Là nơi đầu tiên thử nghiệm “xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi Tu Hài thương phẩm” tại huyện Vân Đồn, sau 2 năm thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận thành công và làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất giống nhân tạo và kỹ thuật nuôi Tu Hài thương phẩm và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho khoa học tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Kinh tế luôn duy trì tốc độ phát triển khá
5 năm qua, kinh tế Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh từng sản phẩm được cải thiện. Tấc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,5%, GDP tính theo đầu người năm 2010 ước đạt khoảng 1.408 USD.
Phát huy vai trò nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngành KH&CN tỉnh đã tích cực huy động, phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động nghiên cứu triển khai áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế. Tỉnh đã triển khai 68 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 23,2 tỷ đồng bằng 221% so với giai đoạn 2001 – 2005. Tỉnh đã thu hút được nguồn đầu tư kinh phí cho khoa học. Năm 2009 là 9,797 tỷ đồng bằng 260% so với năm 2006. Tổng kinh phí cho sự nghiệp khoa học được cấp giai đoạn 2006 – 2009 là 56%.
Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Long, Phó Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh, trong năm qua, Sở KH&CN tỉnh đã triển khai 41 dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tại 8 huyện, thị xã, thành phố với mức kinh phí hỗ trợ là 3,3 tỷ đồng. Các mô hình này triển khai ở cấp huyện đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập. Dự án nuôi Tu Hài thương phẩm đã góp phần sản xuất gần 3 triệu con giống cấp II, thu hoạch được 40 tấn tu hài thương phẩm, thúc đẩy nghề nuôi Tu hài phát triển trong vùng dự án và các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án khác như sản xuất và nuôi trồng nấm Ling Chi, Lan Hồ Điệp, cây Ba Kích… cũng đã mang lại cho Quảng Ninh những nguồn thu lớn.
Hiệu quả từ đổi mới trong quản lý nhà nước về KH&CN
Trong 4 năm qua, Sở đã ban hành được 8 văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN như: Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ Quảng Ninh đến 2020, Kế hoạch xây dựng, áp dụng Hệ thống QLCL theo TCVN ISO 9001:2000 giai đoạn 2006-2010, Chương trình thực hiện Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại đến năm 2010, các văn bản này đã được áp dụng vào thực tế và phát huy hiệu quả.
Nhờ có Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh, các nhiệm vụ trọng tâm được xác định rõ nên nội dung nghiên cứu, ứng dụng của các đề tài, dự án đã có tính hệ thống hơn và sát với thực tiễn hơn; kinh phí thực hiện đề tài, dự án được đầu tư thoả đáng, bình quân là 367 triệu đồng/1 nhiệm vụ, đã có những nhiệm vụ lên đến gần 2 tỷ đồng; việc đăng ký, đề xuất thực hiện nhiệm vụ đã được mở rộng tới các Viện nghiên cứu, Trường đại học; phương thức xác định đơn vị chủ trì thực hiện đề tài, dự án được cải tiến thông qua việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án; chất lượng hoạt động các Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đề tài, dự án được nâng cao nhờ việc mời các nhà khoa học ở Trung ương tham gia.
Đặc biệt, công tác quản lý về Sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt. Sở đã xây dựng Chương trình phối hợp hành động phòng chống vi phạm quyền SHTT tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006–2010 giữa Sở KH&CN với các ngành liên quan.
Một số doanh nghiệp đã xây dựng, phát triển và tiếp tục bảo vệ được các thương hiệu mạnh trên thị trường như: Công ty Cổ phần VIGLACERA Hạ Long, Công ty Xi măng Lam Thạch, Công ty Chế tạo máy- TKV, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ và Nước giải khát Quảng Ninh, Công ty Nước khoáng Quang Hanh, Công ty Gốm sứ Quang Vinh... Sở đã tham mưu đề xuất 12 dự án phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp do Bộ KH&CN chủ trì, Bộ KH&CN đã phê duyệt 03 nhiệm vụ: dự án xây dựng chỉ dẫn điạ lý "Vân đồn" cho sản phẩm Sá Sùng , dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể Gốm sứ Đông Triều và dự án tuyên truyền về Sở hữu trí tuệ trên trên Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh. Các dự án đang được xúc tiến triển khai, sẽ hoàn thành trong năm 2010, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc phát triển SX-KD của mình.
Ánh Tuyết – Phương Hoàn