Cẩn trọng với dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân; Hội thảo về công nghệ năng lượng hạt nhân; Ưu tiên lĩnh vực khoa học trái đất và khoa học biển;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Cẩn trọng với dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về chủ trương trương đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân.
Về quy trình thủ tục, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan có liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm rõ phân loại Dự án đầu tư; thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn;…
Vận hành thiết bị sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ - Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt
Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành; chủ trì tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với Dự án đầu tư; gửi ý kiến thẩm định để Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ…(Theo Khám phá 23/10).
Hội thảo về công nghệ năng lượng hạt nhân
Tối 23.10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tập đoàn GE Hitachi Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo Về công nghệ năng lượng hạt nhân. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và trao đổi về công nghiệp điện hạt nhân tại Hoa Kỳ; kỹ thuật cơ bản lò sôi nước (BWR) và lò nước áp lực (PWR); công nghệ thụ động của các loại lò phản ứng… Lò BWR hoạt động trên nguyên tắc lấy năng lượng nhiên liệu từ quá trình truyền nhiệt và bốc hơi; còn lò PWR lấy năng lượng nhiên liệu chỉ từ quá trình truyền nhiệt. Các công nghệ mới này góp phần gia tăng khả năng sản xuất điện bằng cách nâng công suất lên thêm 20%; đều đã và đang trong quá trình xét duyệt để được vận hành thêm 20 năm, gia tăng từ 40 - 60 năm.
Các đại biểu đánh giá cao trình độ công nghiệp điện hạt nhân tại Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với sản phẩm lò BWR và PWR; cho rằng, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (Theo Đạ biểu nhân dân 23/10).
Ưu tiên lĩnh vực khoa học trái đất và khoa học biển
Đó là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Xây dựng định hướng nghiên cứu cơ bản ưu tiên trong lĩnh vực khoa học trái đất, khoa học biển giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 22.10 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận từ các nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu về các lĩnh vực như: địa chất, vật lý địa cầu; địa chất, địa vật lý biển; địa lý, quy hoạch không gian biển; khí hậu khí tượng, thủy văn; tài nguyên khoáng sản biển… Các nhà khoa học thống nhất cho rằng, sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Bộ KH - CN đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản lĩnh vực khoa học trái đất, khoa học biển và của Quỹ phát triển KH - CN Quốc gia sẽ là động lực để xác định cụ thể định hướng ưu tiên trong thời gian tới.
Lĩnh vực khoa học trái đất, khoa học biển là một trong những nội dung thuộc Đề án “Xây dựng chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển đến năm 2020” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2015. (Theo Đại biểu nhân dân 23/10).
Nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN
Nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn trong năm vừa qua đối với hệ thống các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Trung tâm) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ KH&CN và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị về hoạt động các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN lần thứ VIII, từ 23-24/10/2015 tại Nghệ An.
Hội nghị lần thứ VIII sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại để giúp Trung tâm hoàn thiện, đổi mới, sáng tạo những hướng đi hiệu quả cho mình, đồng thời các cơ quan quản lý nắm bắt được tình hình ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và nhu cầu của địa phương để qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và xây dựng các Chương trình, nhiệm vụ hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho các Trung tâm.
Đồng thời, Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu trao đổi về những định hướng tập trung phát triển cho các Trung tâm theo tính chất quy mô vùng, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp về khả năng liên kết với viện, trường, doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm và thị trường KH&CN. (Theo Tuyên giáo 23/10).
Thành lập Hội đồng khoa học TP.HCM
UBND TPHCM vừa có quyết định thành lập Hội đồng khoa học TP gồm 21 thành viên, do Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP làm chủ tịch.
Hội đồng khoa học TP có chức năng đề xuất và góp ý kiến áp dụng các thành tựu tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển lớn ở Thành phố; tư vấn về phương hướng, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng và sử dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao
Ngoài ra, Hội đồng còn tư vấn việc triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tư vấn xây dựng, hoạch định và thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy; tham gia xây dựng các dự thảo chiến lược, chương trình, kế hoạch lãnh đạo, điều hành của UBND TP trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, khoa học xã hội. (Theo Tuổi trẻ 23/10).
Dù hấp thụ tia tử ngoại
Lê Long Hồ và “cây dù hấp thụ tia tử ngoại”
Dù học chuyên ngành môi trường nhưng Lê Long Hồ sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM lại gặt hái khá nhiều thành công từ các nghiên cứu sáng tạo trái ngành. Một trong số sáng tạo trái ngành của Hồ nhận được nhiều giải thưởng là chiếc dù hấp thụ tia tử ngoại.
Hồ chia sẻ: “Minh muốn tìm chất liệu hấp thụ được các tia tử ngoại, tia UV mà vẫn có thể tái chế để bảo vệ môi trường. Sợi thủy tinh chính là cái mình cần. Hồ làm thân dù bằng inox để không gỉ sét, tay nắm dù làm bằng vật liệu phức nhựa nhôm rơi không vỡ, bật dù cũng được thiết kế tự động. Sau gần hai năm rưỡi nghiên cứu, cây dù hấp thụ tia tử ngoại ra đời với giá thành sản xuất khoảng 150.000 đồng/cây.
Sau khi, sản phẩm cây dù chống tia tử ngoại ra đời gây được sự chú ý. Lê Long Hồ còn cho ra đời thêm các nghiên cứu sáng tạo khác cũng thành công không kém như mũ bảo hiểm thông minh biến năng lượng mặt trời thành pin sạc điện thoại, thiết bị đo lượng tiền điện tiêu thụ giúp kiểm soát lượng điện tiêu thụ mỗi ngày và nghiên cứu hệ thống xử lý khí thải trong công nghiệp. Tất cả sáng tạo trên đều được Hồ thực hiện bằng nỗ lực và hai chữ “đam mê”. (Theo Thanh niên 22/10).
Hà Trang (Tổng hợp)