Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 04:33 am
Cập nhật : 01/10/2012 , 13:10(GMT +7)
Đầu tư khoa học, công nghệ hợp lý sẽ phát huy hiệu quả tối đa
Nguồn: congan.com.vn
Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực khoa học, công nghệ của nước ta còn yếu do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Vậy, với tiềm lực tài chính còn hạn chế của nước ta thì cần có phương pháp sử dụng kinh phí nào để có thể phát huy hiệu quả tối đa của mỗi đồng vốn đầu tư?

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong những tháng qua, Bộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện kế hoạch năm 2012. Kết quả cụ thể là khoa học và công nghệ có những đóng góp quan trọng trong phát triển các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, tiềm lực khoa học, công nghệ của lĩnh vực viễn thông, dầu khí, hàng điện tử tiêu dùng, sản xuất điện, xi măng đã đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực. Trong 6 tháng đầu năm, thông qua hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ đã có 22 hợp đồng chuyển giao và thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, với tổng giá trị 320 tỷ đồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cập nhật 1.000 công nghệ và thiết bị, tư vấn 400 giao dịch công nghệ giúp tăng cường mối liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu.

Trong các ngành, lĩnh vực cụ thể, nhiều kết quả nghiên cứu, sáng tạo đã được cộng đồng khoa học đánh giá cao, được ứng dụng rộng rãi. Trong ngành y tế, thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, nhiều kỹ thuật chưa làm được hoặc thực hiện chưa hiệu quả, thì nay đã thực hiện phổ biến, đạt chất lượng cao. Trong đó, việc ứng dụng thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân để điều trị bệnh suy tim nặng, ung thư máu, bỏng… đã góp phần giảm chi phí cho người bệnh. Đối với ngành nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thiện được 8 quy trình kỹ thuật nhân giống; chuyển giao nhiều loại giống mới vào sản xuất. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhiều công trình nghiên cứu đã đóng góp trực tiếp vào hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, văn hóa, bảo tồn văn hóa… 

Nhưng bên cạnh những thành công này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Ngọc Anh cho biết, cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để huy động nguồn lực từ những thành phần kinh tế tham gia tích cực vào các hoạt động khoa học, công nghệ. Do đó, tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2012 dù đã tăng 14,5% so với năm 2011, song tổng mức đầu tư xã hội ước đạt 1% GDP, thấp hơn so với mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ đặt ra. Tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chậm. Sự chậm trễ này được cho là do không có một đầu mối quản lý, trong khi sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, khiến thời gian thực hiện bị kéo dài so với dự kiến ban đầu. Và do thiếu sự phối hợp giữa các bộ liên quan trong việc phân bổ kinh phí đầu tư phát triển cho nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn những năm gần đây, các kết quả nghiên cứu, sáng tạo nêu trên là một thành tích cần được ghi nhận của lĩnh vực này. Song có thể thấy, kết quả nghiên cứu mới có tác động cho một số ngành, lĩnh vực, chưa tạo sự thay đổi căn bản về đóng góp của khoa học, công nghệ cho phát triển kinh tế. Những hạn chế được bộ quản lý ngành nêu ra cũng chưa phản ánh chính xác các tồn tại hiện nay, thậm chí là trong nhiều năm qua của lĩnh vực này. Tại phiên làm việc về tình hình thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách cho khoa học, công nghệ năm 2012 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, một hạn chế không thể không đề cập đến là cách xây dựng và triển khai những chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo phương thức hành chính đã khiến nguồn lực đầu tư bị phân tán. Sự chưa đồng tâm, đồng hướng của các đơn vị này cũng là một nguyên nhân khiến các chương trình, đề án trọng tâm chậm tiến độ. Và vì thế, những công trình nghiên cứu của các bộ, ngành hay địa phương thường không có tính liên kết với nhau. Mặt khác, việc chậm trễ xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, năng lực nghiên cứu của các tổ chức, viện nghiên cứu cũng khiến không thể định hình được một mô hình tổ chức hợp lý.

Trước thực tế năng lực khoa học, công nghệ của nước ta còn yếu, nhiều ý kiến cho là do nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Mà về nguyên tắc, để khoa học và công nghệ nước nhà có được thành quả thì phải có nguồn lực tài chính để phát triển tương xứng. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng kinh phí chưa phải là yếu tố quyết định đến chất lượng, năng lực nghiên cứu khoa học, công nghệ. Hơn cả là mục tiêu của kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như với nhiệm vụ khoa học, công nghệ nói riêng còn dàn trải, chưa xác định được trọng tâm phát triển phù hợp với điều kiện của nước ta. Tiềm lực tài chính có hạn mà không được sử dụng đúng thì sẽ là sự lãng phí rất lớn. Vì vậy, trước hết cần xác định trọng tâm đầu tư để có thể sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn kinh phí dành cho khoa học, công nghệ.

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner