Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 03/11/2024 , 04:25 am
Cập nhật : 01/09/2016 , 01:09(GMT +7)
Dấu ấn những công trình Khoa học mang tầm quốc tế
GS.TSKH. Vũ Minh Giang
Những công trình/cụm công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt V rất xứng đáng. Đây thực sự là những công trình/cụm công trình KH&CN trội vượt, được Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá cao, tiêu biểu cho khoa học Việt Nam thời gian qua. GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã cho biết như trên khi chia sẻ với phóng viên.

Những công trình KH&CN xuất sắc

PV: Thưa GS.TSKH. Vũ Minh Giang, được biết Giáo sư là Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN), Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa, xin Giáo sư đánh giá tổng thể về quá trình xét tặng Giải thưởng trong đợt V vừa qua?

GS.TSKH. Vũ Minh Giang: Số lượng các công trình/cụm công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần này không nhiều. Đã có ý kiến cho rằng hình như Hội đồng quá chặt chẽ. Nhưng tôi lại được nghe nhiều hơn ý kiến đánh giá những công trình/cụm công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng lần này rất xứng đáng, thực sự là những công trình trội vượt, được Hội đồng đánh giá cao. Hội đồng đã chọn được những công trình/cụm công trình tiêu biểu cho khoa học Việt Nam thời gian qua. 

Với tư cách là Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần này, tôi được biết tổng số các công trình/cụm công trình, sau vòng sơ tuyển được các bộ, ngành trung ương và các tỉnh thành gửi lên có 102 công trình cụm công trình. Trong số đó có 7 công trình thuộc diện bí mật quốc gia chưa đưa ra xét lần này. Còn lại những công trình/cụm công trình ấy đã được thẩm định kỹ lưỡng qua 19 hội đồng ngành và liên ngành, các thành viên Hội đồng đã có những thẩm định, đánh giá công tâm, khách quan, đúng quy trình, chặt chẽ theo đúng quy định hiện hành, đưa lên Hội đồng cấp Nhà nước 61 công trình/cụm công trình. Đây là những công trình/cụm công trình tâm huyết của các nhà khoa học.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành các công trình/cụm công trình đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đều phải đảm bảo 3 tiêu chí cơ bản. Thứ nhất, đó phải là công trình cụm công trình xuất sắc về mặt KH&CN. Mức độ xuất sắc thể hiện ở điểm xuất sắc hay đặc biệt xuất sắc để phân biệt giữa Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN có tầng mức khác nhau. Thứ hai là phải có đóng góp hiện hữu, rõ ràng về mặt khoa học (được ghi nhận bởi giới khoa học quốc tế,  thường thông qua công bố quốc tế bởi các nhà xuất bản hoặc những tạp chí có uy tín cao trên thế giới). Thứ ba là có ý nghĩa thực tiễn đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, sự nghiệp cách mạng và có hiệu ứng xã hội. 

Hội đồng quán triệt đây là Giải thưởng cao nhất của đất nước về KH&CN, do đó phải xứng đáng là diện mạo KH&CN quốc gia trong một giai đoạn. Vì vậy, Hội đồng cân nhắc kỹ và đã thảo luận trong 2 ngày rồi đi đến bỏ phiếu. Cách bỏ phiếu lần này theo tôi cũng đặc biệt. Mỗi ủy viện thể hiện chính kiến của mình một cách công khai. Tức là, ký tên vào từng lá phiếu, ghi rõ mọi thông tin về ủy viên đó. Nghĩa là chọn hay không chọn công trình nào thì chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình. Như vậy tôi nghĩ rằng quyết định đó có chất lượng cao hơn. Đây không phải là bỏ phiếu kín ủng hộ hay không ủng hộ, không ai biết ta là ai. Tôi cho rằng khi đưa ra quyết định các ủy viên đã suy nghĩ rất kỹ, có phản biện cho chính mình, lý giải tại sao mình đưa ra quyết định đó. Với cách làm này, quyết định đó nghiêm túc, chất lượng, trách nhiệm hơn rất nhiều đối với lá phiếu.

