Việt Nam cùng Nga nghiên cứu băng cháy biển Đông; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đi vào hoạt động; Nghiên cứu tạo collagen từ da cá tra; Việt Nam sắp phóng vệ tinh 72 triệu USD lên vũ trụ;… là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.
Việt Nam cùng Nga nghiên cứu băng cháy biển Đông
Đánh giá, tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam là rất lớn, ngày 16/2, PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư cho biết: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiến hành phối hợp với Nga để nghiên cứu về khí Hydrate (băng cháy) và các khoáng sản đáy biển.
PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư cho biết, qua kết quả điều tra đến độ sâu 100m nước thì vùng biển nước ta rất giàu một số loại tài nguyên khoáng sản. Trước hết là các vật liệu xây dựng, kim loại nặng (trong đó có Titan, zicon, vàng và một số kim loại quý hiếm khác…).
Tuy nhiên, hiện chúng ta mới chỉ điều tra, đánh giá ở tỷ lệ 1/500.000 nên nếu phục vụ khai thác thì cần có điều tra chi tiết hơn.
"Hiện, chúng tôi cũng tiến hành phối hợp với Nga để nghiên cứu về khí Hydrate (băng cháy) và các khoáng sản đáy biển… Nhìn chung tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam là rất lớn", PGS-TSKH Cư cho biết thêm. (Theo Đất Việt 17/2).
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đi vào hoạt động
PGS, TS Phan Văn Kiệm, Trưởng ban Cán bộ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Theo Nghị định số 108/2012/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ (ngày 25-12-2012) quy định từ ngày 19-2-2013, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đổi tên thành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) và chính thức đi vào hoạt động.
Viện HLKH và CNVN là viện nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc Chính phủ. Nhiệm vụ chủ yếu của Viện là nghiên cứu kkhoa học tự nhiên, phát triển công nghệ phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch, chính sách và chiến lược trong phát triển khoa học tự nhiên, công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường... (Theo Nhân Dân 19/2).
Nghiên cứu tạo collagen từ da cá tra
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã thành công trong việc nghiên cứu chiết xuất collagen (chất tạo keo) từ da cá tra, sau đó được thủy phân bằng enzym để thu nhận collagen thủy phân.
Qua phân tích, nhóm nhiên cứu nhận thấy, với 50% hàm lượng chất khô là collagen trong tổng số 69% protein thì da cá tra rất phù hợp để sản xuất collagen. Kết quả xử lý nguyên liệu cho thấy da cá tra được loại béo hiệu quả bằng NaOH 0,4%. Hiệu suất tách chiết collagen từ da cá bằng nước ở 400 C đạt 91,20%.
Nguồn cá tra nguyên liệu dồi dào sẽ tạo điều kiện để việc chiết xuất collagen từ da cá tra hiệu quả.
Sản phẩm cuối dạng bột có màu trắng ngà, pH trung tính, hàm lượng protein cao trên 90%, hàm lượng tro dưới 2%, hàm lượng béo thấp thích hợp ứng dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm. (Theo Khoa học phổ thông 20/2).
Khám phá thêm một loài thằn lằn chân ngón ở Việt Nam
Nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí, phòng công nghệ và quản lý môi trường, viện Sinh học nhiệt đới (thuộc viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa công bố loài thằn lằn chân ngón mới, xuất bản trên tạp chí Zootaxa số 3616, ngày 19.2.2013.
Tên của loài thằn lằn mới được đặt tên theo tên của PGS Hoàng Đức Đạt – Cyrtodactylus dati sp. nov. Ngô, 2013 như là món quà tri ân PGS Hoàng Đức Đạt, người đã có công phát hiện, dìu dắt và khuyến khích hướng nghiên cứu cơ bản thú vị này.
Đây là loài động vật mới thứ 26 mà Ngô Văn Trí cùng các đồng nghiệp mô tả ở Việt Nam trong vòng tám năm qua. (Theo Sài gòn giải phóng 20/2).
Việt Nam sắp phóng vệ tinh 72 triệu USD lên vũ trụ
Theo TS Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản phê duyệt phương án phóng vệ tinh thu nhỏ VNREDSat-1A theo đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam.
Như vậy, vệ tinh VNREDSat-1A sẽ được phóng lên vũ trụ vào quý II năm nay bằng tên lửa đẩy VEGA.
Ông Tuyên cho hay, VNREDSat-1A là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam được phóng lên vũ trụ nhằm phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, thiên tai. (Theo Tiền Phong 21/2).
Mô phỏng vệ tinh VNREDSat-1A của Việt Nam.
Màng, carton và nhiệt độ thấp bảo quản trái bưởi
Viện cơ điện nông nghiệp và công nghiệp đã thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ bảo quản bưởi”. Thành phần chế phẩm tạo màng bảo quản trái bưởi tươi gồm có polyethylen (12% chất khô), sáp Carnauba (6%) và nhựa cánh kiến đỏ (2%); các thành phần chế phẩm đều đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Áp dụng công nghệ sản xuất nhũ hóa anionic áp suất cao, độ dày của màng là 3 µm. Hộp carton với mặt trong được tráng nhũ tương EVA + parafin, kích thước 26 x 26 x 52 cm xếp được 16 trái, bảo quản với nhiệt độ thích hợp là 12 - 14 độ C. Sau bảo quản 3 tháng, tỷ lệ tổn thất nhỏ hơn 10% và nhỏ hơn 15% sau bảo quản 5 tháng, chất lượng trái tốt, hình thức đẹp. Chế phẩm có giá thành thấp, dễ sử dụng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với quy mô áp dụng tại các địa phương. (Theo Khoa học phổ thông 20/2).
Thí điểm khoán kinh phí nghiên cứu khoa học
Ngày 21-2, tại phiên họp triển khai kế hoạch hoạt động năm 2013 của Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng KH&CN thành phố Nguyễn Xuân Anh thống nhất việc thông qua mục tiêu và nội dung 6 chương trình KH&CN trọng điểm của thành phố; giao Sở KH&CN thành phố xem xét, rà soát lại danh mục các nhiệm vụ KH&CN chi tiết thuộc chương trình để tránh trùng lặp, đáp ứng được mục tiêu và nội dung của chương trình đã được Hội đồng thống nhất thông qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh cũng thống nhất đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét bố trí đủ kinh phí cho hoạt động KH&CN thành phố, đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu và tiến hành triển khai thí điểm việc khoán kinh phí trong nghiên cứu khoa học theo chỉ đạo của Thành ủy.
Ngoài ra, phiên họp cũng thảo luận về việc phân bổ kinh phí hằng năm cho ngành khoa học và công nghệ, cơ chế quản lý kinh phí trong nghiên cứu khoa học. (Theo Báo Đà Nẵng 22/2)
Ngọc Anh (tổng tợp)