Đây là chủ đề hội thảo do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã tổ chức diễn ra vào sáng 1/12, tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ triển lãm quốc tế Thiết bị và Công nghệ Nông - Lâm - Ngư nghiệp 2017 (GROWTECH 2017).
KH&CN – đòn bẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC) cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt là trong 2 năm 2016- 2017 ngành KH&CN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. KH&CN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.
Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, KH&CN có đóng góp lớn, quan trọng và nổi bật với trên 80% diện tích đất canh tác lúa, ngô, mía, bông được sử dụng giống mới. 45% đàn bò, 65% đàn lợn được sử dụng giống lai. Gần 200 quy trình kỹ thuật được công nhận và đưa vào áp dụng trong sản xuất. KH&CN đóng góp trên 45% giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.
Hiện nay, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp mới được triển khai trong 4 lĩnh vực, bao gồm: Chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến. Hai lĩnh vực còn lại về chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thủy sản chưa có được những hoạt động triển khai cụ thể.
Trong đó, chọn tạo giống đột biến đã có bước tiến đáng kể bằng việc tạo ra và đưa vào sản xuất 61 giống tính đến năm 2015, bao gồm 41 giống lúa, 9 giống đậu tương và một số giống hoa, ngô, táo, lạc…
Lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng cũng đã có một số kết quả nghiên cứu bước đầu về xói mòn đất canh tác nhằm giúp cho việc xây dựng các giải pháp khắc phục, quản lý và chống thoái hóa đất. Ở nước ta, với diện tích 13 triệu ha đất dốc (40% diện tích đất canh tác), áp dụng kỹ thuật này có thể giúp tiết kiệm hàng trăm tấn phân bón nitơ và phốt pho với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, với sự hỗ trợ của IAEA, kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) đang được các nhà khoa học tại Viện Bảo vệ thực vật-Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai nghiên cứu quản lý ruồi hại quả thanh long diện rộng, nhằm nâng cao chất lượng quả, tạo điều kiện xuất khẩu quả thanh long Việt Nam vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục năng lượng nguyên tử: trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả về ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nông nghiệp, đặc biệt là chiếu xạ thực phẩm và công nghệ đột biến phóng xạ. IAEA đánh giá Việt Nam là nước đứng thứ 8 trên thế giới về chiếu xạ đột biến, với nhiều giống lúa, đậu tương chủ lực là giống đột biến. Nhiều công nghệ có triển vọng phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý đất, nước, dinh dưỡng cây trồng, áp dụng kỹ thuật tiệt sinh côn trùng, bảo vệ mùa màng,…cũng đang được nghiên cứu, triển khai ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, cần nâng cao sự phối hợp giữa các nhà khoa học, nhà quản lý của Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, các địa phương, chuyên gia trong và ngoài nước, và các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nông nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như quản lý đất, nước, sức khỏe và sinh sản vật nuôi.
Cơ hội tiếp cận sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thời đại công nghệ 4.0
Tiếp cận thị trường và thương mại hóa nông nghiệp theo hướng mới
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học với sự đột phá trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Tại các nước phát triển, thành tựu đạt được thông qua công nghiệp 4.0 mang lại giá trị to lớn cho ngành nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, sức cạnh tranh sản phẩm nông sản, giải phóng đáng kể lao động truyền thống của người nông dân.
Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu đang tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong bối cảnh chung ấy, nếu không thay đổi mạnh mẽ về khoa học, công nghệ, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy giảm sản xuất, kinh doanh... Sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Bà Bùi Thị Huy Hợp – Tư vấn – menter chiến lược Công ty CPTM Bitdeal Việt Nam cho biết: trong bối cảnh xu hướng nền công nghiệp 4.0 cần thay đổi phương thức mua bán, kết nối dịch vụ truyền thống sang mua bán và kết nối dịch vụ online bởi xu hướng tiêu dùng tại thế giới và Việt Nam đã và đang thay đổi mạnh mẽ với việc sử dụng wifi, smartphonel, các thiết bị thông minh. Hiện nay mô hình kinh tế chia sẻ với các hình thức thanh toán điện tử như sử dụng Blockchain, chạy trên nền tảng điện thoại thông minh và máy tính bảng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng giúp tiết kiệm chi phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ mỗi ngày, tiết kiệm thời gian tìm kiếm các doanh nghiệp uy tín cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng, tận hưởng sự tiện ích của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Bên cạnh đó, tại hội thảo các đại biểu đã được nghe các chuyên gia phân tích, thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm về lựa chọn công nghệ phù hợp, định hướng thương mại hóa công nghệ phục vụ nông nghiệp, cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ người nông dân tiếp cận công nghệ cùng với các bài tham luận về: giới thiệu về hoạt chất thiên nhiên; nghiên cứu chế tạo, sử dụng và thương mại hóa giá thể gốm xốp kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp; Xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm Emic; ….
Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, người nông dân cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu về thành tựu, kết quả nổi bật, các tồn tại khó khăn, điểm nghẽn của thị trường công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cùng nhau thảo luận và tìm ra giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tốc độ thương mại hóa công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng chuyển giao cá tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Bài, ảnh: Ánh Tuyết