Trong tuần qua (từ 16-22/9), báo chí đã đưa một số thông tin về khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý: Sắp có vaccine cúm A/H5N1 ‘nội’ cho gia cầm; Nhật Bản trao đổi với Việt Nam về dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất; Công bố Nhãn hiệu chứng nhận “Rượu Lạc Đạo”; Hàn Quốc xây nhà máy sản xuất động cơ máy bay ở Hòa Lạc; Đà Nẵng: Tra cứu vi phạm giao thông từ biển số xe…
Sắp có vaccine cúm A/H5N1 ‘nội’ cho gia cầm
Báo điện tử Chính phủ ngày 17/9 đưa tin, Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cho biết, dự kiến năm 2018 sẽ có vaccine vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm do các biến chủng mới gây ra tại Việt Nam, dần tiến tới thay thế hoàn toàn vaccine nhập khẩu.
Đây là vaccine do TS. Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco nghiên cứu và đã làm chủ được công nghệ sản xuất, giúp phòng bệnh cúm gia cầm gây ra do virus cúm A/H5N1 do các biến chủng mới đang lưu hành, bao gồm cả virus cúm A/H5N6.
Vaccine này đã được kiểm tra tại Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương I và được đánh giá đạt các tiêu chuẩn về tính ổn định, tính an toàn và tính hiệu lực theo TCVN 8684:2011 và TCVN 8685:2014.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Navetco đã xây dựng thành công các quy trình để sử dụng trong sản xuất, kiểm nghiệm và sử dụng vaccine như quy trình giữ giống gốc và giống sản xuất virus cúm; quy trình sản xuất; quy trình kiểm nghiệm; quy trình bảo quản và quy trình sử dụng vaccine cúm A/H5N1 vô hoạt nhũ dầu.
Nhật Bản trao đổi với Việt Nam về dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất
Sáng 18/9, tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam VNSC (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – VAST) đã ký thỏa thuận hợp tác về trao đổi dữ liệu vệ tinh với Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Thỏa thuận trao đổi dữ liệu vệ tinh nhằm hỗ trợ chương trình DataCube ở Việt Nam, một nền tảng dữ liệu lớn của các vệ tinh quan sát trái đất để phát triển các ứng dụng liên quan đến: giám sát lúa, rừng và chất lượng nước cũng như thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu vệ tinh trong các lĩnh vực nói trên.
Với thỏa thuận này, JAXA sẽ cung cấp các sản phẩm ScanSAR ALOS-2 chụp lãnh thổ Việt Nam. Thỏa thuận cũng là khuôn khổ để hai bên mở rộng hợp tác trong phát triển nghiên cứu, ứng dụng qua việc sử dụng các sản phẩm quan sát đất (sản phẩm EO), không chỉ của vệ tinh ALOS-2 mà còn của các vệ tinh khác, các dữ liệu đã có sẵn trong hệ thống Việt Nam DataCube.
VNSC sẽ vận hành và duy trì hệ thống Việt Nam DataCube để lưu trữ dữ liệu ALOS-2, thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu ALOS-2 trong các lĩnh vực ứng dụng; thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng và thúc đẩy sử dụng các sản phẩm EO của các vệ tinh khác đặc biệt là vệ tinh Nhật Bản cũng như dữ liệu có sẵn phục vụ cho hoạt động của hệ thống Việt Nam DataCube.
Các hoạt động thuộc thỏa thuận này được bắt đầu ngay sau khi ký kết và có hiệu lực đến tháng 9-2019 (Theo báo Sài Gòn giải phóng ngày 18/9/2017).
Công bố Nhãn hiệu chứng nhận “Rượu Lạc Đạo”
Ngày 20/9, báo điện tử Dân Trí đưa tin, tại Hưng Yên, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với UBND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, tổ chức Lễ công bố Nhãn hiệu chứng nhận “Lạc Đạo” cho sản phẩm rượu.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên cùng lãnh đạo ban, ngành tại địa phương đã tham dự Lễ công bố.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Rượu Lạc Đạo” cho đại diện UBND huyện Văn Lâm
Rượu Lạc Đạo ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là sản phẩm được công chúng biết đến rộng rãi và ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Trước đây, do chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên sản phẩm Rượu Lạc Đạo gặp nhiều khó khăn trên thị trường bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu giả mạo nhãn hiệu.
Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Rượu Lạc Đạo” với mong muốn đưa sản phẩm rượu Lạc Đạo trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường, đồng thời phát triển thị phần tiêu thụ sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận, giúp người sản xuất, kinh doanh rượu Lạc Đạo chân chính có việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả là, Nhãn hiệu chứng nhận “Rượu Lạc Đạo” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo Quyết định số 4023/QĐ-SHTT ngày 20 tháng 01 năm 2017.
