Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 02/11/2024 , 08:28 pm
Cập nhật : 09/09/2017 , 16:09(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ 2-8/9/2017
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đánh giá cao những kết quả của Bộ KH&CN trong lĩnh vực CCHC
Bộ Khoa học Công nghệ đứng thứ 3 về chỉ số cải cách hành chính; Thông điệp của Vietnam ICT Summit 2017 về cách mạng công nghiệp 4.0; Làm chủ công nghệ năng lượng, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu; Sản xuất thành công nhiều khí tài ngụy trang, nghi trang kỹ thuật cao... là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.

Sản xuất thành công nhiều khí tài ngụy trang, nghi trang kỹ thuật cao

Ngày 6/9, báo điện tử Chính phủ đưa tin, bám sát nhu cầu trang bị của quân đội, Nhà máy Z176 đã tập trung nghiên cứu công nghệ, thiết kế, chế tạo và đưa vào sản xuất nhiều sản phẩm quốc phòng yêu cầu cao về kỹ thuật như lưới ngụy trang, mô hình nghi trang phục vụ tác chiến.

Ngày 6/9, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến kiểm tra Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP).

Theo báo QĐND, Nhà máy Z176 là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp khí tài nghi binh, nghi trang cho quân đội.

Thượng tướng Bế Xuân Trường tham quan sản phẩm sản xuất tại Nhà máy Z176 (Ảnh: QĐND)

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP, Nghị quyết Trương ương 8 (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xác định sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ trọng tâm, bám sát nhu cầu trang bị của quân đội, nhà máy đã tập trung nghiên cứu công nghệ, thiết kế, chế tạo và đưa vào sản xuất nhiều sản phẩm quốc phòng yêu cầu cao về kỹ thuật như: Lưới ngụy trang chống trinh sát quang học; các mô hình nghi trang phục vụ tác chiến (mô hình nghi trang tổ hợp tên lửa S300, máy bay Su-30, mô hình xe tăng T55); đệm hơi huấn luyện, bao cát công sự, phao chở vũ khí vượt sông, thuyền xuồng cứu hộ, tăng dã ngoại, lều bạt cá nhân..

Trung bình mỗi năm, Nhà máy cung cấp cho Quân đội hàng triệu sản phẩm các loại phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Trong 8 tháng năm 2017, nhà máy đã cung cấp cho quân đội 330.900 sản phẩm các loại, 27 sáng kiến có giá trị làm lợi gần 3 tỷ đồng.

Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, Nhà máy Z176 còn tích cực khai thác các dây chuyền thiết bị lưỡng dụng sản xuất các sản phẩm phục vụ dân sinh và xuất khẩu, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Mô hình nghi trang tổ hợp tên lửa S300

Sau khi tham quan các sản phẩm của nhà máy, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Bế Xuân Trường đã ghi nhận, biểu dương và  đánh giá cao kết quả trong sản xuất, công tác, xây dựng nhà máy thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Nhà máy Z176 cần khai thác hiệu quả các dây chuyền thiết bị hiện có, làm chủ công nghệ mới, tập trung nguồn lực sản xuất đáp ứng kịp thời về số lượng, chất lượng các sản phẩm quốc phòng và tiếp tục nghiên cứu thêm các sản phẩm mới phục vụ yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của toàn quân.

Nhà máy cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của cán bộ, công nhân viên trong nghiên cứu, sản xuất, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, chăm lo bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định để cán bộ, công nhân viên an tâm gắn bó, xây dựng nhà máy vững mạnh, phát triển....

Thông điệp của Vietnam ICT Summit 2017 về cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?

Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của CMCN 4.0; phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống chính sách, pháp luật thông thoáng,..

Chiều tối 6-9, sau 1 ngày làm việc, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2017) với chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã bế mạc.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, cùng rất nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả, các chuyên gia và đại biểu, Vietnam ICT Summit 2017 đã thống nhất đưa ra thông điệp với những nội dung sau:

1. Diễn đàn thống nhất nhận thức sâu sắc rằng CMCN 4.0 là thời cơ thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào nhận thức, khát vọng và sự dấn thân của lãnh đạo đất nước, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cho việc hiện thực hóa khát vọng này.

Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của CMCN 4.0; phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống chính sách, pháp luật thông thoáng, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển. Trước hết Việt Nam phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia để định hướng phát triển kinh tế - xã hội số; trên cơ sở đó xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm; đảm bảo tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược phải được diễn ra trên cơ sở chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ.

2. Cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội, trong đó sự liên kết giữa cơ quan nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt, cùng phối hợp hành động quyết liệt và kịp thời bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0.

