Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào tái cơ cấu nông nghiệp; nhà khoa học nước ngoài bàn phát triển công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh; ...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016
Sáng 12/11, tại Hà Nội, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016 (Techfest 2016) đã chính thức khai mạc. Đây là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp do Bộ KH&CN tổ chức.
Ngoài hoạt động triển lãm, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, điểm nhấn của Techfest là có sự kết nối đầu tư giữa 100 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế với 100 doanh nghiệp khởi nghiệp.
Mục đích của Techfest chính là trở thành một sân chơi cho tất cả tổ chức, cá nhân đam mê công nghệ. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đây là cơ hội để được gặp gỡ với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư một cách trực tiếp... (Theo Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam vtv.vn ngày 12/11).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đi thăm các gian hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào tái cơ cấu nông nghiệp
Theo thông tin từ Báo Lao Động, ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại lễ ký kết, 2 Bộ trưởng đều khẳng định, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, hai Bên sẽ ưu tiên thực hiện Chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN
Nhà khoa học nước ngoài bàn phát triển công nghệ cao tại TP. HCM
Ngày 17/11, gần 30 nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự Hội nghị quốc tế thường niên khu công nghệ cao TP HCM với chủ đề Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano.
Nhiều diễn giả là các nhà khoa học danh tiếng đến từ những nước phát triển về công nghệ nano như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Đặc biệt, giáo sư Munir Nayfeh (Mỹ) - nhà phát minh của quá trình tạo hạt nano silicon phát quang RGB - cũng tới trình bày tham luận.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương chia sẻ, việc làm chủ công nghệ nano trong ứng dụng sản xuất ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hội nghị là cơ hội tốt để các nhà khoa học cùng doanh nghiệp thảo luận, tìm cơ hội hợp tác phát triển. Đây cũng là dịp để cơ quan quản lý nắm bắt thực tiễn nhằm xây dựng chính sách phù hợp cho phát triển công nghệ và vật liệu nano.
Đây là lần thứ 4 Hội nghị được tổ chức tại TP. HCM, chương trình diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/11. (Theo báo điện tử vnexpress.net ngày 17/11).
Khánh thành nơi lưu trữ tài liệu, di sản của các nhà khoa học
Mới đây, Ban quản lý Dự án Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết đã tổ chức khánh thành module 1 của Tòa nhà Lưu trữ di sản của các nhà khoa học (nhà S1). Với thiết kế dựa trên ý tưởng một cuốn sách mở, module này có diện tích sử dụng 1.500m2, công năng chủ yếu là lưu trữ tài liệu, di sản của các nhà khoa học mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã sưu tầm được.
Dự án Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam được xây dựng trên diện tích khoảng 30ha tại xóm Tiềng (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Trong quá trình xây dựng Công viên, những hạng mục công trình đã hoàn thiện sẽ được đưa dần vào hoạt động phục vụ công chúng, và dự kiến đến năm 2020 Công viên sẽ cơ bản hoàn thành.
Nhân dịp khánh thành trung tâm và kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, từ nay đến hết ngày 19/11/2016, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh “Hướng tới Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam”. (Theo vietq.vn ngày 17/11)
Chàng trai chế tạo máy diệt khuẩn loại bỏ thực phẩm bẩn
Ngày 17/11, Báo điện tử Dân trí đưa thông tin, chiếc máy diệt khuẩn đa năng do nam sinh ở Ninh Bình sáng chế có chức năng loại bỏ độc tố trong thực phẩm và làm sạch không khí. Chủ nhân của chiếc máy độc đáo trên là em Phạm Xuân Huân, học sinh lớp 12B3, trường THPT Trần Hưng Đạo, Thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình.
Các bộ phận chính của máy bao gồm: Hệ thống diệt khuẩn và khử độc thực phẩm (bộ phận phát tán tia UV và khí Ozone, bộ phận phát tán nano bạc); bộ cảm biến hẹn giờ (cho phép người dùng lựa chọn thời gian diệt khuẩn, khử độc với từng đối tượng khác nhau) và thân máy được làm từ những tấm kính phản quang có tác dụng ngăn tia cực tím ảnh hưởng tới người sử dụng.
Máy diệt khuẩn đa năng của em Huân đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo
“Máy hoạt động theo nguyên lý, thực phẩm hoặc vật dụng muốn làm sạch được đưa vào máy, đặt trên chiếc đĩa xoay tròn. Bóng đèn sẽ chiếu tia UV vào, khi bóng đèn chiếu tia UV sẽ xảy ra phản ứng hóa học với không khí tạo ra khí Ozone. Máy vừa diệt khuẩn và khử độc được vật chiếu xạ vào không khí xung quanh. Nano bạc được phun dưới dạng sương sẽ tạo thành lớp màng bảo vệ ngăn không cho vi khuẩn, độc tố quay trở lại”, Huân nói về nguyên lý hoạt động của chiếc máy....
Hà Trang (Tổng hợp)