Đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN, cơ chế tài chính, tổ chức hoạt động KH&CN và sử dụng nguồn nhân lực, vốn đầu tư phát triển,… là những vấn đề lớn được đưa ra trao đổi, thảo luận tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ XXII diễn ra ngày 10/8 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang.
Các đại biểu cho rằng, cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN cần gọn nhẹ, thuận lợi trong hoạt động, các đề tài nghiên cứu phải có tính ứng dụng cao và được triển khai thực hiện rộng rãi sau khi công bố…
Các đại biểu cũng đề nghị thành lập quỹ KH&CN để phục vụ nghiên cứu, nhất là ở các doanh nghiệp nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng cơ chế khoán kinh phí theo nội dung nghiên cứu đã được Hội đồng tư vấn xét chọn; việc thanh, quyết toán kinh phí cần căn cứ vào hiệu quả thực hiện đề tài. Đặc biệt cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng KH&CN, mạnh dạn sử dụng, giao trọng trách và tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu thử thách trong môi trường sáng tạo và cống hiến hết mình.
Thời gian qua, lĩnh vực KH&CN ở các tỉnh vùng ĐBSCL đã được chú trọng và đầu tư hiệu quả. Vùng này là vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa và trên 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, các tỉnh trong vùng đã đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng giống lúa, kỹ thuật thu hoạch, chế biến, đưa vào trồng đại trà các giống lúa có chất lượng phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN đã hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo ra những vùng nguyên liệu thủy sản lớn dành cho xuất khẩu, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, phát triển rừng ngập mặn ven biển…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng: Hoạt động KH&CN vùng ĐBSCL đã tích cực tham gia vào việc nghiên cứu, cải tiến giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; chủ động ứng dụng KH&CN vào ngành thủy sản, nhất là việc ứng dụng thử nghiệm các mô hình mẫu áp dụng hệ thống quản lý vùng nuôi theo chương trình GlobalGAP đạt tiêu chuẩn quốc tế; việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, phát triển tài sản trí tuệ cũng đã được chú trọng… Thứ trưởng nhấn mạnh, để KH&CN thực sự trở thành “động lực”, “nền tảng”, “quốc sách hàng đầu” cho sự phát triển trong bối cảnh hội nhập, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư tăng cường tiềm lực về mọi mặt trong lĩnh vực KH&CN.
Tin, ảnh: Trần Hồng