Làm thế nào để người làm khoa học và nhất là các nhà khoa học trẻ có được môi trường làm việc thuận lợi và có thể sống được bằng sản phẩm trí tuệ do mình làm ra là nội dung được nhiều nhà khoa học trẻ quan tâm và đặt ra với BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NGUYỄN QUÂN trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ toàn quốc tài năng trẻ khoa học và công nghệ Việt Nam 2012 vừa diễn ra tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Thưa Bộ trưởng, cán bộ khoa học trẻ luôn đầy nhiệt huyết với khoa học nhưng đời sống và nhất là môi trường nghiên cứu của họ còn gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng có thể cho biết những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường nghiên cứu cho cán bộ khoa học nói chung và cán bộ khoa học trẻ nói riêng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, trong chế độ tiền lương, lương cho giới khoa học là thấp nhất, không có phụ cấp. Trong khi đó, chỉ có 10% các nhà khoa học có đề tài, kể cả đề tài cấp cơ sở và cấp nhà nước. Ở cấp cơ sở, tiền đề tài rất thấp, có khi không đủ để họp mấy hội đồng chứ chưa nói làm nghiên cứu. Đề tài cấp nhà nước, kinh phí có lớn hơn nhưng rất ít người làm khoa học có đề tài này. Cho nên, làm thế nào để cán bộ khoa học sống được với nghề là bài toán rất nan giải đặt ra hiện nay. Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể “đòi” nâng lương cho nhà khoa học gấp 2 - 3 lần được. Tuy nhiên, trước khi nghĩ tới những đãi ngộ về vật chất, cần cố gắng tạo ra một môi trường làm việc, điều kiện làm việc tốt nhất để cho các nhà khoa học có thể sống được bằng nghề.
Trong Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) lần này có một nội dung rất quan trọng là giao quyền sở hữu kết quả khoa học có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho tập thể và cá nhân tác giả. Khi đã được giao quyền sở hữu, nhà khoa học có thể bán, chuyển nhượng tài sản trí tuệ đó cho doanh nghiệp hoặc có thể dùng tài sản đó góp vốn vào doanh nghiệp dưới dạng cổ phần hay dùng quyền sở hữu tài sản trí tuệ đó như vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN). Khi đó nhà khoa học có thể sống được với sản phẩm sáng tạo của mình.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã đề nghị nhà nước trọng dụng 3 nhóm đối tượng các nhà khoa học, bao gồm: các nhà khoa học đầu ngành; các nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ và các nhà khoa học thực sự có tài năng (được giải thưởng khoa học trong nước, quốc tế, có những công bố, sáng chế quốc tế) để làm tiền đề cho việc trọng dụng rộng hơn sau này. Mức độ ưu đãi 3 đối tượng này khác nhau, nhưng quan trọng nhất là những nhà khoa học ấy sẽ được sống trong một môi trường làm việc thuận lợi nhất. Làm sao để có hội thảo, hội nghị quốc tế về vấn đề mà nhà khoa học quan tâm thì có thể đi được ngay. Hoặc là được giao một việc, nhà khoa học có thể mời những người cùng chí hướng, cùng trình độ về làm việc với mình. Hoặc là những người ấy được nhà nước cho họ quyền có thể thuê chuyên gia nước ngoài đến để chuyển giao công nghệ, cùng nghiên cứu. Có như thế chúng ta mới có thể làm được những dự án khoa học lớn.
- Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những định hướng và giải pháp như thế nào để gắn kết nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh, giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng ta biết nếu nghiên cứu mà không được ứng dụng thì chắc chắn là “bỏ ngăn kéo”. Chúng ta vẫn mang tiếng xấu là yếu kém, nhiều nghiên cứu bị “bỏ ngăn kéo”, mặc dù thực tế không hẳn là như vậy. Chúng tôi cho rằng, “bỏ ngăn kéo” cũng có 3 loại. Một loại là nghiên cứu đi trước thời đại. Loại thứ hai là nghiên cứu xong thì không có nguồn lực để sử dụng. Tất nhiên có loại bỏ ngăn kéo thật, tức là nghiên cứu xong thì thấy rằng việc ấy không bao giờ thành công. Chưa kể đến những nghiên cứu mang tính chất lợi dụng hoặc cơ hội.
Việt Nam chúng ta là nước đi sau nên loại nghiên cứu đi trước thời đại cũng không nhiều, nhưng loại nghiên cứu phải tìm được nhà đầu tư để phát triển sản phẩm mới là khó, mới là quan trọng. Hiện nay chúng ta đã xây dựng 11 chương trình quốc gia về khoa học công nghệ như chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, chương trình năng suất chất lượng, chương trình nông thôn, miền núi, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, chương trình hàng rào kỹ thuật trong thương mại… Đây chính là môi trường để các nhà sản xuất và nghiên cứu có thể gặp được nhau.
Trong hoạt động về thị trường công nghệ, từ năm 2003 đến nay, chúng tôi thường xuyên tổ chức các Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) quốc gia và khu vực. Đây là nơi các nhà khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình và là nơi doanh nghiệp tìm đến để xem là kết quả nghiên cứu ấy có phù hợp với doanh nghiệp mình không để có thể ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ, mua công nghệ và hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Trong hệ thống đề tài, dự án của các chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước, chúng tôi cũng ưu tiên các đề tài nói rõ địa chỉ ứng dụng sau khi hoàn thành và có các doanh nghiệp cam kết ứng dụng các nghiên cứu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp KHCN đã được xác định từ khi có Nghị định 80/2007/NĐ-CP đến nay. Đây là doanh nghiệp của những người làm khoa học và của những người ứng dụng kết quả khoa học. Sản phẩm của nó chính là các kết quả của nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp được làm chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp. Với doanh nghiệp KHCN, con đường từ nghiên cứu đến sản xuất sẽ được rút ngắn bởi vì người nghiên cứu đồng thời cũng là người sản xuất, sẽ giữ được bản quyền, giữ được bí quyết công nghệ và được hưởng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh kết quả nghiên cứu của mình.
