Ngày 28/11, tại Hà Nội, Công ty cổ phẩn Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON phối hợp với Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE) và Học viện công nghệ châu Á AIT tổ chức hội nghị quốc tế “Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững – GEOTECH HANOI”. Đây là lần thứ 2 FECON tổ chức hội nghị này.
Hội nghị thu hút khoảng 350 đại biểu là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực địa kỹ thuật của Việt Nam đến từ 24 quốc gia khác nhau trên thế giới.
Trong nhiều năm trở lại đây, vai trò và tầm quan trọng của Địa kỹ thuật ngày càng được nâng cao và đề cập đến trong nhiều hội nghị quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Bên cạnh các công trình nghiên cứu mới nhất về Địa kỹ thuật, nhiều vấn đề mới cũng phát sinh với các mức độ phức tạp khác nhau từ phạm vi địa phương, khu vực đến phạm vi quốc tế.
Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất phức tạp dẫn đến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc.
Sau thành công của hội nghị lần thứ nhất năm 2011, hội nghị lần thứ 2 này tiếp tục nhận được sự tham gia nhiệt tình của các Giáo sư đầu ngành của các quốc gia như Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Úc, Canada,…
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hôi đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty FECON cho biết, hội nghị lần thứ 2 tập trung vào 5 chủ đề chính như móng cho nhà cao tầng, công trình ngầm trong đất yếu, cải tạo nền đất yếu cho công trình hạ tầng, công tác quan trắc – thiết bị cho công trình ngầm và hố đào và mô hình hóa các bài toán địa kỹ thuật và phương pháp số.
Đặc biệt trong khuôn khổ GEOTEC HANOI 2013 còn diễn ra triển lãm về địa kỹ thuật công trình. Tại đây có 35 gian hàng triển lãm của 33 công ty đến từ hơn 16 nước trên thế giới. Các công ty mang đến triển lãm các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới về sản xuất, thi công các dự án nền móng và công trình ngầm.
Bên lề Hội nghị còn diễn ra triển lãm địa kỹ thuật của hơn 20 nước trên thế giới
Hội nghị quốc tế lần 2 “Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững” mong muốn góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ trong ngành Địa kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước phát triển. Hội nghị cũng tạo ra một sân chơi để các nhà khoa học trong nước và quốc tế có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau, cùng nhau khai thác ứng dụng các thành tựu khoa học đã đạt được trên thế giới và tiếp tục phát triển. Đây cũng là nơi tạo ra một diễn đàn trong đó có sự tham gia của 3 nhà: nhà quản lý – nhà khoa học - doanh nghiệp để nhanh chóng vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào triển khai các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chủ trương phát triển hạ tầng của Chính phủ, nhằm tới 3 tiêu chí quan trọng là nhanh, hiệu quả và bền vững.
Tin, ảnh: Phương Hoàn – Ánh Tuyết