Chế tạo thuốc bảo vệ thực vật trị bệnh nấm hồng trên cây cao su bằng công nghệ Nano; Khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo khoa học và công nghệ; Hà Nội: Tiêu hủy hơn 10.000 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng; Hợp tác nghiên cứu nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam;… là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.
Chế tạo thuốc bảo vệ thực vật trị bệnh nấm hồng trên cây cao su bằng công nghệ Nano
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Phong cùng với nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Lạc Hồng đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu chế tạo thuốc bảo vệ thực vật trị bệnh nấm hồng trên cây cao su ở tỉnh Đồng Nai bằng công nghệ Nano (nano bạc và nano kẽm).
Sau 18 tháng thực hiện nghiên cứu, đề tài đã chế tạo thành công thuốc bảo vệ thực vật trên cơ sở các dung dịch nano kim loại (nano bạc và nano kẽm) có kích thước dưới 40nm, có nồng độ đều, độ ổn định cao, có hiệu lực kháng và diệt nấm hồng trên cây cao su ở Đồng Nai. Kết quả khảo sát hiệu lực kháng nấm hồng của mẫu thuốc bảo vệ thực vật chế tạo được cho thấy dung dịch nano Zn-Ag (kẽm – bạc) có khả năng diệt nấm hồng cao 99% chỉ sau 6 ngày và dung dịch nano Zn-Ag ở nồng độ 30-40ppm diệt hoàn toàn nấm hồng chỉ sau 1 lần phun trực tiếp. (Theo Sở khoa học và Công nghệ Đồng Nai 4/6).
Khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo khoa học và công nghệ
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thông qua hai khoản tín dụng từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), với tổng trị giá 250 triệu USD, cho dự án Hệ thống hỗ trợ y tế khu vực đồng bằng sông Hồng (NORRED) và dự án Thúc đẩy sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (FIRST).
Trong đó, dự án FIRST nhận 100 triệu USD nhằm hỗ trợ hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ tại VN bằng cách thiết kế và thí điểm các chính sách khuyến khích sáng tạo khoa học và công nghệ, tăng cường hiệu quả của các Viện Nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo. Những đối tượng chính thụ hưởng dự án là các R&D, các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo có đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Các doanh nghiệp tách ra hoặc mới thành lập được hỗ trợ bởi các R&D và trường đại học cũng sẽ là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Dự án cũng sẽ hỗ trợ thành lập các phòng nghiên cứu đối tác công - tư trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Theo Thanh niên 5/6).
Hà Nội: Tiêu hủy hơn 10.000 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng
Ngày 5-6, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết tính từ ngày 25-2 đến 5-6 đã kiểm tra 352 điểm sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH); xử lý: 228 vụ, phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 163 triệu đồng.
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, Chi cục Quản lý thị trường TP đã chủ động triển khai kiểm tra các địa điểm kinh doanh trên toàn TP.
Kết quả đã tịch thu 22.464 MBH không đạt chất lượng, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, trong đó đã tổ chức tiêu hủy 10.836 chiếc. Số mũ chờ tiêu hủy là 11.628 chiếc. Ngoài ra, còn có gần 2.000 mũ chưa đăng ký chất lượng. (Theo Hà nội mới 5/6).
Hợp tác nghiên cứu nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam
Trong khuôn khổ nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ giữa Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt nam (HLKH và CNVN) và Phân viện Viễn Đông (Viện hàn lâm khoa học Nga), từ ngày 29- 4 đến ngày 8- 6 đã diễn ra chuyến điều tra, khảo sát chung của các nhà khoa học Việt Nam và Nga trên tàu "Viện sỹ Oparin".
Đây là chuyến khảo sát hỗn hợp Việt - Nga lần thứ tư trên tàu "Oparin " tại các vùng lãnh hải và đặc khu kinh tế của Việt Nam trên biển đông. Tham gia chuyến điều tra khảo sát, ngoài các thủy thủ còn có 21 nhà khoa học Nga đến từ các Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Sinh học biển, Địa lý Thái Bình Dương (thuộc Phân viện Viễn Đông) và 12 nhà khoa học ở năm viện (thuộc Viện HLKH và CNVN).
Tàu “Viện sĩ Oparin” tại cảng Nha Trang. (Ảnh: tuoitre.vn)
Nhân sự kiện này, tại Hà Nội, trong hai ngày 5 và 6- 6, Viện HLKH và CNVN phối hợp Phân viện Viễn Đông (Viện hàn lâm khoa học Nga) tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về Nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam. (Theo Nhân dân 5/6).
Ứng dụng công nghệ giao thông thông minh vào Việt Nam
Ngày 4/6, tại Hà Nội, Viện ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Sumitomo Electric (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo Quốc tế "Ứng dụng công nghệ giao thông thông minh trong quản lý giao thông" với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực giao thông.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích thực tiễn ứng dụng Hệ thống phần mềm giao thông thông minh tại Nhật Bản và các công nghệ của Tập đoàn Sumitomo Electric; hiện trạng giao thông tại các đô thị Việt Nam và khả năng triển khai hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam...