- Mô hình Quỹ Phát triển KHCN quốc gia được đánh giá là một trong những mô hình đã giải quyết được một số vấn đề khúc mắc, nâng cao chất lượng các sản phẩm KHCN. Bộ trưởng có thể chia sẻ những định hướng sắp tới để nhân rộng quỹ này tại các sở, ban ngành, địa phương?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Mô hình Quỹ Phát triển KHCN là mô hình mới ở nước ta, được đưa vào hoạt động từ năm 2008. Hiện nay, nhiều đề tài đã được các bộ, ngành hay địa phương phê duyệt nhưng chờ hàng năm mới có tiền, ít nhiều làm nản lòng giới khoa học. Nhưng cơ chế hoạt động của Quỹ lại khác, phê duyệt đề tài đến đâu, Quỹ sẽ cấp tiền đến đó. Cơ chế chi tiêu của quỹ cũng rất thông thoáng, đồng thời, định mức trong chi tiêu của Quỹ hiện nay cũng cao hơn rất nhiều hệ thống cấp phát tài chính qua quy hoạch. Trong 4 năm vừa rồi, các công bố quốc tế trong những đề tài dùng tiền của Quỹ đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước đây. Trước đây, trung bình phải đến 3 - 4 đề tài mới có 1 công bố quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín. Bây giờ, tỷ lệ ấy đã đảo ngược, tức là gần như là 1 đề tài có thể có hơn 1 công bố quốc tế. Vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ cho mở rộng mô hình của Quỹ này. Hiện nay, 20 tỉnh, thành phố và nhiều bộ, ngành đã thành lập Quỹ Phát triển KHCN. Trong Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến, chúng tôi cũng kiến nghị bắt buộc các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cũng phải có Quỹ Phát triển KHCN của mình.
Thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn như Viettel hay Tập đoàn Dầu khí đã đi đầu trong việc thành lập Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp. Nhưng có chế tài chính hiện nay kiểm soát chặt làm cho các tập đoàn trích rồi nhưng không tiêu được. Chúng tôi sẽ kiến nghị để thay đổi cơ chế chi tiêu của quỹ này để các doanh nghiệp có thể tiêu được tiền cho hoạt động KHCN.
- Trên trường quốc tế, trình độ và năng lực nền khoa học quốc gia được đánh giá qua số các công bố quốc tế các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, nhưng hiện nay, chúng ta có rất ít phát minh, sáng chế và các bài báo quốc tế. Thưa Bộ trưởng, làm thế nào để tăng số lượng các bài báo quốc tế và các công bố quốc tế để thế giới đánh giá đúng thực trạng của nền khoa học công nghệ nước ta?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 100 sáng chế của người Việt Nam đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ. Con số này thấp so với nhiều nước khác, số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới cũng không nhiều nhưng cũng không phải là “đếm trên đầu ngón tay”. Tôi cho ở đây có nguyên nhân là trình độ của đội ngũ cán bộ quả thật chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, cũng còn các nguyên nhân khác. Nhiều đề tài cấp bộ, cấp nhà nước rất tốt nhưng không công bố quốc tế hoặc đăng ký sáng chế được bởi không có nội dung kinh phí để thực hiện. Lệ phí phải nộp để có bằng sáng chế không phải là ít, nếu đăng ký ở nước ngoài còn cao hơn nữa. Bên cạnh đó, nếu muốn có bài báo quốc tế thì phải giỏi ngoại ngữ, nhiều người làm khoa học rất giỏi nhưng ngoại ngữ chưa giỏi. Cho nên các nhà khoa học chưa hào hứng với việc công bố quốc tế hay đăng ký sáng chế, chứ không phải kết quả nghiên cứu của chúng ta không đủ tầm hay không đăng ký được.
Bên cạnh đó, xu hướng của xã hội hiện nay là ít người làm nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Nếu không có nghiên cứu khoa học cơ bản thì làm sao có bài báo quốc tế, có sáng chế được. Đây cũng là nguyên nhân của sự hạn chế việc đăng ký sáng chế và công bố quốc tế.
Tôi đồng ý là chúng ta cần có giải pháp để đẩy mạnh số lượng các bài báo, công bố quốc tế. Chỉ có điều, với thu nhập bình quân GDP đầu người chỉ có 1.000 USD, đầu tư cho KHCN tính theo đầu người dân chỉ có 10 USD/năm. Trong khi mức đầu tư cho KHCN tính theo đầu người của Trung Quốc gấp hơn 4 lần, Hàn Quốc gấp 100 lần. Việc có đề tài nghiên cứu để có bằng sáng chế, công bố quốc tế cũng là điều không đơn giản. Nhưng dù ít, dù nhiều sẽ cố gắng. Sắp tới, chúng tôi không dàn trải việc phân bổ kinh phí đều cho đề tài nghiên cứu mà tập trung làm một số công trình lớn, dự án lớn để những dự án ấy phải có sản phẩm và trong số những sản phẩm ấy phải có công bố quốc tế và đăng ký sáng chế. Đồng thời khuyến khích chế độ thưởng cho các nhà khoa học có công bố quốc tế và có sáng chế.