Ngày 20/10/2016, tại tỉnh An Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và UBND tỉnh An Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học Năng suất, chất lượng và sản phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng; lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đại diện cá nhân, đơn vị có liên quan.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố có nền kinh tế năng động và phát triển; là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trái cây, nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế xã hội của vùng đạt được nhiêu kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức khá cao với mức tăng trưởng GDP bình quân của cả vùng đạt 8,87%/năm.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế lớn, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức. Vì nơi đây là một trong 10 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, dự báo đến cuối thế kỷ XXI mực nước biển dâng cao 1m sẽ làm 40% diện tích bị ngập, ảnh hưởng đến sinh kế của gần 55% dân số và an ninh lương thực của Việt Nam cũng như thế giới. “Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu nhanh và mạnh hơn dự báo. Tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng” Thứ trưởng Trần Việt Thanh chia sẻ.
Trước những thách thức trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư cho hoạt động KH&CN trong vùng, nhiều chương trình, dự án, hội nghị đã được tổ chức nhằm đề ra những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều tham luận khoa học có tính cập nhật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, hơn 30 tham luận của các nhà khoa học như: Giải pháp tăng cường ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả mối liên kết 4 nhà trong chuỗi cung ứng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Chọn tạo giống lúa chống chịu đa tác nhân sinh học và điều kiện bất thuận bằng chỉ thị phân tử ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu ở An Giang; Biến đổi khí hậu và giải pháp phát triển bền vững lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long; Cây dừa trước nguy cơ biến đổi khí hậu;
Hiện trạng sản xuất và các giải pháp chăn nuôi bò tại Đồng bằng sông Cửu Long,… đã được trình bày tại Hội thảo nhằm nhận dạng các tác động tiêu cực, các thách thức của tự nhiên và xã hội đối với phát triển kinh tế-xã hội nói chung của toàn vùng. Qua đó đề xuất các giải pháp KH&CN để hạn chế các tác động tiêu cực. Đồng thời, tạo nên sự đồng thuận cao trong liên kết giữa các địa phương; tăng cường sự hợp tác, liên kết vùng để khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phục vụ chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế vùng.
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp