Chính sách KH&CN Thứ năm, 02/05/2024 , 03:46 pm
Cập nhật : 28/06/2022 , 07:06(GMT +7)
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật
Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương.
Các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hằng năm, các tài liệu để cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, báo chí với phương châm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội; tổ chức truyền thông ngay khi lấy ý kiến góp ý cho dự thảo văn bản;…

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Quyết định 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" (Đề án), do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/6/2022. 

Truyền thông dự thảo chính sách từ sớm, tạo sự đồng thuận

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, Đề án xác định mục tiêu tổng quát là nhằm tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL. Qua đó, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống…
 
Cụ thể, năm 2022, hoàn thành việc quán triệt, hướng dẫn, tập huấn, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án trên phạm vi toàn quốc; 70% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL đến khi thông qua, ban hành VBQPPL; từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL, đến khi thông qua, ban hành văn bản.
 
Thời gian qua, việc phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật chủ yếu diễn ra đối với các VBQPPL đã được ban hành. Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống với hoạt động truyền thông các dự thảo chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo VBQPPL, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành.
 
Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Quyết định phê duyệt Đề án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.
 
Phát huy vai trò chủ động của các cơ quan
 
Tại Hội nghị, các diễn giả đã trình bày tham luận, thảo luận, góp ý, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Các đại biểu nhấn mạnh công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL và là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Đồng thời đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản VBQPPL cần kịp thời xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hằng năm, các tài liệu truyền thông để cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, báo chí với phương châm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội.
 
Nhấn mạnh vai trò của báo chí, truyền thông, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân, giúp đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật. Ông Hải đề xuất một số giải pháp trong truyền thông dự thảo chính sách, cụ thể: Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo về công tác tư tưởng, tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí; cần phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; thực hiện cơ chế đặt hàng định kỳ cho các cơ quan báo chí nhằm tạo sự ổn định, đa dạng thông tin hữu ích đến công chúng;…
 
Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan báo chí, phóng viên tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL để được cung cấp thông tin về nội dung của dự thảo chính sách một cách chính xác, kịp thời và chính thức; chú trọng xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các sản phẩm truyền thông sinh động, phong phú để truyền thông về dự thảo chính sách, pháp luật…

Toàn cảnh Hội nghị. 
Ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý thông tin, báo chí cần lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cơ quan thông tin, báo chí thực hiện truyền thông dự thảo chính sách với nhiều cách thức hiệu quả; tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng, truyền thông chính sách pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách…
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy, thống nhất nhận thức, xác định công tác truyền thông trong quá trình xây dựng VBQPPL là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể để phát huy dân chủ, nâng cao tính minh bạch, công khai trong quá trình xây dựng pháp luật. Cần xác định rõ đầu mối của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tham mưu thực hiện, đồng thời bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ liên quan để đảm nhiệm nhiệm vụ. Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo cần phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, tập trung vào các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác truyền thông dự thảo chính sách. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL với các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm thông tin, truyền thông kịp thời, rộng rãi, có tính tương tác đa chiều, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
 
Bài, ảnh: Linh Chi 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner