“Không chủ định theo đuổi con đường làm khoa học, nhưng khi tiếp xúc, bản thân lại cảm thấy thích thú, yêu mến rồi đam mê. Cứ như vậy, nghiên cứu khoa học đến với tôi như thể duyên định sẵn”, TS. Nguyễn Phan Bạch Sử, Khoa Kinh Tế - Thương Mại, Đại Học Hoa Sen chia sẻ.
- Nhiều công việc, nghề nghiệp có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển bản thân, tại sao anh lại lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học với nhiều khó khăn, thách thức?
TS. Nguyễn Phan Bạch Sử: Khi còn trên giảng đường đại học, tôi chưa từng nghĩ sẽ đi theo con đường nghiên cứu khoa học vì cảm thấy đó là một thứ rất xa xôi và có vẻ không thực tế lắm. Tuy nhiên, khi theo học chương trình thạc sỹ tại Viện công nghệ châu Á (AIT), tôi mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu, bởi chương trình đào tạo tại Viện tập trung nhiều đến vấn đề nghiên cứu khoa học.
Phải nói rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học gặp khó khăn là việc … thường xảy ra. Tuy nhiên, với đội ngũ các giáo sư giàu kinh nghiệm, nhiệt tình đã hun đúc cho tôi định hình con đường nghiên cứu khoa học. Từ đó, niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong tôi dần phát triển và không biết từ lúc nào bản thân mình thấy yêu, thấy say mê khoa học. Coi nghiên cứu khoa học là niềm vui cho chính bản thân.
Mỗi ngành nghề đều có điểm hấp dẫn và sức hút. Nghiên cứu khoa học cũng như vậy. Niềm vui và sự hấp dẫn không những đến từ các thành quả nghiên cứu mà còn ở sự say mê nghiên cứu, khám phá ra những điều mới mẻ. Đây chính là niềm tự hào của nhà nghiên cứu khi thành tựu của họ có thể phục vụ, mang lại hữu ích cho xã hội.
- Trong quá trình nghiên cứu khoa học, Anh có nhận được sự hỗ trợ gì từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự trợ giúp từ Bộ KHCN?
TS. Nguyễn Phan Bạch Sử: Nhìn chung, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, từ cơ chế, chính sách đãi ngộ đến các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hoạt động KHCN đã có nhiều đổi mới với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành. Môi trường nghiên cứu được cải thiện với trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nhiều cơ chế, đãi ngộ xứng đáng cho người làm khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ đã giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.
Tôi cho rằng, vấn đề khó khăn nhất là việc xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyên sâu. Thực tế cho thấy, các trường đại học mạnh về nghiên cứu trên thế giới đều có cốt lõi là những nhóm nghiên cứu xuất sắc. Điều này giúp cho các đề tài nghiên cứu có chiều sâu, có thể tích hợp được nhiều kiến thức hơn, và quan trọng nhất là tạo ra một môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các thành viên tham gia một cách tích cực, sáng tạo.
Tuy nhiên, việc tập hợp các giảng viên tham gia nghiên cứu không hề dễ dàng, vì không phải ai cũng thích và có kỹ năng nghiên cứu, trong khi việc giảng dạy và công việc hành chính đã chiếm khá nhiều thời gian của họ. Ngoài ra, kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu cũng là một vấn đề lớn đối với nhóm nghiên cứu. Các chi phí cho việc mua các phần mềm hỗ trợ nghiên cứu, đi công tác, thu thập số liệu,… đều cần thiết.
Theo tôi, hiện nay phần lớn sinh viên đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu nhưng họ “vấp” phải khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm và sự bất đồng ngôn ngữ. Do vậy, nếu được đầu tư và quan tâm đúng mức sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong sinh viên trong tương lai.
Để có kinh phí hoạt động, nhóm nhiên cứu cần được sự hỗ trợ của nhà trường hoặc thực hiện các đề tài được tài trợ do các quỹ nghiên cứu bởi việc tiếp cận nguồn kinh phí cho các nhóm nghiên cứu mới thường gặp nhiều khó khăn.
TS. Nguyễn Phan Bạch Sử và các em học sinh
- Anh đánh giá vai trò của hoạt động KHCN như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay? Những chính sách đổi mới về KHCN (Luật KHCN (sửa đổi), cơ chế tài chính, cơ chế đãi ngộ,…) từ phía Bộ KHCN đã có những tác động như thế nào đối với lực lượng nghiên cứu khoa học trẻ?
TS. Nguyễn Phan Bạch Sử: KHCN là một nhân tố quan trọng trong qua trình phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, điểm quan tâm đầu tiên của họ là điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực,… Do đó, không chỉ các trường đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải nhìn thấy sự cần thiết này.
Các chính sách đổi mới về KHCN thời gian qua đã cho thấy nỗ lực của nhà nước, Bộ KHCN trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN của đất nước. Tôi mong rằng, Luật KHCN năm 2013 cùng với hàng loạt cơ chế chính sách đổi mới sẽ là đòn bẩy vững chắc thúc đẩy hoạt động KHCN phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, những chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học trẻ sẽ là động lực cho lực lượng nghiên cứu trẻ có điều kiện phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.
- Theo anh, để học sinh, sinh viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể nào để khuyến khích thu hút nhiều hơn nữa lực lượng này?
TS. Nguyễn Phan Bạch Sử: KHCN là một nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, điểm quan tâm đầu tiên của họ là điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực,… Do đó, không chỉ các trường đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải nhìn thấy sự cần thiết này. Các chính sách đổi mới về KHCN thời gian qua đã cho thấy nỗ lực của Nhà nước, Bộ KHCN trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN của đất nước. Tôi mong rằng, Luật KHCN năm 2013 cùng với hàng loạt cơ chế chính sách đổi mới sẽ là đòn bẩy vững chắc thúc đẩy hoạt động KHCN phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, những chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học trẻ sẽ là động lực cho lực lượng nghiên cứu trẻ có điều kiện phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, học sinh, sinh viên sẽ là lực lượng kế thừa để phát triển KHCN trong tương lai. Bồi dưỡng kiến thức và nhận thức nghiên cứu khoa học cho thế hệ này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.
Các hoạt động khuyến khích nghiên cứu khoa học nên được mở rộng trong các trường đại học, viện nghiện cứu để thu hút giới trẻ tham gia. Các cuộc thi sáng tạo KHCN trong những năm gần đây đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia, đây là một tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, các nguồn quỹ đầu tư nghiên cứu/khởi nghiệp cho sinh viên trong lĩnh vực KHCN cần được tiếp tục thành lập nhiều hơn để khuyến khích các tài năng trẻ dám nghĩ, dám làm.
- Xin cám ơn Tiến sỹ!
Ngũ Hiệp