Khai mạc Hội nghị thường niên Điện hạt nhân châu Á năm 2014; Các nhà khoa học trẻ Việt Nam tham dự hội nghị toàn cầu; ...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Khai mạc Hội nghị thường niên Điện hạt nhân châu Á năm 2014
Ngày 20-1, Hội nghị thường niên Điện hạt nhân châu Á năm 2014, do Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA) và các tổ chức liên quan đồng tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là hội nghị lần thứ 5 được tổ chức và là hội nghị lần thứ 2 tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị diễn ra đến ngày 22-1.
Tham dự hội nghị có hàng trăm đại biểu là chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp điện hạt nhân đến từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Hiệp hội Hạt nhân thế giới, các cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, các nhà vận hành, các nhà cung cấp...
Hội nghị đã thảo luận các chủ đề trọng tâm xoay quanh lĩnh vực điện hạt nhân như: Đối phó với những thách thức chính đối với các quốc gia mới tham gia vào điện hạt nhân, phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; Vị trí hiện tại và những bước tiếp theo triển vọng cho sự phát triển điện hạt nhân ở Đông Nam Á những bước phát triển của các quốc gia mới nổi trong bối cảnh điện hạt nhân toàn cầu công nghệ nhà máy điện hạt nhân tương lai…(Theo Sài gòn giải phóng 21/1).
Bỉ chế tạo vệ tinh viễn thám mới cho Việt Nam
Ngày 20/1, đại diện Việt Nam và Liên doanh các nhà thầu Bỉ đã ký kết Hợp đồng gói thầu số 1 thiết kế, chế tạo, phóng vệ tinh nhỏ VNREDSat- 1B, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Bỉ Johan Vande Lanotte, nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 22/1.
VNREDSat-1B là vệ tinh quan sát Trái đất thứ hai, giúp giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai, do ba công ty của Bỉ sản xuất. Vệ tinh có khối lượng khoảng 130 kg, kích thước 865x679x654 mm với tuổi thọ tối thiểu là 5 năm. Nó có nguồn gốc từ nhóm các vệ tinh PROBA (Project for On-BoardAutonomy) của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).
Dự kiến vệ tinh thứ hai của Việt Nam sẽ vào vũ trụ năm 2017. Các thiết bị tiếp nhận, điều hành và xử lý hình ảnh do VNREDSat-1B chụp được lắp đặt tại Hòa Lạc, Hà Nội. (Theo vnexpress 21/1).
Các nhà khoa học trẻ Việt Nam tham dự hội nghị toàn cầu
Hội nghị các nhà Khoa học trẻ Toàn cầu (GYSS) lần thứ hai đang diễn ra tại Singapore từ ngày 19 - 24/1. Hội nghị do Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore tổ chức, với sự tham dự của 357 tiến sỹ và nghiên cứu sinh đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, Mỹ và Australia. Việt Nam có 8 tiến sỹ và nghiên cứu sinh được mời tham dự sự kiện này.
Các nhà khoa học Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà Khoa học trẻ Toàn cầu. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)
Nhiều cuộc tọa đàm giữa các nhà khoa học xuất sắc hàng đầu thế giới với thành viên của các trường đại học, viện nghiên cứu - giáo dục và cơ quan nhà nước và công chúng Singapore sẽ được tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị.
Bên lề hội nghị còn có một cuộc thi dành cho các nhà khoa học trẻ mang tên "Singapore Challenge 2014" về các ý tưởng sáng tạo, độc đáo trong việc giải quyết những thách thức đối với sự phát triển của các thành phố trong tương lai. (Theo Thông tấn xã Việt Nam 20/1).
Xử phạt 71 doanh nghiệp điện tử kinh doanh phần mềm lậu
Trong hai ngày 22 và 23-1, Cục Bản quyền kết hợp với Hội sở hữu trí tuệ TPHCM, Liên minh phần mềm doanh nghiệp đã thực hiện đợt khảo sát liên quan đến tình hình tư vấn và kinh doanh các loại phần mềm bản quyền tại hàng loạt các hệ thống bán lẻ máy tính lớn trên địa bàn TPHCM như Phong Vũ, Nguyễn Kim, FPT,...
Kết quả cho thấy, có đến 80% các cửa hàng đều nắm những kiến thức nhất định về Luật sở hữu trí tuệ cũng như những rủi ro từ việc sử dụng phần mềm không có bản quyền, từ đó đưa ra các tư vấn, định hướng chuẩn xác cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Quý, Trưởng Đại diện Cục bản quyền tại TPHCM cho biết, ngoài cuộc khảo sát này, thời gian qua, thanh tra của ngành cũng đã tiến hành kiểm tra 605 doanh nghiệp và 6.120 máy tính; phát hiện 75 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình máy tính mềm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. (Theo Sài gòn giải phóng 23/1).
Thu hồi CO2 để sản xuất tảo
Các nhà khoa học Viện Công nghệ môi trường đã chế tạo thành công hệ modul xử lý khí thải thu hồi khí CO2 phục vụ việc nuôi tảo Spirulina platensis - một loại vi khuẩn làm giàu dinh dưỡng. Khí CO2 được làm sạch với hàm lượng khoảng 1,2% có thể bổ sung vào môi trường nuôi Spirulina platensis như một nguồn carbon có giá trị. Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng của Spirulina platensis có thể đáp ứng tiêu chuẩn nguyên liệu cho thực phẩm chức năng. (Theo Đại biểu nhân dân 19/1).
Khảo sát xây làng chuyên gia cho dự án điện hạt nhân
Ngày 18/1, Tập đoàn Quốc gia Rosatom tại Việt Nam cùng các đơn vị tư vấn của Liên bang Nga đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận, trao đổi về việc triển khai xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Đại diện Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giới thiệu mặt bằng thực hiện dự án.
Vấn đề quan tâm nhất của Tập đoàn Rosatom cùng các chuyên gia Nga đó là tỉnh Ninh Thuận phải xác định rõ thời hạn bắt đầu xây dựng làng chuyên gia, điều kiện kỹ thuật cung ứng cho làng chuyên gia, tổng mặt bằng khu vực thực hiện xây dựng, tiêu chuẩn bố trí chỗ ở, điều kiện sinh hoạt… Theo ước tính ban đầu, số lượng các chuyên gia Nga đến đầu tiên thực hiện thi công dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là khoảng từ 350 đến 360 người.
Ông Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận khẳng định Ninh Thuận có đủ điều kiện cung ứng, sẵn sàng phục vụ xây dựng, nhất là các hạng mục không đòi hỏi kỹ thuật nhiều…(Theo vietnamplus 18/1).
Vương quốc Bỉ hỗ trợ Việt Nam hơn 4 triệu euro để ươm tạo doanh nghiệp công nghệ
Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết, Bộ này vừa kí kết Hiệp định tài trợ cho dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)”. Theo đó, Vương quốc Bỉ cam kết viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 4,4 triệu euro nhằm đẩy mạnh việc ươm tạo các doanh nghiệp khoa học công nghệ, phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam cải thiện khung chính sách về ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, do Bộ Khoa học và công nghệ trực tiếp quản lí. (Theo Công an nhân dân 22/1).
Hà Trang (Tổng hợp)