Kết quả bỏ phiếu được 16 công trình khiến Hội đồng lặng đi một lúc. Nhưng sau bình tĩnh trở lại, ai cũng như ai đều có sự thống nhất cao và khẳng định những công trình chọn ra rất xứng đáng trên mọi phương diện về tiêu chí, uy tín khoa học trong giới cũng như tầm ảnh hưởng quốc tế… Tôi thấy rằng, lần xét tặng này chúng ta đã tuân thủ đúng quy trình, Hội đồng làm việc khách quan, có trách nhiệm đối với quyết định của từng lá phiếu. Điều quan trọng hơn, với cách làm này đã góp phần nâng cao hơn uy tín của Giải thưởng. Đó là điều không chỉ riêng Hội đồng hay lãnh đạo quản lý về KH&CN của Nhà nước mà còn là mong muốn của xã hội, của đất nước. Chúng ta có một giải thưởng quốc gia được người dân trân trọng nâng niu bởi uy tín khoa học, giá trị khoa học của công trình được thừa nhận. Quá trình xét tặng vừa rồi là đúng quy trình, công tâm, nâng cao uy tín của Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

Dao gamma quay điều trị thành công u não và một số bệnh lý sọ não

Uy tín khoa học lan tỏa

PV: Như vậy, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được cộng đồng khoa học  và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Theo Giáo sư những công trình/ cụm công trình được xét chọn lần này có xứng đáng là diện mạo khoa học và công nghệ của nước nhà trên trường quốc tế hay không?

GS.TSKH. Vũ Minh Giang: Khi phân tích các công trình/cụm công trình này cũng có một số cấn cá giữa công trình là một thực thể khách quan với tác giả công trình đó. Để có công trình phải có cá nhân tập thể làm ra công trình đó. Nhưng ở nước ta thường rất để ý đến nhân thân của tác giả (đó là người cống hiến suốt cuộc đời, là tấm gương đạo đức cho các thế hệ học tập và noi theo). Thế nhưng, theo quy định của Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN chúng ta xét về công trình/cụm công trình. Các tác giả có được xem xét tới nhưng chủ yếu là đánh giá chất lượng khoa học của công trình. Với ý nghĩa đó, 16 công trình được chọn với suy nghĩ cá nhân của tôi hoàn toàn xứng đáng và tôi tin là sẽ được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao. 

Ví dụ như cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc”, các nhà khoa học đã công bố hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng. GS. Ngô Bảo Châu được mời làm Ủy viên Hội đồng và là người phản biện cụm công trình này cũng đánh giá rất cao. Đơn cử ra một công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh như vậy, tôi tin rằng giới Toán học thế giới đánh giá cao về cụm công trình này. 

Các công trình liên quan đến ứng dụng công nghệ cao của các giáo sư ngành y như GS.TS. Mai Trọng Khoa cùng đồng tác giả thực hiện cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”. Tập thể các nhà khoa học đã vươn tới những công nghệ cao nhất trên thế giới hiện nay, ứng dụng chữa trị trên các bệnh nhân Việt Nam thành công. Uy tín của công trình thể hiện ở việc đã có hàng chục bài báo quốc tế ghi nhận trước khi cụm công trình này được Giải thưởng thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN.

Hay như công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” của GS. Phan Huy Lê, trước khi đăng ký xét giải thưởng công trình đã được giới thiệu nhiều ở nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về uy tín khoa học không chỉ ở Việt Nam mà trên trường quốc tế của 16 công trình mà Hội đồng cấp Nhà nước đã nhất trí đề nghị lên Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần này.

PV: Xin Giáo sư cho biết sức lan tỏa của những công trình/cụm công trình đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần này?

GS.TSKH. Vũ Minh Giang: Những công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng đợt này đã có ảnh hướng lớn trong đời sống xã hội. Chẳng hạn như cụm công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” và cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” đã góp phần cứu hàng nghìn người bệnh. Quan trọng là chúng ta đã ứng dụng và sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay chữa trị trên cơ thể bệnh nhân Việt Nam. Điều quan trọng là đã giảm giá thành cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Hai cụm công trình này thực sự đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân tiếp cận và được cứu chữa ở Việt Nam. 

Đối với lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” của Giáo sư Phan Huy Lê, tác giả đã đi sâu luận giải những chuyển biến trong giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XV, từ cuối Trần đến Lê sơ trên tất cả các phương diện từ kinh tế, xã hội đến chính trị, tư tưởng, văn hóa. UNESCO công nhận di sản Hoàng Thành Thăng Long nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long thì nền tảng, linh hồn, cơ sở khoa học cho việc xây dựng hồ sơ chính là nằm trong công trình của GS. Phan Huy  Lê. Đó chính là sức lan tỏa rất rộng lớn của công trình này.

Cũng như vậy, có thể kể ra những công trình/cụm công trình nghiên cứu liên quan đến giống lúa, xây dựng, giao thông,.. đều có ý nghĩa thực tiễn rất cao.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Bảo Chi – Ngũ Hiệp (thực hiện)

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner