Hà Nội: Trên 500 đề tài khoa học đã đi vào cuộc sống; Phát hiện loài cá không mắt ở Việt Nam; Đề xuất khoán trọn gói cho các nhà khoa học; Gần 780 tỷ đồng xây Công viên phần mềm Đà Lạt;…là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.
Hà Nội: Trên 500 đề tài khoa học đã đi vào cuộc sống
Theo thông tin từ hội nghị tổng kết 5 năm ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống của TP Hà Nội, từ năm 2008-2012 toàn thành phố có 540 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào cuộc sống, trong đó gần 90 đề tài ứng dụng vào nông nghiệp nông thôn, góp phần rất lớn trong việc cải thiện đời sống nhân dân.
Điều quan trọng, từ các đề tài đã tạo ra những mô hình sản xuất thâm canh, an toàn, bền vững và ổn định. Công nghệ kỹ thuật mới đã tạo bước đột phá, hình thành các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả đặc sản, trồng hoa công nghiệp,… cho các huyện ngoại thành.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ nhiều dự án phát triển nông thôn miền núi với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, giúp bà con phát triển kinh tế tổng hợp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như xử lý cung cấp nước sạch công nghệ asen, bảo quản tiêu thụ sữa tươi, chế biến thức ăn tổng hợp, thiết bị xử lý mây tre đan. (Theo Đại biểu nhân dân 2/12).
Phát hiện loài cá không mắt ở Việt Nam
Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) vừa phát hiện giống cá trạch mới trên một hòn đảo nhỏ ở vịnh Hạ Long, Việt Nam.
Giống cá mới không mắt và vảy có tên khoa học là Draconectes narinosus. (Ảnh: Revue suisse de Zoologie)
Loài cá mới thuộc giống cá trạch, tên khoa học Draconectes narinosus trên đảo Vạn Giò, một hòn đảo nhỏ với những đoạn dài và hẹp, phần rộng nhất chỉ khoảng 400 m.
Phát hiện trên là kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học FFI từ năm 2002 khi họ thực hiện khảo sát quy mô lớn về đa dạng sinh học ở vịnh Hạ Long. (Theo vnexpress 3/12, Tuổi trẻ 3/12).
Đề xuất khoán trọn gói cho các nhà khoa học
Tại buổi tọa đàm “Những vấn đề cấp thiết nghiên cứu khoa học đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong giai đoạn hiện nay”, do Sở KH-CN Thành Phố tổ chức ngày 4-12, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề chất lượng tăng trưởng kinh tế Thành Phố đã được đặt ra trong một khoảng thời gian khá lâu nhưng không được cải thiện. Các nghị quyết lần lượt ra đời chỉ nêu lên “ý muốn” chứ chưa đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện…
Để giải quyết được tận gốc vấn đề, TS Trần Du Lịch, Trưởng ban chương trình kinh tế (Sở KH-CN TP) nhìn nhận, TP phải chủ động mời gọi các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu tham gia vào từng phần việc cụ thể. Từ đó, hình thành nên hệ thống các đề tài nghiên cứu sát với thực tế của nền kinh tế TP, dễ dàng ứng dụng sau nghiệm thu.
Giám đốc Sở KH-CN TP Phan Minh Tân cho biết, sau khi đề xuất xin ý kiến của UBND TP, sở sẽ áp dụng cơ chế đặt hàng nghiên cứu theo hình thức khoán trọn gói cho các nhà khoa học từ đầu năm 2013. (Theo Sài gòn giải phóng 5/12).
Gần 780 tỷ đồng xây Công viên phần mềm Đà Lạt
Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Lâm Đồng (tức Công viên phần mềm Đà Lạt) sẽ được xây dựng với quy mô 63ha, trên địa bàn hai xã Đạ Sar và Đạ Nhim, huyện Lạc Dương.
Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến là 779 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ chiếm 200 tỷ đồng, còn lại 579 tỷ đồng là vốn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa từ các doanh nghiệp.
Theo Quy hoạch chi tiết Công viên phần mềm Đà Lạt được xây dựng trong thời gian từ 2013-2020, gồm các khu sản xuất công nghệ thông tin, khu đào tạo công nghệ thông tin, khu triển lãm-hội nghị-hội thảo, trung tâm điều hành, khu trung tâm thương mại-dịch vụ và vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, cùng các hạng mục hạ tầng viễn thông, trạm xử lý nước thải, giao thông… (Theo vietnamplus 5/12; Đại biểu nhân dân 6/12).
Sinh viên chế tạo thiết bị bay không người lái
Hai sinh viên thuộc câu lạc bộ Bkit4U trường đại học Bách khoa TP.HCM chế tạo thành công mô hình bay không người lái có tên Quadrotor.
Thiết bị Quadrotor.
Quadrotor có thể hoạt động trong không gian nhỏ, khám phá những nơi mà con người khó đặt chân đến vì có thể mang theo các máy chụp ảnh, máy quay để ghi lại những hình ảnh. Năm 2011, thiết bị đã được giải nhì cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức. (Theo vnexpress 5/12).
Đem năng lượng sạch về quê hương
Năm chàng trai khoa điện - điện tử (ĐH Bách khoa ĐHQG TP.HCM) đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống tự động tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời. Hệ thống này nhằm giúp bà con nông thôn Ninh Thuận tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.
Dự án vừa xuất sắc vượt qua 118 dự án của sinh viên toàn quốc, đoạt giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo bảo vệ môi trường Holcim Prize 2012.
Theo đó, hệ thống sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để làm điện sinh hoạt và tưới tiêu tự động. Nguồn năng lượng này có thể dự trữ trong một ngày, khi có mưa hệ thống tưới tiêu sẽ ngưng hoạt động để tiết kiệm nước, trong điều kiện bình thường hệ thống này sẽ hoạt động nhỏ giọt để tránh úng cho cây, giúp phân bón tránh bị bốc hơi hoặc bị trôi. (Theo Tuổi trẻ 7/12, Thanh niên 7/12).
Quảng Ninh: Kết quả Kiểm tra liên nghành về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Thực hiện kế hoạch kiểm tra về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng năm 2012. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp với Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Chi cục Quản lý Thị trường thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành từ ngày 6 đến 30.11.2012. Đoàn đã tiến hành kiểm tra nhà nước về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của các Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: điện, vật liệu xây dựng, y tế, vật tư nông nghiệp, giám định, nhãn hàng hóa, định lượng bao gói đóng sẵn, thực phẩm…
Thông qua đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Nhà nước về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Đặc biệt trong đợt kiểm tra này đoàn kiểm tra đã phổ biến tới các doanh nghiệp về việc thực thi Luật Đo lường và nghị định 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường (Theo Tạp chí Hoạt động khoa học 7/12)
Ngọc Anh (Tổng hợp).