Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 07:09 am
Cập nhật : 28/09/2016 , 00:09(GMT +7)
"Để không bị tụt hậu: Hãy đổi mới và ứng dụng công nghệ vào sản xuất"
TS. Lê Đăng Doanh tham gia GLTT trên báo Dân trí (Ảnh: H.H)
"Một cỗ xe muốn chạy nhanh phải có động cơ mạnh, nhưng cũng phải có phanh ăn. Một cỗ xe có động cơ yếu lại đi chệch hướng, không có chế tài để xử phạt và ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, thì nỗ lực khuyến khích KH&CN chỉ có tác dụng hạn chế“.

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ với phóng viên xoay quanh vấn về những thách thức khi Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội khi gia nhập nhiều tổ chức kinh tế - xã hội trong khu vực và thế giới. Để không bị tụt hậu thì vấn đề đẩy nhanh đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất rất quan trọng.

-PV: Trong thời gian qua Bộ KH&CN đã có nhiều chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ như: Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, các Chương trình KH&CN quốc gia,… Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả từ các Chương trình nêu trên?

TS. Lê Đăng Doanh: Toi thấy các chương trình và các quỹ của Bộ KH&CN đã phát huy tác dụng tích cực, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp với các Viện nghiên cứu, Trường đại học, qua đó thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học trong và ngoài nước, đem lại nhiều tiến bộ về vận dụng KH&CN hiện đại trong nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, vận dụng CNTT…

Tuy vậy, so với những đổi mới của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 thì những tiến bộ của Việt Nam chưa phổ biến, chưa rộng khắp, chưa trở thành động lực chủ yếu để tăng trưởng và kinh doanh trong một nền kinh tế hội nhập và toàn cầu hoá.

Hơn thế nữa, nhiều ngành hiện nay có lợi thế về lao động giá rẻ, như may mặc, da giày… có thể sẽ gặp thách thức nghiêm trọng khi quá trình sử dụng người máy, trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế lao động giá rẻ trong 10 năm sắp tới.
Vì vậy, các chính sách đổi mới KH&CN, giáo dục đào tạo của Việt Nam cần được tiếp tục thay đổi để giúp các doanh nghiệp thích nghi với những cơ hội và thách thức mới.

-Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo KH&CN, Nhà nước và nhiều Bộ, ban ngành, địa phương đã có nhiều quyết sách liên quan đến hoạt động này, mục đích hướng tới các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm . Ông đánh giá như thế nào về tác động từ các cơ chế chính sách trên đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

TS. Lê Đăng Doanh: Trong thời gian qua, Nhà nước, nhiều bộ, ban, ngành và địa phương đã có những quyết sách đúng đắn để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo KH&CN, lập quỹ đầu tư về KH&CN...qua đó tạo động lực cho doanh nghiệp KH&CN phát triển với nhiều lợi ích và ưu đãi hấp đãn như: doanh nghiệp KH&CN không phải nộp thuế, mà dùng khoản thuế đó để đầu tư trở lại vào KH&CN...

Tuy vậy, chi phí đầu tư đổi mới KH&CN của doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ chiếm 1-2%, trong khi ở Hàn Quốc là 20% và Nhật Bản là 40-50%. Tỷ lệ doanh nghiệp đang sử dụng thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường còn lớn. Nhiều doanh nghiệp trong công nghiệp may, da giày vẫn chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng, mô hình của nước ngoài, tỷ lệ giá trị gia tăng của Việt Nam rất thấp.

Đặc biệt, trong công nghiệp khai khoáng, Việt Nam vẫn chưa tham gia Sáng kiến EITI, quá trình đấu thầu, phân bổ lợi ích và chi phí không công khai, nên thu ngân sách từ khai thác khoáng sản rất thấp, ở một số địa phương, thu ngân sách từ khai thác khoáng sản không đủ bù đắp thiệt hại về môi trường và hao mòn đường sá. Vì vậy, muốn tiếp tục thúc đẩy KH&CN, cần thực hiện cải cách thể chế như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết mới đây của Chính phủ.

-Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, triển khai tại Việt Nam đã có những bước phát triển qua một loạt các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành. Theo ông, chúng ta nên tập trung vào những công nghệ ưu tiên nào?

TS. Lê Đăng Doanh: Để thúc đẩy tiến bộ KH&CN, phải cải cách thể chế, chuyển sang nhà nước kiến tạo thay cho nhà nước quản trị bằng hành chính, chấm dứt cơ chế “xin-cho”, thực hiện công khai, minh bạch trong đấu thầu về đất đai, về khai thác tài nguyên rừng biển, khoáng sản.

Cỗ xe muốn chạy nhanh phải có động cơ mạnh, nhưng cũng phải có phanh ăn. Một cỗ xe có động cơ yếu lại đi chệch hướng, không có chế tài để xử phạt và ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, thì nỗ lực khuyến khích KH&CN chỉ có tác dụng hạn chế.

-Vậy để nâng cao hiệu quả mối liên kết 3 nhà (nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp). Đặc biệt là việc kết nối từ kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp cần tập tung vấn đề gì?

TS. Lê Đăng Doanh: Mối liên kết giữa ba nhà – Nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp – trong thời gian vừa qua đã có những bước cải thiện đáng kể, nhiều nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học đã kết nối với doanh nghiệp, đưa ra những công trình nghiên cứu có khả năng vận dụng vào thực tế và đem lại lợi ích kinh tế xã hội rất thiết thực.

Những tiến bộ đó cần được đánh giá cao và tiếp tục khuyến khích. Song, những tiến bộ đó chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chưa được phổ biến rộng khắp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và yếu kém cần được khắc phục.Các nhà khoa học than phiền thủ tục thanh toán tài chính đối với việc sử dụng quỹ tài trợ của nhà nước quá phức tạp, không sát thực tế nghiên cứu khoa học, làm nản lòng một số các nhà khoa học.

Về phía các nhà khoa học, một số đã chậm chuyển thành quả nghiên cứu sang trình độ có thể vận dụng trong thực tế do những khó khăn về giai đoạn thí nghiệm, triển khai kết quả từ phòng thí nghiệm sang vận dụng đại trà. Điều quan trọng nhất là sự quan tâm của doanh nghiệp chưa chuyển sang vận dụng KH&CN và sáng tạo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nhóm PV (Lược ghi)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner