Trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, phát triển đô thị thông minh là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. Trong những trụ cột chính của phát triển đô thị thông minh, phát triển năng lượng thông minh đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trụ cột chính của phát triển đô thị thông minh
Phát triển năng lượng thông minh là một trong những trụ cột chính của phát triển đô thị thông minh. Đây là nhận định của ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong bài phát biểu tại hội thảo chuyên đề Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 tổ chức chiều ngày 22/10/2020.
“Chúng ta đều biết, các đô thị tiêu thụ 70% năng lượng toàn cầu và đồng thời cũng là tác nhân của 70% khí thải gây ô nhiễm tại các đô thị. Bởi vậy, việc hướng đến một đô thị thông minh hơn, sạch hơn, xanh hơn, bền vững hơn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức chúng ta sử dụng năng lượng tại các đô thị” – ông Lục nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, để hướng đến phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2030-2045, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những quan điểm quan trọng được đề cập trong Nghị quyết 55 đó là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Cũng phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, sử dụng năng lượng tiết kiệm, phát triển đô thị thông minh có vai trò quan trọng trong việc phát triển của đất nước ta cũng như các nước ASEAN. Theo chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 thì có khoảng 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở các đô thị. Vấn đề rất lớn đặt ra, quá trình đô thị hóa là quá trình quan trọng để phát triển và ở hầu hết các nước, các nền kinh tế và khi đã trở thành quá trình tất yếu, thì nó sẽ kèm theo thay đổi toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, thay đổi phong cách sống, tiêu chuẩn sống của người dân các nước. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro, hệ lụy như mật độ dân số quá cao, tắc đường, ô nhiễm không khí, hạ tầng xã hội…
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, đối với Việt Nam và khu vực ASEAN nhu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là vấn đề sống còn. Do đó, chúng ta cần tìm ra những giải pháp để giải quyết các vấn đề trên, để các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tiến hành đô thị hóa thành công, hướng đến tiêu chuẩn sống cao hơn cho người dân mà không gặp phải những hệ lụy, trong khi nó luôn đặt ra trong quá trình phát triển mà các quốc gia.
Bài toán năng lượng trong các đô thị
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, ông Đỗ Đức Quân đã nhận định, hiện nay, năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió, năng lượng mặt trời phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này và trong những năm vừa qua, ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ.
Ông Đỗ Đức Quân nhấn mạnh, Nghị quyết 55 chính là động lực, định hướng mạnh mẽ để ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam diễn ra rất nhanh. Một phần bởi mật đô dân cư trong các khu đô thị, khu công nghiệp của Việt Nam rất lớn. Đây cũng là những khu vực tập trung nhiều các hoạt động kinh tế - xã hội, do vậy nhu cầu sử dụng năng lượng cũng rất cao.
"Muốn giảm giá thành, muốn phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế khác thì cần phải sử dụng các nguồn năng lượng hiệu quả, hợp lý, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Hiện nay, nguồn điện phân tán như điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp rất quan trọng. Ngoài việc là nguồn năng lượng sạch, điện mặt trời mái nhà còn có những ưu điểm như: có tính phân tán, quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất trong quá trình truyền tải cũng như phân phối", Phó Cục trưởng khẳng định.
Các diễn giả tại Hội thảo
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia cũng đặt ra những băn khoăn, làm thế nào để giải đáp bài toán năng lượng trong các đô thị trên con đường phát triển của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Đồng thời, làm sao chúng ta có thể sử dụng năng lượng thông minh một cách thực sự, nhằm giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế?
Ngoài ra, đánh giá về tác động của việc sử dụng hiệu quả năng lượng xanh tại các khu đô thị, khu kinh tế, ông John Rockhold, Trưởng nhóm Công tác điện và năng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thông tin, hiện nay, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam đã hướng đến sử dụng năng lượng sạch, xanh với công nghệ tân tiến, hiện đại. Việc đầu tư phát triển năng lượng thông minh ban đầu sẽ tốn kém, nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Cụ thể, các khu công nghiệp có môi trường năng lượng thông minh sẽ giúp gia tăng sự cạnh tranh, thu hút sự đầu tư nhiều hơn. Đồng thời giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí thông qua năng lượng tái tạo, giúp nâng cao GDP, nâng cao môi trường kinh doanh, và đáp ứng nhu cầu cao hơn của các tầng lớp trung lưu.
Bài, ảnh: M.C