Tự lực, tự cường là một trong những truyền thống đã trở thành bản chất của Quân đội ta, trong đó có ý thức tự chủ về vũ khí, trang bị, khoa học công nghệ quân sự. Hiện nay, ý thức tự chủ về vũ khí, trang bị, khoa học công nghệ quân sự được thể hiện rõ trong chiến lược quốc phòng của Việt Nam và được hiện thực hóa bằng nhiều công trình nghiên cứu, sản xuất có giá trị cao.
Tinh thần làm chủ khoa học và công nghệ
Tư tưởng “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được quân và dân ta nỗ lực thực hiện trong mọi lĩnh vực để đem lại những thành quả của cách mạng Việt Nam. Trong đó, việc tận dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong cải tiến, chế tạo vũ khí là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược-hai thực dân, đế quốc sừng sỏ được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại nhất thời bấy giờ. Tinh thần làm chủ KH&CN của Quân đội ta được thể hiện bằng việc các nhà khoa học tự mày mò, nghiên cứu để chế tạo, cải tiến vũ khí phục vụ cho chiến đấu. Điển hình như Thiếu tướng, Viện sĩ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa gắn liền với những sản phẩm nổi tiếng như: Súng Bazooka, súng SKZ hay loại bom bay có sức công phá mạnh, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta. Hay như việc Quân đội ta cải tiến tên lửa SAM-2 đã góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972; trong đó, tên lửa SAM-2 được nâng cấp đã bắn rơi 27 trong tổng số 34 máy bay B-52 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
Từ sau khi giành độc lập, thống nhất đất nước đến nay, ngành KH&CN quân đội đã tham gia tích cực vào việc khôi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Điển hình như việc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) sản xuất thành công radar cảnh giới phòng không và trên biển. Sau 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm, năm 2014, sản phẩm radar cảnh giới phòng không hoàn chỉnh đầu tiên do Viettel sản xuất và làm chủ đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và được tiến hành sản xuất hàng loạt để trang bị cho các đơn vị. Năm 2017, radar “made by Viettel” còn được xuất khẩu, đưa Việt Nam vào danh sách 9 quốc gia trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công những thiết bị quân sự hiện đại để quản lý vùng trời. Sau dự án radar cảnh giới phòng không, Viettel còn sản xuất thành công radar cảnh giới biển, thiết bị chủ lực dùng trong hải quân và những vũ khí, trang bị hiện đại khác phục vụ quân đội.
Lãnh đạo Nhà máy Z181 kiểm tra quy trình sản xuất ống khuếch đại ánh sáng thế hệ 2+. Ảnh: VŨ DUNG.
Đầu tư nghiên cứu, chế tạo, từng bước hiện đại hóa vũ khí, khí tài
Xác định việc ứng dụng KH&CN vào nghiên cứu, chế tạo vũ khí là rất quan trọng, những năm qua nhiều đơn vị trong quân đội đã đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại để sản xuất nhiều loại sản phẩm chất lượng cao phục vụ quốc phòng. Đơn cử, Nhà máy Z181 (tên giao dịch là Công ty TNHH Một thành viên Điện tử Sao Mai) là đơn vị quân đội hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh vật liệu, linh kiện và thiết bị điện, điện tử, quang điện tử. 40 năm qua, nhà máy đã nghiên cứu, sản xuất nhiều loại sản phẩm, nhiều mặt hàng chất lượng cao phục vụ quốc phòng, kinh tế và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, hiện nay nhà máy đã sản xuất được các loại ống ngắm bắn đêm rất hiện đại.
