Thái Bình tôn vinh 44 công trình trí tuệ sáng tạo; Nữ công nhân sáng chế ra “cây bôi keo”; Việt Nam – Nga thúc đẩy hợp tác giáo dục, công nghệ; Chuyển giao kỹ thuật nuôi cá dứa sinh sản;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Thái Bình tôn vinh 44 công trình trí tuệ sáng tạo
Sáng 14/9, tỉnh Thái Bình tổ chức lễ tôn vinh trí tuệ sáng tạo Thái Bình năm 2013, trao giải thưởng sáng tạo khoa học – công nghệ và kỹ thuật lần thứ V và trao giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất. 44 công trình khoa học của 92 tác giả, đồng tác giả đã được nhận giải thưởng.
Hội thi sáng tạo khoa học – công nghệ và kỹ thuật Thái Bình lần thứ V (2012 – 2013) được phát động từ tháng 8/2012 đến tháng 6/2013, đã nhận được 108 giải pháp dự thi. Nhiều đề tài, giải pháp có tính sáng tạo, thiết thực và được đánh giá rất cao như công trình “Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thuần mới TBR45” của tác giả Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình; công trình “Sản xuất bể biogas bằng vật liệu nhựa tái sinh để xử lý chất thải trong chăn nuôi và sinh hoạt” của nhóm tác giả Ngô Duy Đông, Phạm Thành Trung - Công ty TNHH Phát triển công nghệ khí sinh học Môi trường xanh…(Theo Công an nhân dân 15/9).
Nữ công nhân sáng chế ra “cây bôi keo”
Trước những khó khăn cũng như nguy hiểm gặp phải trong việc bôi keo máng che mưa cho cây cao su, chị Hoàng Thị Hảo, công nhân Nông trường cao su Tân Lập (Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú) đã sáng chế ra sản phẩm “cây bôi keo” trên cao cho cây cao su, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, đặc biệt an toàn trong quá trình làm việc.
“Dùng một cây tầm vông hoặc cây gỗ để làm cần, tạo một giá đỡ để đặt bình keo vào, khi bóp tay phanh vừa đủ ép hai má phanh (hai má phanh xe đạp) lại làm cho bình keo tự động chảy ra. Sau khi dùng thử, tôi thấy rất hiệu quả”, chị Hảo chia sẻ.
Ông Phạm Văn Quảng, Tổ trưởng tổ 6 cho biết: Sáng kiến “cây bôi keo” trên cao cho cây cao su của chị Hảo có nhiều tiện ích. Trước đây, một lô cao su để hoàn thành công đoạn bôi keo cho máng che mưa phải mất 3 giờ, nhưng với dụng cụ này đã rút ngắn chỉ còn hơn 1 giờ. Ngoài ra các bộ phận cấu tạo nên nó đơn giản, chi phí sản xuất rẻ... (Theo Khoa học phổ thông 19/9).
Việt Nam – Nga thúc đẩy hợp tác giáo dục, công nghệ
Chiều 16/9, tiếp tục chuyến làm việc tại Liên bang Nga, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự cuộc hội thảo với chủ đề “Hợp tác chiến lược giáo dục và khoa học –nền tảng để phát triển bền vững –quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga” do Bộ Giáo dục và Khoa học Nga phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân một lần nữa bày tỏ cảm ơn của nhân dân Việt Nam đối với sự giúp đỡ to lớn của nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu của Nga đã giúp đào tạo hàng chục nghìn cán bộ có trình độ cao trong nhiều lĩnh vực, ngành quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam những năm qua...
Cũng nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cùng đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo đã chứng kiến lễ ký kết giữa Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga ghi nhớ về cuộc gặp giữa các đồng chủ tịch Uỷ ban Nga - Việt về hợp tác Khoa học Công nghệ. (Theo VOV 19/9).
Hội thảo về hợp tác giáo dục - đào tạo - nghiên cứu khoa học Việt Nam – Nga.
Chuyển giao kỹ thuật nuôi cá dứa sinh sản
Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM vừa chuyển giao công nghệ sinh sản cá dứa nhân tạo cho nông dân huyện Cần Giờ. Công nghệ này được mua bản quyền từ những vùng nuôi cá dứa hiệu quả của các tỉnh ĐBSCL.
Cần Giờ hiện chỉ còn hơn 2ha nuôi cá dứa, giảm 8ha so với lúc nuôi thí điểm năm 2009. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu sinh sản giống nhân tạo hiệu quả, diện tích nuôi cá dứa tại Cần Giờ sẽ có khả năng tăng trở lại. (Theo Tuổi trẻ 20/9).
Tách hoạt tính hạ glucose từ lá xakê, vỏ măng cụt
Sau 12 tháng, nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Bộ môn Hóa hữu cơ, Viện Kỹ thuật Hóa học đã nghiên cứu thành công quy trình chiết tách, phân lập một số hợp chất có hoạt tính sinh học (chống oxy hóa, hạ glucose máu…) từ lá cây xakê và vỏ quả măng cụt ở quy mô phòng thí nghiệm. Đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết, tách phân đoạn có hoạt tính sinh học từ cây xakê và cây măng cụt” được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ nhằm nghiên cứu với mục tiêu tạo ra các chế phẩm hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thu Hương, bước đầu đề tài đã đạt được kết quả nhất định về việc phân lập các hợp chất và tìm kiếm các chất có hoạt tính sinh học (kháng vi sinh vật, chống oxy hóa hạ đường huyết…) từ lá cây xakê và vỏ quả măng cụt - nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam. (Theo vietnamplus 20/9).
Nhật Bản giúp VN chuẩn hóa tiết kiệm năng lượng
Biên bản thảo luận Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật tăng cường hệ thống, vận hành các tiêu chuẩn và hợp chuẩn về tiết kiệm năng lượng, dán nhãn năng lượng tại Việt Nam đã được ký kết giữa JICA và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ), Văn phòng công nhận (BOA) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Phía JICA cho hay, với biên bản này, dự án có thời hạn ba năm sẽ được bắt đầu trong năm 2013 nhằm hỗ trợ sự vận hành của các phòng thử nghiệm trực thuộc STAMEQ trong kiểm nghiệm tiết kiệm năng lượng đối với sản phẩm máy điều hòa và tủ lạnh gia dụng.
Trong khuôn khổ Dự án này, phía Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ và chuyên môn tiên tiến trong lĩnh vực thử nghiệm và tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng cho phía Việt Nam thông qua việc phái cử chuyên gia, cung cấp thiết bị nhằm đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Tiết kiệm Năng lượng. (Theo vietnamplus 20/9).
Khẩn trương chuẩn bị khai mạc Techmart Hà Nội 2013
Ngày 18-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã làm việc với Sở KH&CN và các đơn vị liên quan về việc tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội năm 2013 (Techmart Hà Nội) từ ngày 26 đến 29-9 tại Cung thi đấu điền kinh Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở KH&CN, năm nay có 248 đơn vị tham gia sự kiện với hơn 300 gian hàng và 352 công nghệ, thiết bị, phần mềm được chào bán. Trong khuôn khổ Chợ công nghệ và thiết bị tổ chức các hội thảo chuyên đề "Doanh nghiệp và chất lượng an toàn thực phẩm", "Phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi", "Ứng dụng KH&CN sản xuất giống cây trồng chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế" và hội thảo giới thiệu sản phẩm công nghệ xanh 2013. (Theo Hà nội mới 20/9).
Hệ thống lọc nước Hồ Gươm được trình diễn tại Techmart 2012.
Máy hái cà phê cầm tay
Ông Nguyễn Đức Thống ở thôn 2, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông đã thiết kế thành công máy hái cà phê cầm tay. Chiếc máy này được cải tiến từ máy khoan tường. Ở phần hái, được tác giả thiết kế thêm 2 bánh nhông bằng cốt sắt, bọc ngoài bằng nhựa dẻo và chia theo hình mũi khế.
Máy có 2 loại chạy bằng pin và bằng điện. Máy chạy bằng pin (sạc 1 tiếng dùng được trong vòng 4 tiếng) có 2 pin để thay đổi. Ngoài ra, máy có trọng lượng 1,9kg khá gọn nhẹ. Máy chạy bằng điện sẽ sử dụng điện 220V. Máy chạy bằng điện chỉ nặng có 1,4kg và thích hợp với dãy cà phê gần nhà…Do thiết kế gọn nhẹ nên máy có thể hái ở cả những vị trí cành xen nhau mà không gây ồn, không rụng lá và hái sạch từ 95-98%. Kết quả cho biết, máy giúp hái nhanh mà không gây mất sức cho người hái. (Theo Khoa học và Đời sống 20/9).
Hà Trang (Tổng hợp)