Dịp này, Viện ứng dụng công nghệ và Tập đoàn Sumitomo Electric đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về khoa học công nghệ giữa hai bên. (Theo vietnamplus 4/6).
Việt Nam sắp có vệ tinh viễn thám thứ 2
Vừa qua, Ban Quản lý dự án Vệ tinh nhỏ, thuộc Viện HLKHCN đã có các buổi đàm phán hợp đồng vòng 1 với Spacebel+AMOS và nhà thầu phụ quan trọng QinetiQ cho gói thầu số 01 – gói thầu thiết kế, chế tạo, phóng vệ tinh VNREDSAT-1B. Tại buổi đàm phán, hai bên đã thảo luận để đạt tới sự thống nhất về mục tiêu và phạm vi hợp đồng, hình thức hợp đồng, các yêu cầu công việc, tổ chức thực hiện hợp đồng, tiến độ thực hiện, các vấn đề về phóng và bảo hiểm phóng, bảo hiểm rủi ro trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, bảo hành hệ thống và hỗ trợ kỹ thuật sau khi bàn giao, đào tạo và chuyển giao công nghệ…
Vệ tinh VNREDSAT-1B sẽ cung cấp đồng thời ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và hàng chục kênh phổ có độ phân giải phổ ≤ 10 nm (gọi là các kênh siêu phổ HS). Từ đó, vệ tinh VNREDSAT-1B sẽ cung cấp các dữ liệu siêu phổ nhằm bổ trợ về thông tin phổ cho các dữ liệu ảnh viễn thám của vệ tinh VNREDSat-1.(Theo Đại đoàn kết 6/6).
Việt Nam thi chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á
Cuộc thi chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu Shell Eco - Marathon châu Á diễn ra vào đầu tháng 7 tại Malaysia sẽ đón nhận sự tham gia của sáu đội SV Việt Nam (từ các trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM) cùng 140 đội tại 18 quốc gia châu Á.
Đây là năm thứ ba Việt Nam tham gia, nhưng là năm đầu tiên Việt Nam có đội chế tạo tham gia ở hạng mục xe mô hình đô thị vốn đòi hỏi nhiều hơn vào yếu tố “đường trường” ở những phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thiết kế giống với các dòng xe thông thường đang lưu thông trên đường hiện nay, chứ không chỉ là các khuôn mẫu trong tương lai. (Theo Tuổi trẻ 6/6).
Mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu chạy bằng cồn của đội SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Với sản phẩm này, nhóm giành giải nhất SV nghiên cứu khoa học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm học 2012-2013 - Ảnh: Ngọc Hà
Xác định loài tre bằng kỹ thuật DNA
Theo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đề tài "Góp phần xác định các loài thuộc chi tre (Bambusa Schreb) ở Việt Nam bằng phương pháp DNA hỗ trợ phương pháp phân loại hình thái truyền thống" do PGS.TS Đinh Thị Phòng - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm, là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam nhằm góp phần phân loại tre bằng phương pháp DNA.
Kỹ thuật phân tích này có thể hỗ trợ việc phân loại và định loài tên cho tre theo phương pháp truyền thống là dựa trên hình thái, vốn đòi hỏi mẫu vật phải có đầy đủ các đặc điểm phân loại, đặc biệt là cơ quan sinh sản, mà đối với tre thì các mẫu vật chỉ có cơ quan dinh dưỡng, hầu hết không có đặc điểm về cơ quan sinh sản (hoa, quả) vì chu kỳ ra hoa tới vài chục năm. Hơn nữa, trong một số trường hợp, phương pháp phân loại bằng hình thái khó thực hiện, hoặc dễ nhầm lẫn do mẫu mang đặc điểm trung gian hoặc đồng hình. (Theo Hà nội mới 7/6).
Bê tông nước mặn cho đảo
Sản phẩm chính thức được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thạch Anh giới thiệu chiều 4.6, dùng cát biển, nước biển và san hô kết hợp xi măng, phụ gia để sản xuất. Loại sản phẩm này rất thích hợp cho các công trình dân sinh ở ngoài đảo xa như: hồ nước, đê chắn sóng, nhà tránh bão, trường học, bệnh viện… và những nơi mà điều kiện vận chuyển vật liệu xây dựng khó khăn.
Ông Trần Minh Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty Thạch Anh, cho biết việc ứng dụng công nghệ sản xuất bê tông nước mặn mở ra một triển vọng to lớn cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Chúng ta có thể tận dụng các nguồn cát nhiễm mặn rất lớn tại các cửa sông cửa biển để sản xuất vật liệu xây dựng, qua đó góp phần bảo vệ nguồn cát nước ngọt quý hiếm đang cạn kiệt dần. (Theo Thanh niên 7/6).
Hà Trang (Tổng hợp)