Việc cấp Giấy chứng bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm rượu Lạc Đạo được kỳ vọng là bước khởi đầu để phát triển sản phẩm này về cả chất lượng và giá trị, góp phần đưa phẩm rượu kết tinh men say của đất và tình cảm của con người này thành một thương hiệu mạnh ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Cũng tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Giấy chứng nhận cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Rượu Lạc Đạo cho 2 hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Hàn Quốc xây nhà máy sản xuất động cơ máy bay ở Hòa Lạc
Công ty Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện, linh kiện động cơ máy bay tại Khu công nghiệp cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Ngày 21/9, Công ty Hanwha Techwin (Hàn Quốc) tổ chức lễ khởi công nhà máy Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là dự án đầu tư đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến ngành công nghiệp động cơ hàng không.
Nhà máy sẽ sản xuất các cấu kiện, linh kiện động cơ cho một số hãng hàng không hàng đầu thế giới, như: General Electric (GE), Pratt & Whitney (PW) và Rolls-Royce.
Trước đó ngày 7/7, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy của Hàn Quốc với tổng mức đầu tư 200 triệu USD (giải ngân trong ba năm) và có kế hoạch mở rộng lên 260 triệu USD trên tổng diện tích 96.789 m2. Dự kiến đến cuối tháng 4/2018, nhà máy thứ nhất sẽ hoạt động, hai nhà máy còn lại được hoàn thành vào năm 2022.
Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, nhận định việc công ty Hanwha Techwin quyết định đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hàn Quốc đang có tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cao nhất trong số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Đây sẽ là nền tảng, tạo hiệu ứng lan tỏa, giúp Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thể thu hút doanh nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc cũng như quốc gia khác đến đầu tư và kinh doanh, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung", ông Chu Ngọc Anh nói.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (giữa), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (trái) và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk khởi công nhà máy sản xuất động cơ máy bay đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Dương Tâm
Với vai trò chủ quản, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ khẳng định sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư và các đơn vị thi công trong quá trình xây dựng để có thể đưa nhà máy đi vào vận hành đúng tiến độ. Đồng thời, ông Ngọc Anh đề nghị nhà thầu và đơn vị thi công đảm bảo an toàn lao động, trật tự xây dựng, cảnh quan môi trường và tuân thủ đúng quy định tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc là chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 81 dự án. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, ba dự án được cấp giấy chứng nhận với mức đầu tư là 5.053 tỷ đồng. (Theo báo điện tử VnExpress ngày 21/9)
Đà Nẵng: Tra cứu vi phạm giao thông từ biển số xe
Tạp chí Khám phá điện tử ngày 22/9 đưa tin, từ biển số xe, người dân có thể tra cứu xem phương tiện của mình có bị cảnh báo từ chối đăng kiểm do lỗi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông hay không.
Ngày 22/9, Thiếu úy Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu PC67 Công an TP Đà Nẵng, cho biết, Công an TP đã chính thức ra ra mắt chuyên trang “Tra cứu vi phạm giao thông qua Hệ thống camera giám sát” trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
Trên chuyên trang này, người dân có thể tra cứu thông tin về các phương tiện vi phạm giao thông qua số biển kiểm soát của phương tiện.
Theo đó, người dân nhập biển kiểm soát vào ô tìm kiếm, các ký tự đánh vào phải liền nhau, có gạch nối giữa mã vùng và số xe (ví dụ 43A-1234, 43A-123.45).
Nếu như phương tiện có vi phạm, trang tìm kiếm sẽ hiển thị đầy đủ thông tin về phương tiện đó, bao gồm: hành vi vi phạm, thời gian vi phạm, loại xe, biển kiểm soát, hình ảnh chứng minh vi phạm trích từ camera giám sát.
Nếu phương tiện có cảnh báo vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, người điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ liên quan đến Cơ quan ra thông báo xử phạt để nộp phạt và xác nhận đã xử lý, hoàn thiện các thủ tục liên quan trước khi đi đăng kiểm xe.
Giao diện chuyên trang “Tra cứu vi phạm giao thông qua Hệ thống camera giám sát” (Ảnh chụp màn hình).
Được biết, công tác xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được phát hiện qua hệ thống camera giám sát đã được PC67 triển khai từ ngày 01/11/2016.
Tuy nhiên việc thông báo biển kiểm soát phương tiện vi phạm đến các tổ chức, cá nhân biết để thực hiện việc liên hệ, làm thủ tục xử phạt theo quy định vẫn chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân không biết phương tiện mình vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Do đó, kể từ tháng 6/2017, PC67 đã công khai danh sách các biển kiểm soát phương tiện vi phạm qua hệ thống camera trên trang Facebook “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng” và hiện tại đã công khai danh sách này trên chuyên trang tra cứu.
Hiện tại, TP. Đà Nẵng đã đầu tư hệ thống camera tại 9 nút giao thông ở khu vực trung tâm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng quản lý tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, góp phần bảo đảm an toàn và nâng cao ý thức chấp hành cho người tham gia giao thông.
Hà Chi (tổng hợp)