽ còn chứng kiến thêm nhiều hợp đồng nữa trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y dược, nông nghiệp công nghệ cao và xử lý môi trường. (Theo Giáo dục và Thời đại 21/10).
Cắt băng khai mạc Biotechmart 2014
Phạt đến 30 triệu đồng nếu vi phạm quy định về ứng dụng KHCN
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Trong đó, vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng thay vì mức 20 triệu đồng như trước đây.
Phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước vào sản xuất và đời sống, thuộc diện phải thẩm định theo quy định nhưng chưa có sự thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014. (Theo báo Điện tử Chính phủ 23/10)
Khai mạc Hội nghị quốc tế về công nghệ vi mạch bán dẫn
Ngày 22/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố phối hợp với Hiệp hội kỹ sư điện Nhật Bản (IEEJ) khai mạc Hội nghị quốc tế về lĩnh vực vi mạch (4S-2014/AVIC14).
Tham dự Hội nghị có hơn 250 đại biểu, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch và hơn 50 giáo sư hàng đầu lĩnh vực thiết kế và chế tạo vi mạch đến từ Nhật Bản, Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc…
Hội nghị 4S-2014/AVIC14 là một trong những sự kiện quan trọng trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin bao gồm hai phần chính: Hội nghị vi mạch và các công nghệ có liên quan lần thứ 3 (4S-2014) và Hội nghị thiết kế vi mạch VLSI dạng Analog (AVIC) lần thứ 17. Sự kiện diễn ra hai năm một lần để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư, sinh viên trong nước gặp gỡ trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghiệp vụ với các chuyên gia đồng nghiệp trên toàn thế giới; đồng thời kêu gọi sự tham gia của khối trường viện, doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm tạo ra một hệ sinh thái cho sự phát triển khoa học công nghệ liên quan đến bán dẫn-vi mạch vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (Theo vietnamplus 22/10).
Giá sạch từ công nghệ của nhà khoa học trẻ
Xuất phát từ chính câu chuyện của làng mình, một nơi mà cả làng làm giá “ngậm” hóa chất để đi bán, nhà khoa học trẻ Đỗ Ngọc Chung (ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội) đã sáng chế ra thiết bị làm giá đỗ sạch hoàn toàn.
Thiết bị làm giá đa năng GV-102 của Chung được làm bằng nhựa PP nguyên sinh, an toàn cho sức khoẻ. Với thiết kế như vậy, GV-102 có thể làm nhiều loại giá như giá đỗ xanh, giá lạc, giá đỗ tương… Hơn nữa, GV-102 còn được sử dụng để muối dưa cà, dưa hành…
Thiết bị làm giá đa năng Made in Vietnam của nhà khoa học trẻ Đỗ Ngọc Chung khắc phục được rủi ro về năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Giá làm từ GV-102 có độ đồng đều về chất lượng sản phẩm, mập đều, ăn ngọt. (Theo chinhphu.vn 24/10).
Sản phẩm thu được từ GV-102. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
TP Hồ Chí Minh: Hơn 500 đề tài vào vòng bán kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học
Do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2014 có sự tham gia của 37 trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia.
Giải thưởng là sân chơi học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng những ý tưởng sáng tạo của sinh viên, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố, góp phần ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và cuộc sống. Chính thức phát động từ tháng 2/2014, đến thời điểm hiện tại, Ban tổ chức đã chọn được 516 đề tài tham gia vòng thi bán kết. (Theo Công an nhân dân 23/10).
Hà Trang (Tổng hợp)