Chế tạo máy cấy cho nông dân; Xây dựng chương trình tổng thể nghiên cứu khoa học về chống ngập; Vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên Việt Nam tự chế tạo đã hoạt động trên vũ trụ; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính sách KHCN quốc gia;… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Chế tạo máy cấy cho nông dân
Các nhà khoa học của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã bắt tay thực hiện đề tài: Nghiên cứu chế tạo máy cấy, thuộc Chương trình trọng điểm cấp nhà nước KC.07.25. Kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học lớp trước, TS Lê Sỹ Hùng cùng đồng nghiệp đã ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu, thiết kế và vận hành thử máy cấy của mình làm ra.
Kết quả ứng dụng bước đầu cho thấy rất khả quan, mỗi ngày một máy cấy có thể cấy được 25-30 sào bắc bộ (bằng 30 người cấy tay) chất lượng cấy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, máy làm việc ổn định, mật độ cấy đồng đều, cây lúa đứng thẳng, không sót và ít hư hỏng, máy cấy được thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng điều khiển sử dụng, giá thành thấp (khoảng 20 triệu đồng) nên được bà con nông dân sẵn sàng tiếp nhận để đưa vào phục vụ sản xuất. (Theo Vietq.vn 18/11).
Máy cấy lúa thẳng hàng hơn so với canh tác thô sơ
Xây dựng chương trình tổng thể nghiên cứu khoa học về chống ngập
Theo thông tin từ VP UBND.TP, UBND TP đã giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia TP xây dựng chương trình tổng thể nghiên cứu khoa học về chống ngập và các đề tài sản phẩm phục vụ cho chương trình chống ngập; trình UBND TP xem xét, phê duyệt trước ngày 1/1/2014.
UBND TP cũng yêu cầu cơ quan này đề xuất những đề tài cấp thiết và đề nghị đơn vị quản lý, vận hành mô hình mô phỏng cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác chống ngập của TP. (Theo khoahocphothong.vn 19/11).
Vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên Việt Nam tự chế tạo đã hoạt động trên vũ trụ
Sáng 20-11, thông tin từ Trung tâm vệ tinh Quốc gia (VNSC, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, vào lúc 19 giờ 17 phút, ngày 19-11-2013 (giờ Việt Nam), vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (Rồng nhỏ) do VNSC chế tạo đã được phóng ra từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). 4 giờ sau đó, những tín hiệu đầu tiên từ Pico Dragon phát ra đã được các các trạm mặt đất trong đó có VNSC thu nhận được.
Hiện tại, nhóm kỹ sư của VNSC đang tích cực thực hiện việc thu nhận tín hiệu tiếp theo đồng thời liên lạc với các trạm mặt đất khác trên thế giới để nhờ sự trợ giúp. Với kết quả này, PicoDragon (Rồng nhỏ) đã trở thành vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên không gian. (Theo Sài gòn giải phóng 20/11).
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính sách KHCN quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia. Hội đồng này thực hiện tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ với hai hình thức: Tư vấn độc lập và tư vấn theo yêu cầu.
Hội đồng có nhiệm vụ đề xuất ý kiến với Thủ tướng Chính phủ trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; chính sách phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành, đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, vùng địa phương; chính sách phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ...(Theo Chinhphu.vn 20/11)
Trao giải thưởng Nhân tài đất Việt 2013
Tối 20.11, giải thưởng Nhân tài đất Việt 2013 được công bố với 16 giải thưởng trong các lĩnh vực công nghệ thông tin (12 giải), khoa học ứng dụng (1 giải), y dược (1 giải) và môi trường (2 giải).
Giải thưởng trong lĩnh vực khoa học ứng dụng được trao cho PGS-TS Hồ Văn Chín, Viện Địa lý và Tài nguyên TP.HCM và các cộng sự với cụm công trình: “Nghiên cứu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1980 - 1987”. Giải y học trọn đời được trao cho PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Thứ trưởng Bộ Y tế với công trình nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam. Giải nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin được trao cho Công ty cổ phần truyền thông Centech với sản phẩm phần mềm “Mạng quảng cáo di động”. (Theo Thanh niên 21/10).
Ứng dụng thành công công nghệ hạt nhân trong trồng bưởi
Năm 2007, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giống cây ăn quả Đông Nam Bộ và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Nai bắt tay vào thực hiện chiếu xạ năng luợng hạt nhân để tạo ra 3 giống bưởi mới mang tính đại diện, đặc trưng và đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật trên thế giới.
Sau hơn 5 năm nghiên cứu và triển khai đề tài sản xuất giống bưởi đường lá cam Tân Triều, Đồng Nai bằng công nghệ chiếu xạ năng lượng hạt nhân, nhằm tạo ra giống mới không hạt, đã thu được những kết quả khả quan.
Thạc sỹ Lê Văn Thức, cán bộ Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, người trực tiếp tham gia đề tài cho biết, theo tiêu chuẩn quốc tế, trong một quả bưởi có dưới năm hạt là đã đạt tiêu chuẩn không hạt. Và ba giống bưởi trên đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật mà quốc tế quy định. Hiện những giống bưởi trên đã cho được quả từ một mùa đến hai mùa mỗi năm. (Theo vietnam+ 21/11).
Bưởi đường lá cam Tân Triều. (Ảnh: Sỹ Tuyên/Vietnam+)
SHBI và ĐHQG TP.HCM hợp tác thành lập doanh nghiệp
Ngày 21-11, tại vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao - Khu công nghệ cao TP.HCM (SHBI) đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa SHBI và Trung tâm sở hữu trí tuệ - chuyển giao công nghệ ĐHQG TP.HCM (IPTC) và ra mắt Công ty TNHH KHCN HoneyB.
Công ty TNHH KHCN HoneyB là doanh nghiệp đầu tiên dược thành lập trên cơ sở hợp tác giữa SHBI và ĐHQG TP.HCM, xuất phát từ mong muốn thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao từ đề tài nghiên cứu khoa học của TS Lê Đình Tuân, khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Sản phẩm chính của Công ty HoneyB là máy cân bằng động, thiết bị đào tạo, huấn luyện thí nghiệm và tàu đệm khí. (Theo Tuổi trẻ 21/11).
Hà Trang (Tổng hợp)