“Đặt hàng” trong lĩnh vực KHCN là mong muốn của các nhà quản lý và cộng đồng các nhà khoa học nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới và phát triển ngành KHCN nước nhà. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi và bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. TS HỒ NGỌC LUẬT – VỤ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN BAN KH-CN ĐỊA PHƯƠNG, BỘ KH-CN đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, thời gian gần đây, cụm từ “đặt hàng” các nhà khoa học được nhắc đến nhiều và ai cũng nhận thấy cái lợi của việc này, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn?
- Để xảy ra tình trạng này, theo tôi có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, vấn đề đặt đầu bài. Cần phải trả lời được một số câu hỏi như ai đặt? Xuất phát từ nhu cầu nào? Nếu bản thân đầu bài đó xuất phát từ nhu cầu đổi mới công nghệ của một doanh nghiệp thì chắc chắn khi nghiên cứu có kết quả thì sẽ được áp dụng vào sản xuất chứ không có tình trạng cất vào ngăn kéo. Tôi lấy một ví dụ: ở một công ty dược rất lớn như Mekongphar - đổi mới công nghệ thường xuyên, khi nghiên cứu thị trường họ nhận thấy thị trường đang cần một sản phẩm dược nào đó họ sẽ đầu tư công nghệ sản xuất bằng được sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu đó. Họ bỏ tiền ra thuê các nhà khoa học trong công ty, thậm chí là các nhà khoa học đầu ngành ở bên ngoài phối hợåp làm... Khi chúng tôi hỏi người đứng đầu của công ty tại sao không đăng ký nhiệm vụ nghiên cứu này với Sở KH-CN Cần Thơ - một cơ quan nhà nước và sẽ được đầu tư kinh phí thì ông này nói, nếu đăng ký và chờ đợi một năm rưỡi sau mới được cấp kinh phí nghiên cứu thì lúc đó chúng tôi đã mất thị trường từ lâu rồi.
Qua câu chuyện trên, tôi muốn đề cập đến vấn đề về cơ chế đặt hàng và đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay chưa thông. Với cơ chế đầu tư như vậy, các đề tài nghiên cứu dễ rơi vào tình trạng khi nghiên cứu ra thì đã lạc hậu với thực tế và tình trạng các kết quả nghiên cứu chậm hoặc không được ứng dụng vào thực tế rất dễ xảy ra.
Thứ hai, đó là việc xác định nhiệm vụ, đặt hàng cũng không hề đơn giản. Ví dụ giao cho Chủ tịch tỉnh xác định một giống lúa có năng suất cao phù hợp với điều kiện của địa phương thì không thể làm được nhưng Chủ tịch tỉnh có thể tập hợp lực lượng và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị có chức năng để tìm ra một giống lúa như yêu cầu… Nhưng, theo tôi cần phải nhìn nhận vấn đề ở chỗ, cơ chế có tạo điều kiện để việc đặt hàng các đề tài có được thực hiện hay không.
Hiện nay, ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học mới chỉ dừng lại đến nghiên cứu và phát triển chứ chưa có kinh phí đầu tư cho thử nghiệm, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Nhà nước coi việc này là của khâu sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế sản xuất, kinh phí đầu tư là 10 - 100. Nếu 1 cho nghiên cứu sáng tạo thì thử nghiệm phải 10 và sản xuất phải 100. Nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều này. Chặt khúc đến đoạn đầu rồi không ai quan tâm xem nó sẽ triển khai tiếp như thế nào, có ứng dụng vào thực tế hay không nên dẫn đến tình trạng nhiều kết quả đề tài nghiên cứu bị cất vào ngăn kéo hoặc chết yểu. Vấn đề này cần phải tháo gỡ.
- Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế thì cũng phải nhìn nhận lại vấn đề chủ quan từ phía các doanh nghiệp, tổ chức đối với các nhà khoa học. Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp, tổ chức chưa có sự tin tưởng vào các nhà khoa học trong nước. Đâu đó vẫn còn tình trạng sính hàng ngoại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ý kiến đó đúng nhưng chưa trúng. Theo tôi, vấn đề này có rất nhiều lý do, có thể một phần nào đó năng lực KHCN nước ta chưa đáp ứng được 100% nhu cầu. Nhưng tôi nghĩ năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam không thiếu, nhưng cũng cần phải xem lại vấn đề là bản thân các doanh nghiệp đó có bị ép dùng công nghệ trong nước hay không hay phải nhập khẩu công nghệ nước ngoài.
Khi đứng trước việc lựa chọn nhập khẩu công nghệ nước ngoài hay thuê trong nước, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với bài toán về kinh tế. Họ phải so sánh giữa công nghệ trong nước và công nghệ nhập khẩu cả về chất lượng và giá thành. Hiện nay đang có một bài toán đặt ra là nhập khẩu công nghệ nước ngoài có khi còn rẻ hơn thuê công nghệ trong nước và hiện nay cũng chẳng có cơ chế nào hạn chế hay ngăn cấm việc nhập khẩu công nghệ. Việc này có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại gây thiệt hại không nhỏ đối với Nhà nước, không phát huy được nội lực khả năng sáng tạo trong nước mà chúng ta phải lệ thuộc và trở thành “nô lệ” của công nghệ nước ngoài.
Nhưng tại sao vẫn có nhiều công nghệ nhập ngoại như vậy? Đó là câu hỏi cần giải đáp. Mua công nghệ nước ngoài thì công nghệ đã có sẵn và họ sản xuất hàng loạt nên sẽ rẻ và chất lượng cũng tương đương, thậm chí mua công nghệ nước ngoài còn có “hoa hồng”, đó là bắt nguồn từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong khi đó, chính sách thuế của Việt Nam chưa hề có sự hạn chế việc nhập khẩu tràn lan công nghệ nước ngoài.
Vấn đề đặt ra là làm sao phải tạo được cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và các nhà khoa học tìm đến với doanh nghiệp. Nhà nước cần phải có chính sách để doanh nghiệp không bị thiệt, chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khi mua công nghệ trong nước... thì mới giải quyết được bài toán này.
- Ông có nghĩ các nhà khoa học nên chủ động giới thiệu sản phẩm nghiên cứu của mình đến với xã hội, doanh nghiệp để kết quả nghiên cứu sớm vào thực tế không, thưa ông?
- Tôi cho đây là một ý kiến rất hay. Bản thân các nhà nghiên cứu khoa học rất mạnh nhưng số các nhà khoa học có khả năng bươn chải, lao vào thực tế thì đang rất thiếu. Có nhiều nhà khoa học có nhiều thành công trong sản xuất nhưng cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp vẫn còn phảng phất, cho nên các nhà khoa học được nuôi dưỡng, lớn lên trong môi trường này khó bươn chải. Với cơ chế 115, Trung ương cũng mở thêm cửa để cho các tổ chức KHCN cũng như các nhà khoa học có điều kiện tiếp cận với thị trường, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho tổ chức, cá nhân. Nhưng trên thực tế, chỉ một số dám đi theo cơ chế này còn lại vẫn bối rối, quanh quẩn trong cơ chế cũ với ý nghĩ sợ theo cơ chế này sẽ mất nguồn tài trợ của Nhà nước. Đó là một ý nghĩ chưa đúng, Nhà nước vẫn chăm lo, quan tâm khi các đơn vị, tổ chức đi theo Nghị định 115.
Ngành KH-CN đang mong muốn ở thế hệ các nhà khoa học trẻ được sống và lớn lên trong nền kinh tế thị trường có cái nhìn mới mẻ, có sự cạnh tranh lành mạnh, sẽ tiếp nối những tri thức của thế hệ đi trước tạo nên một xu thế mới cho KHCN nước nhà.
Với Nghị quyết TƯ 6 vừa qua, quyết định về một cơ chế chính sách mới phát triển, ứng dụng KHCN để tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách đưa nước ta trở thành một nước cơ bản công nghiệp vào năm 2020 thì không con đường nào khác là phát triển KHCN, nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế tri thức.
- Xin cảm ơn ông!
Hồng - Hoàn (thực hiện)