Tọa đàm về nguồn nhân lực cho CMCN 4.0  ở Việt Nam

3. Tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trước hết là công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh, trở thành những điểm sáng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế số thế giới. Tháo gỡ mọi rào cản, xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực chính của nền kinh tế số.

4. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kỹ năng mới, nhất là tiếng Anh, toán học, và tư duy hệ thống; đưa các nội dung liên quan đến CMCN 4.0 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học; có kế hoạch chủ động về chuyển đổi việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với các nhóm lao động có nguy cơ mất việc làm cao trong CMCN 4.0, nhất là nhóm lớn tuổi và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác; khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí dấn thân khởi nghiệp, sáng tạo của từng người dân, từng gia đình, từng trường học, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp; chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với những thay đổi căn bản của các mối quan hệ xã hội trong thời đại số.

5. Hình thành hệ thống chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển và đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu mở - Open Data), Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức; xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

6. Khẩn trương xây dựng các thành phố thông minh, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển, an toàn cho người dân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị thông minh, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; trước tiên cần sớm xây dựng trung tâm điều hành kết nối thông tin của thành phố; đảm bảo hạ tầng thông tin là một cấu phần bắt buộc trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; áp dụng mô hình thông tin đô thị CIM (City Imformation Model) và sử dụng dữ liệu lớn từ IoT để quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đô thị. (Theo báo Sài Gòn giải phóng ngày 6/9/2017)

Làm chủ công nghệ năng lượng, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu

Báo điện tử Vietnamplus ngày 8/9 đưa tin, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, để đáp ứng nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, các đơn vị trong nước cần làm chủ công nghệ, tránh bị phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Thông tin trên được ​Thứ trưởng Trần Văn Tùng đưa ra tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017, được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 8/9 tại Hà ​Nội.

Nhìn vào thực tế, ông Tùng cho hay, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay đang tăng trưởng với mức độ cao. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức đảm bảo an ninh năng lượng

“Chúng ta đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng, cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng đang đặt ra bài toán cần phải giải quyết,” ông Tùng nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan quản lý đang nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách theo nhiều hướng tiếp cận như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng công nghệ mới, tiên tiến và thân thiện với môi trường. Và, một trong những vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa, tránh bị phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một trong những vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, tránh bị phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Ông Tùng cho biết, trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; nghiên cứu các giải pháp công nghệ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.

“Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng; phối hợp với các cơ quan tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,” ông Tùng chốt lại. /.

Sắp diễn ra ngày hội của những nhà sáng tạo trẻ

Theo Tạp chí Khám phá điện tử ngày 8/9, hàng loạt sân chơi khoa học, hội thảo về các vấn đề khoa học, triển lãm các kết quả nghiên cứu sáng tạo của các bạn trẻ...sẽ được diễn ra tại Liên hoan sáng tạo trẻ.

Sự kiện được xem là ngày hội để tuổi trẻ TP.HCM giới thiệu đến đông đảo nhân dân, thanh thiếu nhi về những mô hình, ý tưởng sáng tạo của các cá nhân, tập thể tiêu biểu, trong quá trình học tập và lao động của mình.

Từ sân chơi này, các bạn được giao lưu, trao đổi và tiếp cận nhiều kiến thức quan trọng về học thuật, nghiên cứu, sáng tạo.

Ban tổ chức Liên hoan đang triển khai, mời gọi các đơn vị, tổ chức xã hội tham gian hàng để triển lãm, trưng bày, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ đến khách tham quan và cộng đồng.

Trong khuôn khổ của Liên hoan, nhiều hoạt động nhằm tăng cường tính giao lưu, học hỏi, giúp khách tham quan trải nghiệm các ứng dụng, công nghệ mới như:  lập trình IoT & Cloud; Trải nghiệm thiết bị chơi game thực tế ảo Playstation VR.

Liên hoan sáng tạo trẻ là ngày hội của các bạn trẻ yêu khoa học

Các cuộc thi sáng tạo cho thanh thiếu nhi thành phố sẽ diễn ra như: Giải thưởng cho công trình, sản phẩm “Thiết kế, chế tạo ứng dụng” lần 5 năm 2017; Chung kết Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ lần 9 năm 2017, chủ đề “Xây dựng Thành phố thông minh”; Cuộc thi “Khám phá cuộc cách mạng công nghiệp lần 4”.

