Phần Lan giúp Việt Nam đổi mới sáng tạo; Giải thưởng Kovalevskaia 2013 được trao cho 2 nhà khoa học nữ;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Phần Lan giúp Việt Nam đổi mới sáng tạo
Ngày 6/3, tại Hà Nội Việt Nam và Phần Lan ký kết Hiệp định Chương trình đổi mới sáng tạo (IPP) giai đoạn 2 với tổng kinh phí 11 triệu Euro.
Chương trình được thực hiện trong 4 năm (2014 - 2018) do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản. Trong tổng số vốn đầu tư thì phía Phần Lan sẽ viện trợ không hoàn lại 9,9 triệu Euro; còn lại 1,1 triệu Euro là vốn đối ứng của Việt Nam
Mục tiêu chính của IPP giai đoạn 2 là tập trung hỗ trợ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ; tăng cường đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, phát triển các sản phẩm cấp vùng; hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn đổi mới công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp... (Theo vnexpress 6/3).
Giải thưởng Kovalevskaia 2013 được trao cho 2 nhà khoa học nữ
Theo Hội LHPN Việt Nam, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 sẽ được trao vào ngày 8.3, nhân dịp kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1974 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Hai nhà khoa học nữ tiêu biểu được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 là: PGS.TS-bác sĩ Lê Thị Luân - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế); PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy - nguyên Giám đốc Viện Chuyên ngành vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình - Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT).
Giải thưởng Kovalevskaia 2012 được trao cho PGS-TS Bạch Khánh Hòa, nhà khoa học nữ nghiên cứu chuyên sâu về miễn dịch huyết học
Đây là giải thưởng có ý nghĩa quốc tế nhằm tôn vinh những tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống. (Lao động 6/3).
Diệt muỗi bằng tinh dầu sả
Hội đồng khoa học Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2013 đánh giá cao đề tài “Nghiên cứu khả năng diệt muỗi của tinh dầu sả làm cơ sở điều chế thuốc diệt muỗi sinh học” của Trương Bảo Trân (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM). Đây là sản phẩm diệt muỗi gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường, có tác dụng nhanh chóng…
Theo Trân, “có 3 phương pháp tạo tinh dầu sả: ngâm, đun, chưng cất hơi nước. Tuy nhiên, phương pháp chưng cất hơi nước thu được lượng tinh dầu sả đạt hiệu quả cao nhất. “Thí nghiệm cho thấy nếu tỷ lệ tinh dầu pha 1% hoặc 0,5% trong dung dịch nước dùng để xịt là có thể xua muỗi được rồi”. (Theo Thanh niên 5/3)
18 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 301/QĐ-TTg ngày 01/3/2014 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cụ thể, 18 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ gồm: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ; Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Viện Ứng dụng công nghệ; Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ; Viện Khoa học sở hữu trí tuệ; Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc gia về công nghệ mở; Văn phòng Công nhận chất lượng; Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao; Tạp chí Tia sáng; Báo điện tử Tin nhanh Việt Nam (VnExpress); Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. (Theo Đại biểu nhân dân 2/3).
Vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ
Trung tâm Vệ tinh quốc gia vừa cho biết, sau hơn 3 tháng hoạt động trên quỹ đạo và thường xuyên phát tín hiệu về Trái đất, vệ tinh PicoDragon đã giảm dần độ cao và bị cháy khi rơi vào tầng khí quyển của Trái đất.
Như vậy, theo đúng như thời gian sống thiết kế, vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do Việt Nam chế tạo đã hoàn thành nhiệm vụ, đánh dấu sự thành công bước đầu trong lộ trình phát triển vệ tinh của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Trong hơn 3 tháng hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh PicoDragon đã hoạt động tương đối ổn định và liên tục phát tín hiệu quảng bá là bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới. (Theo Chinhphu.vn 6/3).
“Bắt” vi sinh vật làm phân bón
Nhờ kiên trì tìm tòi, anh Bùi Ngọc Châu (31 tuổi, xã Tiên Cẩm, tỉnh Quảng Nam) đã “bắt” được loại vi sinh vật có lợi, chế tạo thành công chế phẩm vi sinh để làm phân bón cho cây trồng.
Loại phân vi sinh do anh Châu tìm ra giúp nâng cao hiệu quả cây trồng - Ảnh: Hoàng Sơn
Châu cho biết: “loại phân vi sinh do anh sản xuất có điểm khác là không dùng hóa chất trong quá trình ủ, mà chỉ cần vi sinh vật, rác thải hữu cơ, phân bò, phân heo... sẵn có tại các vùng nông thôn và vi sinh do tôi nuôi cấy thì trong 1 lít có thể có 5 - 8 tỉ con, đủ sức để phân hủy rác thải và chuyển hóa dinh dưỡng cho cây trồng. Quan trọng nhất là phải kiểm soát và nuôi cấy được bao nhiêu vi sinh vật trong 1 ml...”.
Theo anh Châu, trên một diện tích canh tác khoảng 500 m2, nếu dùng phân thường, người nông dân có thể tiêu tốn khoảng 400.000 đồng. Nhưng nếu sử dụng phân vi sinh thì chỉ tốn khoảng 200.000 đồng, mà hiệu quả cao hơn. (Theo Thanh niên 1/3).
Rửa xe máy tự động "kiểu Việt Nam”
Từ cuối năm 2012 hệ thống rửa xe máy tự động đầu tiên mang tên “Made in Việt Nam” của anh Dương Xuân Thiện từng là sinh viên tốt nghiệp ngành đo lường của Đại học Bách khoa Hà Nội được hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Hệ thống có kết cấu khá đơn giản bao gồm khung bằng thép, các mặt bên bằng tôn, khoang chính, khoang sau. Trong khoang chính gồm cơ cấu chính là hai cột hai bên được lắp những vòi phun nước và phun bọt được treo trên xà thép, có thể chạy ra vào thông qua mô-tơ điện. Khoang dưới có chức năng gom nước lại và cửa ngoài bằng kính có thể quan sát từ ngoài quá trình rửa xe.
Ở mỗi giai đoạn, hai cột chứa vòi phun nước và phun bọt sẽ chạy một vòng để đảm bảo nước và bọt tẩy có áp suất cao có thể làm sạch các bề mặt chi tiết ở những vị trí kín nhất. Toàn bộ quá trình rửa chỉ mất khoảng 5 phút. (Theo Khoa học phổ thông 4/3).
Hà Trang (Tổng hợp)