TP.HCM đang lựa chọn mô hình Khu CNC thứ hai; Túi sơ cấp cứu đa năng kiêm phao cứu hộ; Thiết bị chưng cất nước mặn thành nước ngọt tại nhà; Cháy xe: 1 năm nữa sẽ rõ nguyên nhân; Thủy điện Sông Tranh 2: Chuyên gia nói khác nhà thầu là những thông tin về KH&CN đáng chú ý…. trong ngày 18/4/2012.
Cháy xe: 1 năm nữa sẽ rõ nguyên nhân !
Với tiêu đề này, trên báo Người Lao động sáng nay, 18/4 đã có bài viết liên quan đến các vụ cháy nổ xe cơ giới đang làm “nóng” dư luận gần đây. Bài báo đã điểm danh các Bộ liên đến đến việc truy tìm nguyên nhân cháy nổ là: Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương… và sau quá trình PV báo này tìm hiểu, kết luận về nguyên nhân cuối cùng ít nhất phải một năm mới có thể biết được nguyên nhân và cách phòng chống.
Theo bài báo, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về các nguyên nhân cháy xe và biện pháp phòng chống do Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương… đã được thông qua và đang trong giai đoạn duyệt kinh phí thực hiện. Thời gian thực hiện đề tài này, dự kiến mất khoảng 18 tháng. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của vấn đề này, dự kiến đề tài nghiên cứu sẽ hoàn thành, nghiệm thu sau khoảng một năm.
Một vụ cháy xe (ảnh báo Người lao động)
Dẫn lời PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, giám định dân sự - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), ông này nhận định: Việc tìm nguyên nhân cháy xe quá chậm chạp.
Một số nguyên nhân ban đầu được đề cập đến như: khả năng xăng, dầu bị pha thêm methanol, acetone hoặc một số phụ gia khác nhằm tăng lợi nhuận…
Thủy điện Sông Tranh 2: Chuyên gia nói khác nhà thầu
Báo Tuổi trẻ cho biết thông tin trên vào sáng nay, 18/4. Bài báo dẫn lời GS.TS Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí VN, cho rằng vết trám phía thượng lưu chính là vết nứt. Nhưng phía nhà thầu lại nói đây là khe nhiệt. GS.TS Nguyễn Thế Hùng khẳng định với Tuổi Trẻ: “Những chứng cứ này cho thấy đây là dấu vết để lại của vết nứt hở bêtông chứ không phải là dấu của khe nhiệt, bởi dấu của khe nhiệt là thẳng đều”.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Duy Minh - giám đốc chi nhánh miền Trung của Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 (đơn vị tổng thầu xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2) - cho biết việc khắc phục sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2 đang được triển khai theo chỉ đạo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
Theo ông Minh, các vết hở phía thượng lưu là vết hở của khe nhiệt. Ông Minh cho rằng “các vết hở như trên là được phép trong thiết kế”.
Hà Nội xây dựng hàng loạt điểm xử lý rác thải ở vùng ngoại thành
Ngày 17/4, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện nay có 5 dự án nhà máy và khu xử lý rác thải rắn đang được triển khai xây dựng ở ngoại thành- Thông tin trên báo Hà nội mới sáng 18/4.
Theo đó, có 4 khu xử lý rác thải gồm Việt Hùng (huyện Đông Anh, rộng 8,8ha), Núi Thoong giai đoạn II (phục vụ các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai, rộng 8,4ha), Lại Thượng (huyện Thạch Thất, rộng 15ha), Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, rộng 3,8ha) và 1 nhà máy xử lý rác thải là Phương Đình (huyện Đan Phượng, rộng 5,5ha).
Dự kiến các dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2013, góp phần giảm đáng kể lượng chất thải rắn chưa được thu gom hoặc được thu gom nhưng chưa được xử lý tập trung ở các huyện ngoại thành.
TP.HCM đang lựa chọn mô hình Khu CNC thứ hai
Khu CNC mới nên tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông; khoa học vật liệu; phát triển công nghệ nano; và năng lượng tái tạo. Khu CNC mới nên được gọi là công viên khoa học. Thông tin được báo Đất Việt cho biết sáng 18/4.
Được biết, hội thảo “Lựa chọn mô hình cho Khu CNC thứ 2 của TP. HCM” vừa diễn ra hôm 17/4 tại BQL Khu CNC TP. HCM.
Giới thiệu về vị trí của khu CNC hai. Ảnh: Võ Ánh
Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: để khu CNC mới hoạt động hiệu quả, cần phải thành lập công ty cổ phần để quản lý, khai thác. Đây sẽ là cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Mặt khác, cần tận dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong các trường, viện hiện nay, thay vì phải đi đào tạo một đội ngũ nghiên cứu mới cho hoạt động của Khu CNC.
Nghiên cứu thành công Lò đốt rác thải y tế hiện đại nhất Việt Nam
Một thành công trong nghiên cứu khoa học đáng chú ý trên mặt báo khoa học sáng nay là thông tin, ông Trịnh Đình Năng, một thợ cơ khí ở Thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) đã tự sáng chế được lò đốt và hệ thống xử lý rác thải y tế sau nhiều năm nghiên cứu. Lò đốt của ông Năng có nhãn hiệu HTL.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Sở KH&CN tỉnh Bắc Cạn, cho đến thời điểm hiện nay, HTL là công nghệ lò đốt rác thải y tế đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiệu quả kinh tế cao, là sản phẩm đạt chất lượng xử lý môi trương cao nhất. Ngoài ra HTL còn dễ sử dụng, vận hành và sửa chữa…,
Cũng tính đến thời điểm này, lò đốt HTL là công nghệ lò đốt rác thải y tế đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn 30 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiết kiệm trên 80% nhiên liệu đốt so với dầu nhập ngoại, chi phí dầu đốt hiện nay của lò HTL là 5000đ/1 kg rác thải nếu đốt bằng dầu diaren, 2000đ/1kg rác thải nếu đôt bằng dầu thải.( chi phí đốt lò của Mỹ, Nhật Bản hiện nay là 80.000đ/1kg rác thải, của Anh Quốc 70.000đ/1kg rác thải)
Hệ thống này vừa được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp Bằng độc quyền sáng chế số 10147 ngày 21/3/2012. Tin trên báo Đất Việt ra ngày 18/4.
Dùng công nghệ VIBIO biến rác thành phân vi sinh
Cũng liên quan đến công nghệ xử lý rác thải, Thông tấn xã Việt Nam sáng nay, 18/4 cho biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Huê Thành, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thành việc xây dựng nhà máy , xử lý rác thải sinh hoạt tạo phân vi sinh. Đơn vị này sẽ cố gắng đưa nhà máy chính thức đi vào hoạt động nhân kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và ngày quốc tế lao động 1/5/2012.
Đây là Nhà máy xứ lý rác thải sinh hoạt xây dựng đầu tiên tại tỉnh Cà Mau áp dụng mô hình công nghệ VIBIO. Xử lý rác theo công nghệ hiện đại này sẽ góp phần làm sạch môi trường và khắc phục trình trạng chôn lấp rác gây lãng phí.
Rác thải sinh hoạt khi xử lý cho ra nhiều sản phẩm hữu ích như Compost 50-55%, đóng rắn 3-5%, phế liệu 15-20%, hóa dầu 10-15%, đốt 3,5%, chôn lấp 5-7% và xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Chế phẩm từ cỏ ngọt “tìm đường” sang Mỹ
Đây là thông tin khoa học đáng chú ý trên báo Kinh tế đối ngoại sáng 18/4. Tờ báo này cho biết: Liên quan đến Đề án phát triển cây cỏ ngọt Việt Nam, ngày 17/4/2012, Hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA) đã tổ chức Hội thảo đánh giá về triển vọng phát triển cây cỏ ngọt với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT như: Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia… và một số doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội thảo không chỉ nhằm gợi mở, định hướng để tiến đến xây dựng một chiến lược tổng thể về vùng trồng nguyên liệu, sản xuất, công tác giống và nhà máy chế biến chế phẩm từ cỏ ngọt mà còn đánh giá một cách đúng đắn về triển vọng thị trường đầu ra của các chế phẩm chế biến từ cỏ ngọt Việt Nam.