Các hoạt động, sân chơi dành cho thanh thiếu nhi như Chương trình Đổi sách; Sân chơi Rung chuông vàng; Sân chơi “Khoa học và ứng dụng” dành cho sinh viên các trường ĐH và CĐ…

Đặc biệt, trong khuôn khổ liên hoan, Thành đoàn TP.HCM sẽ tổ chức tuyên dương các gương sáng tạo trẻ, giao lưu và trao bảo trợ cho các tài năng trẻ có nhiều thành tích trong phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

Chương trình được diễn ra xuyên suốt trong 2 ngày 04-05/11/2017, tại Sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên (Số 4 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1).

Bộ Khoa học Công nghệ đứng thứ 3 về chỉ số cải cách hành chính

Chiều 8/9, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm trưởng đoàn làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Báo cáo với đoàn công tác, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Trần Đắc Hiến cho biết, để triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, Bộ đã ban hành nhiều văn bản và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính.

Theo ông Hiến, năm 2016, chỉ số cải cách thủ tục hành chính (Par index) của Bộ Khoa học Công nghệ đứng thứ 3 trên tổng số 19 Bộ. Kết quả thực hiện cải cách thể chế năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 cũng khả quan với việc trình thông qua Luật Chuyển giao công nghệ, ban hành 10 nghị định, 16 quyết định, một chỉ thị, 14 thông tư.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ có hơn 132.000 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, trong đó đã giải quyết được gần 25.600 hồ sơ.

"Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính luôn được Bộ Khoa học bám sát vào các văn bản cấp trên và hướng dẫn của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã nhận được 4 phản ánh, kiến nghị của các tổ chức và cá nhân. Tất cả đều đã được giải quyết", ông Hiến cho hay.

Ông Hiến cho hay, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông của Việt Nam năm 2016 thì Bộ Khoa học Công nghệ đứng thứ 2 về xếp hạng dịch vụ công trực tuyến trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ.

"Bộ đang có 13 hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008. Áp dụng cho 23 đơn vị thuộc Bộ. Điều này góp phần hình thành quy trình giải quyết công việc khoa học, tạo điều kiện đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm tác động tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức", ông Hiến nói.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa (Phó ban chỉ đạo cải cách hành chính) cho biết ông "rất ngưỡng mộ Bộ trưởng Chu Ngọc Anh" vì khi nhậm chức Bộ trưởng đã nói "nếu cải cách hành chính tốt thì những cái khác sẽ tốt hết". Thực tế, ông đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cải cách kịp thời, đầy đủ, phân công nhiệm vụ chi tiết, có giám sát kiểm tra...

"Tôi hết sức ấn tượng khi chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Bộ Khoa học Công nghệ từ vị trí thứ 17 đã nhảy vọt lên được vị trí thứ 3 sau một năm. Khi rà soát, đánh giá, chúng tôi phải làm 2-3 lần để đảm bảo tính chính xác", ông Thừa nói và cho biết, sự chú trọng của Bộ trưởng Khoa học trong xây dựng thể chế và khởi nghiệp đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển của xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Bộ KH&CN luôn trăn trở làm sao phục vụ được người dân, doanh nghiệp tốt nhất

Mặc dù vậy, Phó ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng đề nghị Bộ Khoa học lấy ý kiến sự hài lòng của người dân, và rà soát các văn bản không phù hợp với tình hình thực tế để nhất thể hóa.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đánh giá cao những kết quả của Bộ Khoa học Công nghệ trong lĩnh vực cải cách hành chính trong hai năm gần đây. Cụ thể là việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, chủ động sắp xếp thu gọn đầu mối, giảm được các phòng, ban có nhiệm vụ chồng chéo...

"Dù chỉ số cải cách hành chính đứng thứ ba, nhưng Bộ Khoa học có chỉ số cải cách hành chính công đứng hàng thứ nhất, thể chế và cung cấp dịch vụ công hạng thứ hai. Đây là những thành tích ấn tượng", ông Tân nói.

Trưởng đoàn công tác đề nghị Bộ Khoa học tăng cường chỉ đạo điều hành công tác cải cách hành chính, khắc phục hạn chế, xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong từng nhiệm vụ.

Tiếp thu ý kiến của đoàn công tác, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết sẽ chỉ đạo rà soát lại quá trình cải cách thủ tục hành chính, chỗ nào còn vướng mắc thì tháo gỡ ngay.

"Bộ Khoa học luôn trăn trở làm sao phục vụ được người dân, doanh nghiệp tốt nhất. Bộ sẽ luôn phấn đấu để hiệu quả công việc tốt hơn, vì ngồi im thì sẽ tụt hạng. Ta phấn đấu còn cho chính ta nữa", ông Chu Ngọc Anh nói. (Theo VnExpress ngày 8/9). 

Phương Nga (tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner