Phát hiện dấu tích người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô, Kết nối chuyên gia kiều bào phục vụ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
"Cần thiết xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân"
Ngày 10.2, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) tổ chức hội thảo “Trung tâm KH&CN hạt nhân: Các khía cạnh kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật”. Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và các hoạt động dịch vụ kỹ thuật có khả năng thương mại hóa, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.
Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân (CNEST) sẽ sản xuất trên 20.000 Ci đồng vị phóng xạ các loại nhằm phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh; trên 1.000 nguồn phóng xạ kín các loại phục vụ cho y tế và công nghiệp; dịch vụ phân tích nguyên tố bằng kỹ thuật kích hoạt nơtron phục vụ các ngành; dịch vụ chiếu xạ pha tạp silic cho thị trường khu vực để chế tạo vật liệu bán dẫn…
Với LPUNC công suất 10 – 15 MWt, dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân này sẽ sản xuất trên 20.000 Ci đồng vị phóng xạ các loại nhằm phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh; trên 1.000 nguồn phóng xạ kín các loại phục vụ cho y tế và công nghiệp; dịch vụ phân tích nguyên tố bằng kỹ thuật kích hoạt nơtron phục vụ các ngành; dịch vụ chiếu xạ pha tạp silic cho thị trường khu vực để chế tạo vật liệu bán dẫn…(Theo Bộ KH&CN)
Phát hiện dấu tích người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô
Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa phát hiện nhiều di tích, hiện vật khảo cổ, nhất là xương của người tiền sử trong các hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đác Nông). Đây là hệ thống hang động núi lửa có quy mô và tính độc đáo vào bậc nhất Đông - Nam Á được công bố năm 2014. Phát hiện này mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và khu vực Đông - Nam Á.
Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Đác Nông và các đơn vị liên quan, các chuyên gia đang phối hợp để tiếp tục nghiên cứu chi tiết về những di vật khảo cổ được phát hiện cũng như loại hình cư trú nói trên. (Theo báo Nhân dân)
Kết nối chuyên gia kiều bào phục vụ ĐMST và khởi nghiệp
Ngày 9/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) tổ chức chương trình gặp gỡ chuyên gia trí thức kiều bào “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017”. Điểm mới của gặp gỡ 2017 là sự tham gia tích cực của các cựu du học sinh quốc tế. Tại buổi gặp gỡ, nhiều đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm để thu hút, tận dụng nguồn lực kiều bào giỏi về khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ phát triển đất nước.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bộ KH&CN cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước mời chuyên gia trí thức NVNONN tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các nhiệm vụ thiết thực của đất nước. (Theo Tiền Phong, Thông tấn xã, Dân trí…)
Bộ KH&CN và Bộ Công Thương ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2017 - 2020
Chiều ngày 09/2/2017, tại trụ sở Bộ Công Thương, Lễ ký kết "Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Bộ Công Thương và Bộ KH&CN giai đoạn 2017-2020”.
Theo đó, Chương trình phối hợp tập trung vào 8 nhóm nội dung trọng tâm như: Phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức triển khai, đánh giá, sơ kết, tổng kết các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về KH&CN trong giai đoạn 2017 – 2020; Tăng cường phối hợp trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN và lĩnh vực công nghiệp và thương mại để đảm bảo lồng ghép hiệu quả, khả thi các chính sách phát triển ngành Công thương với chính sách KH&CN, trong đó tập trung xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và một số lĩnh vực ưu tiên.(Theo VietNamNet, Nhân dân, Tuổi trẻ…)
Lão nông với những phát minh cực 'độc'
Đam mê sáng tạo, ông Mai Văn Cúc, 69 tuổi, ngụ ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước luôn tìm tòi nghiên cứu để cho ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, ông Mai Văn Cúc đang chuẩn bị hồ sơ để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sáng chế “Bẫy sinh học diệt ruồi vàng” để đưa vào ứng dụng rộng rãi trong đời sống sản xuất. (Theo báo Công an Nhân dân)
Ra mắt viện nghiên cứu khoa học Phan Châu Trinh
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ra mắt Viện Phan Châu Trinh với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, là Chủ tịch danh dự của Viện; lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều nhà văn hóa, khoa học uy tín trên cả nước.
