Bộ KH&CN có thêm Thứ trưởng; Bố trí tối đa kinh phí cho Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; Thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt: Lối mở cho khoa học công nghệ;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Bộ KH&CN có thêm Thứ trưởng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định bổ nhiệm bốn Thứ trưởng, trong đó có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Phạm Công Tạc (52 tuổi, quê Nam Định) từng giữ các chức vụ: Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ nội bộ, Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/8. (Theo Tạp chí tia sáng 19/8).
Bố trí tối đa kinh phí cho Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia
Để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ dự kiến kinh phí cho năm 2015 ở mức tối đa phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để hoàn thành ở mức cao nhất Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc phối hợp xây dựng dự toán ngân sách cho khoa học và công nghệ hàng năm phải thực hiện theo quy định tại Luật ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn có liên quan. (Theo Báo Khoa học phổ thông 22/8).
Thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt: Lối mở cho khoa học công nghệ
Chủ trương tự chủ về KHCN, nhất là đối với những ngành kinh tế quan trọng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo nhà nước. Nhiều dự án KHCN quy mô lớn đã được triển khai và mang lại hiệu quả to lớn. Đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt 6 dự án KH&CN phục vụ chế tạo các thiết bị cho ngành xi măng, thủy điện, nhiệt điện, thiết bị điện, đóng tàu... Những kết quả của các dự án KH&CN đã có đóng góp tích cực cho các ngành, lĩnh vực trong những năm qua.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các dự án gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ do chưa có những cơ chế đặc thù như cơ chế thuê chuyên gia, chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ, huy động nguồn lực, đào tạo… Đặc biệt, do những đặc thù khác biệt về cơ chế quản lý nên đến nay các dự án KH&CN phục vụ quốc phòng an ninh chưa triển khai được.
Dự kiến, Đề án “Thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KH&CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng an ninh và sản phẩm quốc gia” sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014. (Theo Công thương 21/8).
Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ KHCN
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đối tượng áp dụng là công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ theo đó mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) từ 20% đến 70%.
Quyết định có hiệu lưc thi hành từ 1/10/2014. (Theo Báo điện tử chính phủ 19/8).
Việt-Nhật thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ trong nông nghiệp
Đoàn công tác Bộ Khoa học Công nghệ do Thứ trưởng Trần Việt Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chính quyền tỉnh Ibaraki nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa Việt Nam và tỉnh Ibaraki của Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng trao đổi về tiềm năng và đề nghị chính quyền tỉnh ủng hộ các hoạt động khoa học công nghệ nhằm thực hiện các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn trọng điểm ở Việt Nam. Thống đốc Hashimoto cũng bày tỏ quyết tâm trong việc ủng hộ các hoạt động hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Ibaraki và mong muốn Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam sớm phái cử cán bộ khoa học tới Ibaraki để tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ chung trên mọi lĩnh vực,..
Hợp tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với Ibaraki sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận, học hỏi các thành tựu mới trong khoa học công nghệ, kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất của một nền nông nghiệp tiên tiến phục vụ hiệu quả các chương trình, dự án nông nghiệp trọng điểm ở Việt Nam. (Theo vietnamplus 21/8).
Thương mẹ, sáng chế ra thiết bị tự động sưởi ấm cho gà
Em Nguyễn Duy Trí, học sinh lớp 11 Trường PTTH chuyên Đại học Vinh đã thốt lên như vậy khi biết mình đạt giải 3 Hội thi tin học trẻ toàn quốc lần thứ XX năm 2014 với sản phẩm “Thiết bị tự động sưởi ấm cho gà con”
Tìm hiểu qua sản phẩm của Trí sáng chế ra, chúng tôi thấy rõ ưu điểm vượt trội vì với thiết bị này sẽ giúp người chăn nuôi duy trì, đảm bảo được nhiệt độ phù hợp với từng ngày tuổi của gà con, việc điều hòa nhiệt độ cho chuồng gà được thực hiện tự động, khi nhiệt độ cao hơn mức cần thiết thì bóng đèn sẽ tự động tắt, do đó tiết kiệm và tránh hao phí điện năng, giá thành thấp, lắp đặt đơn giản, sử dụng dễ dàng.
Niềm đam mê nghiên cứu phần mềm của Trí bên góc học tập của mình.
Thầy giáo Phan Xuân Vọng, Chủ nhiệm lớp của Trí cho chúng tôi biết: “Trí là một học sinh chăm ngoan, học giỏi đều các môn. Đặc biệt, ở em có một niềm đam mê nghiên cứu các phần mềm máy tính nên trong học tập em có rất nhiều ý tưởng sáng tạo. (Theo Báo Quân đội nhân dân 19/8).
Sẽ có trung tâm nguồn gen vi sinh vật quốc gia đạt chuẩn quốc tế
Trung tâm nguồn gen vi sinh vật quốc gia sẽ được xây dựng mới trong khu các trung tâm và viện nghiên cứu thuộc khuôn viên Đại học quốc gia Hà Nội tại khu CNC Hòa Lạc.
Trung tâm nguồn gen vi sinh vật quốc gia được xây dựng với tiêu chí theo chuẩn quốc tế với các hoạt động bảo tồn, lưu trữ, định danh, đánh giá nguồn gen, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen, kết nối với các trung tâm nguồn gen trong nước và quốc tế. Việc thành lập Trung tâm nguồn gen vi sinh vật quốc gia sẽ góp phần vào việc quản lý và phát triển nguồn gen vi sinh vật theo chuẩn quốc gia, quốc tế. Hơn nữa, từ Trung tâm nguồn gen vi sinh vật quốc gia có thể chủ động nguồn gen trong nước, phát triển công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học thiết yếu phục vụ xã hội và an ninh, quốc phòng. (Theo Khám phá 21/8).
Hà Trang (Tổng hợp)