Cần 7-10 năm để có nguồn nhân lực cho điện hạt nhân; Hội nghị giao lưu khoa học sinh viên Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7; Cá thát lát Hậu Giang được bảo hộ độc quyền,… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Cần 7-10 năm để có nguồn nhân lực cho điện hạt nhân
Ngày 13/9, Bộ KH&CN phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Theo ông Brian Molloy, Giám đốc kỹ thuật phụ trách phát triển nguồn nhân lực, Ban Năng lượng hạt nhân, IAEA, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam phải dựa vào thực tế, đòi hỏi, yêu cầu, nhu cầu, định hướng của ngành hạt nhân và cần được xây dựng cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân một cách kỹ lưỡng và chi tiết. Nếu thực hiện tốt điều này, sau 7-10 năm, Việt Nam sẽ có tương đối đầy đủ nguồn cán bộ về quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận (theo VOV, ngày 19/9)
Hội nghị giao lưu khoa học sinh viên Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7
Ngày 13/9/2014 vừa qua, tại Rokkodai Daiichi Campus, đại học Kobe, Hội nghị giao lưu khoa học sinh viên Việt Nam - Nhật Bản (VJSE) lần thứ 7 đã được tổ chức thành công tốt đẹp.
Điểm mới của hội nghị năm nay là phần giải thưởng từ Bộ KH&CN Việt Nam cho bài báo tốt nhất và phần trình bày hay nhất trong số hơn 40 người báo cáo ở 6 nhóm chuyên ngành: Y-sinh; môi trường và nông nghiệp; khoa học máy tính và công nghệ thông tin; khoa học vật liệu và kĩ thuật; kinh tế, kinh doanh và hợp tác quốc tế; luật và các ngành khoa học xã hội.
Kết thúc hội nghị, đã có 12 bài báo cáo được ban chương trình của hội nghị VJSE bầu chọn và trao giải thưởng bài báo cáo tốt nhất và bài báo cáo thuyết trình xuất sắc nhất chia đều cho 6 tiểu ban. Hai giải thưởng này vinh dự được tài trợ từ Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công Nghệ Việt Nam, Nguyễn Quân. (Theo Dân trí, ngày 18/9)
Trên 200 gian hàng tham gia triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ
Ngày 17/9, tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Tân Bình (TP.HCM) đã khai mạc Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam- VSI Expo 2014 do Sở Công Thương TP.HCM lần đầu tiên tổ chức.
Triển lãm thu hút trên 200 gian trưng bày của 140 doanh nghiệp tham dự, với sự tham gia của đông đảo các tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và nước ngoài, bao gồm nhiều nhóm lĩnh vực như: Công nghệ cao, dệt may, da giày, điện- điện tử, nhựa, cao su, cơ khí, chế tạo và lắp ráp ô tô.
Theo ban tổ chức, đây là chương trình lần đầu được tổ chức qui mô, với mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng nền công nghiệp nước nhà phát triển bền vững. Triển lãm cùng các hội thảo chuyên ngành được tổ chức đồng thời tại VSI Expo 2014 sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho tăng cường xúc tiến thương mại, hợp tác liên kết sản xuất, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ; Giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có điều kiện trở thành các nhà cung cấp trực tiếp trong nước, giảm thiểu nhập khẩu, từng bước xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là hết sức cần thiết.
Trong khuôn khổ triển lãm này, còn có hội thảo chuyên ngành với chủ đề“Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp Hỗ trợ tại Việt Nam”nhằm giúp các nhà cung cấp và nhà sản xuất có được đánh giá tổng quan trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp của mình. (Theo Báo Công Thương, ngày 18/9)
Cá thát lát Hậu Giang được bảo hộ độc quyền
Sở KH&CN Hậu Giang vừa trao nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Cá thát lát Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ độc quyền cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh này.
Theo nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ, sản phẩm cá thát lát phải được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đáp ứng được các tiêu chí: Thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, thịt dai, cơ thịt mịn, săn chắc, không có màu lạ; hàm lượng protein ≥ 14,43%; lipid ≥ 0,2%.
Sau hơn 1 năm đăng kí nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ, đến ngày 12/8/2014 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận nói trên.
Nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” là công cụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi đối với người nuôi cũng như những cơ sở chế biến cá thát lát tại Hậu Giang. (Theo Tuổi trẻ, 19/9)
Dùng muối ăn diệt cây mai dương
Hai giờ sau khi phun dung dịch muối, cây mai dương bị tổn thương lá cành, hai tuần sau trơ trụi lá.
Nhóm các nhà khoa học gồm TS Đỗ Thường Kiệt, PGS-TS Bùi Trang Việt và TS Trần Triết (khoa sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) vừa nghiên cứu và pha chế thành công loại dung dịch có thể làm tàn lụi cây mai dương, một loài ngoại lai xâm lấn gây thiệt hại lớn về tài chính, tài nguyên và cả đời sống của thực vật, sinh vật bản địa ở nhiều vùng đất tại Việt Nam.
Nhóm tác giả cho rằng nếu kết hợp phương pháp này với phương pháp chặt, đốt sẽ cho hiệu quả triệt để và dần dần có thể tiêu diệt được loài cây phá hoại này.
Đây là loài cây không chỉ là nỗi ám ảnh với Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học nói trên đã gây sự chú ý của giới khoa học sinh thái trong nước và quốc tế. (Theo Tuổi trẻ, 14/9)
Diệu Huyền (Tổng hợp)