6 nhà khoa học Việt Nam nhận giải thưởng ngành công nghiệp hạt nhân; Hội thảo về Dự án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc; Chế tạo thiết bị lọc Asen trong nước với giá 1,5 triệu đồng;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
6 nhà khoa học Việt Nam nhận giải thưởng ngành công nghiệp hạt nhân
Ngày 18.3, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), ông V.A.Pershukov, Phó tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) trao giải thưởng ngành công nghiệp hạt nhân cho 6 nhà khoa học Việt Nam đã có nhiều cống hiến cho sự hiện đại hóa và phát triển của lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, cùng việc khôi phục hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cách đây 30 năm (20.3.1984 - 20.3.2014).
Đây là lần đầu ROSATOM trao giải này cho các nhà khoa học Việt Nam. Ông V.A.Pershukov đánh giá cao trình độ của các nhà khoa học Việt Nam và vai trò quan trọng của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong việc đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên chuẩn bị xây dựng tại Ninh Thuận. (Theo Thanh niên 19/3).
Hội thảo về Dự án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc
Hội thảo lần thứ 3 giữa Việt Nam và Hàn Quốc về Dự án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) đã được tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.
Đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã dành khu đất theo yêu cầu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho việc xây dựng V-KIST, với diện tích dự kiến hơn 20 ha. Tổng kinh phí cho giai đoạn I (2014-2017) của dự án dự kiến khoảng 70 triệu USD, trong đó Hàn Quốc hỗ trợ một nửa từ nguồn viện trợ không hoàn lại. Kinh phí đối ứng của Việt Nam ước tính thực hiện cho giai đoạn I với diện tích khoảng 12 ha, bao gồm giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí quản lý… tương đương 35 triệu USD.
Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các bên trao đổi, thảo luận nhằm đẩy nhanh tiến độ, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai xây dựng V-KIST, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc để đạt mục tiêu đã đề ra. (Đại biểu nhân dân 20/3).
TPHCM sẽ đầu tư thêm 2 đến 3 Khu Nông nghiệp công nghệ cao
UBND TP vừa yêu cầu các sở-ngành và UBND quận-huyện có sản xuất nông nghiệp triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, các sở-ngành liên quan được giao nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu của sản xuất nông nghiệp; đầu tư thêm 2 đến 3 Khu Nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết hợp tác với hệ thống các siêu thị, nhân rộng các mô hình liên kết,…
TP.HCM đầu tư thêm 2 đến 3 Khu Nông nghiệp công nghệ cao
UBND TP sẽ có chính sách huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn và nhằm hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. (Theo Khoa học phổ thông 21/3).
Chế tạo thiết bị lọc Asen trong nước với giá 1,5 triệu đồng
PGS.TS Lưu Minh Đại, Viện Khoa học Vật liệu, viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu, chế tạo vật liệu oxit kích thước nanomet (hệ: γ – Fe2O3, Mn2O3-Fe2O3, La2O3), trong đề tài “Hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu nano dùng trong thiết bị hấp phụ asen và triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Bằng cách đốt cháy gel PVA tạo ra vật liệu kích thước nhỏ cỡ nanomet, đưa vào cát thạch anh và nhồi vào cột, các nhà khoa học đã tạo ra được một thiết bị lọc nước hiệu quả.
Sau khi nghiên cứu thành công, các nhà khoa học đã triển khai chế tạo và lắp đặt 150 thiết bị sử dụng vật liệu kích thước nanomet để hấp phụ Asen trong nước sinh hoạt bị ô nhiễm tại các hộ gia đình ở các huyện Đức Thọ, Lộc Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh). Tính đến nay (sau 6 – 12 tháng được đưa vào sử dụng), các thiết bị hoạt động tốt, cung cấp nước sạch (hàm lượng Asen <0,01 mg/l) đạt Quy chuẩn vệ sinh ăn uống QCVN 01:2009/BYT. (Theo vietq.vn 20/3).
Việt Nam-Đức tăng hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực nước
Ngày 19/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức cùng Văn phòng hợp tác nghiên cứu nước và phát triển bền vững Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức, tổ chức hội thảo: “Nghiên cứu về nước và phát triển bền vững trong hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức năm 2014.”
Hơn 100 đại biểu tham dự trong đó có nhiều chuyên gia của hai nước đã cùng thảo luận nhiều chủ đề xoay quanh các vấn đề về nước và môi trường; Chương trình hợp tác quốc tế cho các công nghệ và dịch vụ bền vững nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường - CLIENT do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức đồng tài trợ. Hội thảo nhằm phổ biến những kinh nghiệm và kết quả khoa học giữa các nhà nghiên cứu và các bên liên quan, đồng thời nâng cao sự phối hợp giữa các dự án nghiên cứu chung trong hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức. (Theo vietnamplus 19/3).
Chế tạo máy để giúp các bạn khiếm thị
Với dự án “Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị”, do Trần Thị Diệu Liên và Nguyễn Nam Du học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM sáng chế đoạt giải nhất chung cuộc trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2014 khu vực phía Nam.
Du miêu tả: “Qua khảo sát thực tế, nhóm thiết kế mô hình mô phỏng cách đọc chữ nổi của người khiếm thị, và khắc phục nhược điểm của cơ cấu cũ (nhiều rờle và cồng kềnh) thông qua cơ cấu xoay ngang và giảm số lượng thiết bị đẩy gờ nổi xuống còn 3 với kích thước nhỏ gọn, tiện dụng, sử dụng các vật dụng thông dụng như bút bi... Cạnh đó nhóm cũng đã hoàn thiện bộ font tự tạo chuyển văn bản thường thành chữ nổi, phần mềm có các chức năng đa dạng, cung cấp tín hiệu cho bộ vi xử lý nhằm điều khiển các rờle đẩy gờ nổi trên bề mặt bảng hiển thị... giúp người khiếm thị dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin”. (Theo Tuổi trẻ 19/3).
30 năm vận hành an toàn lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Sáng 20-3, tại Đà Lạt, Viện Nghiên cứu hạt nhân (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã tổ chức kỷ niệm 30 năm khánh thành công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Đặng Tuấn
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt xây dựng năm 1960 nhưng chỉ hoạt động từ năm 1963 đến năm 1968, vì nhiều lý do. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, lò được khôi phục, mở rộng và chính thức vận hành trở lại vào ngày 20-3-1984. Đến cuối năm 2013, lò phản ứng đã có 37.800 giờ hoạt động an toàn và khai thác hiệu quả, phục vụ các nhiệm vụ chính là: sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích mẫu bằng kỹ thuật kích hoạt nơtron, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để đưa các tiến bộ của khoa học - công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, huấn luyện và đào tạo cán bộ.
Dịp này, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. (Theo Sài gòn giải phóng 20/3).
Hà Trang (Tổng hợp)