Viện Phan Châu Trinh ra đời nhằm góp phần phát huy di sản tinh thần to lớn của nhà khai sáng Phan Châu Trinh trong phát triển của đất nước ngày nay. (Theo VietQ)
Bảo vệ, khai thác nhãn hiệu chứng nhận 'Bò Ba Tri'
Phát biểu tại Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận "Bò Ba Tri" chiều 30/12/2016 tại UBND huyện, ông Nguyễn Văn Vưng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - cho biết: "Việc sản phẩm Bò Ba Tri được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sẽ là điều kiện, cơ hội tốt cho huyện Ba Tri giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động chăn nuôi theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao cho các hộ dân chăn nuôi; bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đồng thời đây là cơ hội tập hợp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành một khối thống nhất có quyền lợi chung nhằm phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập giá trị gia tăng cũng như mở rộng thị trường". (Theo Khoa học và Phát triển)
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 sẵn sàng cấp miễn phí tro xỉ than
Sản phẩm tro bay và xỉ đáy lò của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã được Viện Công nghệ môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam lấy và phân tích mẫu xác nhận không phải là chất thải nguy hại theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại QCVN 07:2009/BTNMT.
Đại diện Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 cho biết, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là đi đầu trong chủ trương tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đơn vị sẵn sàng cung cấp miễn phí tro xỉ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sử dụng nguồn tro xỉ của nhà máy. (Theo SGGP)
Lần đầu tiên Việt Nam ghép thận chéo thành công
Đây là ca ghép thận chéo trên người sống lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam trên hai cặp gia đình khác nhau.
Sáng 7-2, BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết BV này đã thực hiện thành công ca ghép thận chéo đầu tiên tại Việt Nam, mang lại sự sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho hai cặp gia đình tại Kiên Giang và Đắk Nông. Ca ghép thận chéo đầu năm 2017 này là ca ghép thận thành công thứ 560 của BV Chợ Rẫy. (Theo Pháp luật online)
Gậy dò đường thông minh cho người khiếm thị
Một nhóm bạn trẻ từng học đại học tại TP.HCM đã sáng chế ra sản phẩm gậy dò đường rất đơn giản nhưng lại cực kỳ thiết thực khi hỗ trợ cho người khiếm thị sự thuận tiện, an toàn trong quá trình di chuyển hằng ngày. Trước đó, vào cuối tháng 12/2015, nhóm của Hiếu đạt được giải đồng trong cuộc thi Thiết kế - Chế tạo - Ứng dụng lần 3 của thành Đoàn TP.HCM tổ chức. (Theo pcworld.com.vn)
Hà Giang: Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình phát triển cây dược liệu
Nhằm phát triển bền vững các loài cây dược liệu và đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Giang đề ra chủ trương xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát triển cây dược liệu của tỉnh; đẩy mạnh nghiên cứu nhằm sản xuất các loại thuốc từ nguồn dược liệu khai thác và nuôi trồng của tỉnh; ban hành danh mục các chủng, loài dược liệu quý hiếm trên địa bàn tỉnh; bổ sung các chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong quá trình phát triển cây dược liệu; xúc tiến quá trình giao đất cho các dự án phát triển cây dược liệu...
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, tỉnh sẽ giao cho Sở Y tế là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh về Chương trình phát triển cây dược liệu để Sở chủ động làm việc với các ban ngành, các doanh nghiệp nhằm xây dựng kế hoạch triển khai phát triển cây dược liệu năm 2017, đảm bảo lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể. Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu của tỉnh. Sở Công thương sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển các chợ kinh doanh cây dược liệu.... (Theo báo Hà Giang).
PV (Tổng hợp)