Bài báo trích dẫn kiến nghị của các chuyên gia, các nhà quản lý đó là: khó khăn lớn nhất hiện nay đối với cỏ ngọt là phải tiến hành nông nghiệp công nghệ cao. Từ khâu giống cho đến quy trình canh tác đều phải chuẩn hóa, do đó suất đầu tư rất lớn và các điều kiện về giống, môi trường sinh thái tương đối kén chọn. Hiện một số khu công nghệ cao đang tích cực hưởng ứng và kêu gọi liên doanh đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến chế phẩm từ cỏ ngọt với khoảng 5 triệu USD/dây chuyền và mỗi kilogam đường chế biến từ cỏ ngọt có trị giá từ 120-150 USD.
Túi sơ cấp cứu đa năng kiêm phao cứu hộ
Một sáng kiến khoa học thú vị được đăng trên báo Sài gòn tiếp thị sáng nay, 18/4. Bài báo thông tin, nhóm tác giả Đỗ Minh Tâm, Lê Thị Thảo Nguyên, Hồ Xuân Tuệ Minh, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM đã thiết kế thành công túi sơ cấp cứu đa năng M – FAK, vừa là dụng cụ y tế sơ cấp cứu, vừa là phao cứu hộ và còn được ứng dụng như dụng cụ cố định trong gãy xương, chấn thương cột sống cổ.
Túi gồm bốn mảnh ghép rời nhau, mặt trong có bốn ngăn nhỏ đựng các vật dụng sơ cứu. Khi sử dụng như dụng cụ hỗ trợ sơ cấp cứu chấn thương cột sống cổ thì mở khuy kéo để tách rời hai mảnh lớn, giựt dây để túi phao phồng lên, gỡ miếng mút để tách thành hai mảnh nhỏ. Đặt hai mảnh nhỏ kẹp hai bên cổ, dùng dây garô hay gạc tròn cột cố định lại. Muốn cứu người sắp ngạt nước, mở túi và trải ra, sau đó mở khuy kéo ở phần vải, tròng cổ vào, giựt dây hai bên để các mảnh phao phồng lên, giúp người sử dụng nổi trên mặt nước.
Thiết bị chưng cất nước mặn thành nước ngọt tại nhà
Cũng trên báo Sài gòn tiếp thị, một thông tin khoa học khá hữu ích: Nhóm nghiên cứu thuộc khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đại học Cần Thơ vừa chế tạo thành công thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời chưng cất nước mặn thành nước ngọt, quy mô hộ gia đình cho người dân vùng biển.
Thiết bị chưng cất nước ngọt (ảnh báo Sài gòn tiếp thị)
Theo đó, nước mặn đưa vào bình ở phía trên cao so với thiết bị, chảy xuống thiết bị chưng cất hình hộp chữ nhật và được đun nóng bằng năng lượng mặt trời do có bộ phận hấp thụ nhiệt. Nước nóng bay hơi lên ngưng tụ và chảy xuống theo máng vào bình chứa (xem ảnh). Mỗi mét vuông bề mặt tiếp xúc cho ra khoảng 5 lít nước ngọt mỗi ngày. Chi phí 1m2 mặt tiếp xúc khoảng 400.000 đồng. Nếu đầu tư 30m2 mặt tiếp xúc, tốn khoảng 12 triệu đồng, thu 150 lít nước/ngày. Thiết bị có tuổi thọ 8 – 10 năm.
Minh Châu (Tổng hợp)