Đại tá Đỗ Cao Kiên, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà máy Z181 đưa chúng tôi đến tham quan khu vực sản xuất ống khuếch đại ánh sáng (KĐAS) thế hệ 2+ ("trái tim" của khí tài quan sát ngắm bắn đêm) trong Xí nghiệp Quang điện tử-xí nghiệp được ví như “xương sống” của nhà máy. Có tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất mới thấy sự công phu, nghiêm ngặt, tỉ mỉ, chính xác của đội ngũ công nhân kỹ thuật ở đây. Để sản xuất được một sản phẩm ống KĐAS thế hệ 2+ phải trải qua 6.000 bước với hơn 600 quy trình công nghệ. Đồng thời môi trường sản xuất phải sạch tuyệt đối để không hư hỏng sản phẩm. Năm 2006, nhà máy được Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án “Đầu tư chế tạo khí tài quân sự quan sát ngắm bắn đêm”, trong đó có phần chế tạo ống KĐAS thế hệ 2+ do đối tác Liên bang Nga chuyển giao. Để sản phẩm được nghiệm thu, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012, nhà máy đã thu hút và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều chuyên ngành khác nhau, như: Vật lý, hóa học, điện tử, cơ khí, tự động hóa, quang học… Trên cơ sở dây chuyền, thiết bị, công nghệ được chuyển giao, đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhà máy đã làm chủ công nghệ chế tạo thành công hai loại sản phẩm 44G và 103G với công suất 2.000 sản phẩm/năm. Việc làm chủ công nghệ sản xuất ống KĐAS thế hệ 2+ tại Nhà máy Z181 mở ra thời kỳ mới cho nhà máy nói riêng và một lĩnh vực mới cho ngành công nghiệp quốc phòng nói chung, vì trên thế giới hiện mới có một số quốc gia chế tạo được sản phẩm này.
Từ năm 2015 đến nay, công tác nghiên cứu KH&CN đã bám sát yêu cầu thực tiễn, kết quả công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đã góp phần từng bước bảo đảm trang bị cho quân đội, hiện đại hóa vũ khí, khí tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, diễn tập; đồng thời nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng; chủ động trong bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật khi có tình huống xảy ra. Tỷ lệ ứng dụng nghiên cứu KH&CN ngày càng tăng, đa số được ứng dụng trong thực tiễn, nhiều sản phẩm được triển khai sản xuất hàng loạt, đưa vào trang bị trong quân đội. Hiện tại, các cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng được củng cố, xây dựng và đầu tư theo đúng định hướng, quy hoạch, bám sát các mục tiêu đề ra.
Khuyến khích sản xuất các mặt hàng mang tính lưỡng dụng
Trong những năm tới, xu thế chung của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển, nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng. Trong khu vực, tranh chấp chủ quyền biên giới, biển, đảo sẽ còn nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Quân đội ta đang trong quá trình điều chỉnh tổ chức, lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”, từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; biên chế, vũ khí, trang bị tiếp tục có sự phát triển, công tác KH&CN có nhiều yêu cầu mới cần nghiên cứu, giải quyết.
Tại Hội nghị định hướng nghiên cứu KH&CN trong Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số nhiệm vụ KH&CN triển khai trong thời gian tới, đó là tạo điều kiện để huy động tiềm lực KH&CN phục vụ quốc phòng, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả triển khai Chiến lược phát triển KH&CN trong thời gian tới; đồng thời có chính sách khuyến khích các đơn vị ngoài quân đội tham gia các hoạt động nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Cũng tại hội nghị này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá cao những cố gắng của Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển KH&CN và mong muốn Bộ Quốc phòng tiếp tục có những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính; có những chính sách thỏa đáng, tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị quân đội sản xuất các mặt hàng mang tính lưỡng dụng mang lại hiệu quả cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cũng như kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm chủ các công nghệ chế tạo vũ khí, khí tài đã được chuyển giao; nghiên cứu tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm quốc phòng, chủ động về vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất quốc phòng và bảo đảm kỹ thuật. Ứng dụng có hiệu quả các thành tựu, tiến bộ KH&CN, công nghệ mũi nhọn trong các hoạt động nghiên cứu, tạo bước chuyển biến và hình thành các sản phẩm có tính đột phá về KH&CN; nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.