Hoạt động đào tạo theo nhu cầu (ĐTTNC) là một trong các hình thức đào tạo hiệu quả, nhằm cung cấp tri thức tập trung, mang tính nghiệp vụ - kỹ năng, đáp ứng trực tiếp yêu cầu của đối tượng đào tạo.
ĐTTNC không phải là một hình thức mới, nhưng trên thực tế diễn ra chủ yếu trong khu vực doanh nghiệp, nhằm cung cấp các tri thức mang tính kỹ năng, nghiệp vụ. Do bản chất cung cấp các kiến thức kỹ năng-nghiệp vụ nên ĐTTNC thường là các hoạt động đào tạo ngắn hạn, có phạm vi hẹp, nội dung tương đối trọng tâm, đối tượng đào tạo tập trung.
ĐTTNC ít thấy có (xuất hiện) trong hệ thống giáo dục- đào tạo quốc dân khi đi kèm với mục tiêu phổ cập tri thức ở phạm vi rộng. Trong một môi trường khi xuất hiện các tổ chức/doanh nghiệp chuyên về nhân lực chuyên nghiệp, như các công ty cung ứng nhân lực, các công ty săn đầu người..., các khóa ĐTTNC ngày càng phát triển và xuất hiện nhiều hơn. Trên thực tế, đã có rất nhiều khóa ĐTTNC đã được các tổ chức này, hoặc phòng đào tạo- nhân sự cung cấp, thu hút rất nhiều đối tượng đào tạo tham gia, như khóa đào tạo về nghiệp vụ thuế, khóa đào tạo về nghiệp vụ đấu thầu...
Cùng với xu hướng phát triển chung, quan tâm đến hình thức ĐTTNC của xã hội, không nằm ngoài chức năng và nhiệm vụ của một Viện nghiên cứu chiến lược chính sách (NISTPASS) khuyến khích cá nhân/đơn vị trực thuộc hợp tác với các tổ chức khác để tổ chức các khóa ĐTTNC, cung cấp các tri thức thuộc lĩnh vực chuyên gia của Viện cho các đối tượng đào tạo.
Tri thức thuộc các chủ đề chuyên gia của Viện bao hàm các chủ đề về chiến lược và chính sách KH&CN, các khuôn khổ hành xử pháp lí của đối tượng chính sách (nhất là doanh nghiệp) liên quan đến hoạt động KH&CN (trong phạm vi doanh nghiệp), chủ đề về phát triển nguồn nhân lực KH&CN, về phát triển thị trường công nghệ, về cơ chế và chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN, về tổ chức và đổi mới sáng tạo trong hoạt động KH&CN, về dự báo và xây dựng chiến lược phát triển KH&CN, về kỹ năng và nghiệp vụ quản lý KH&CN...
Thông qua các hoạt động đào tạo (chủ yếu là ĐTTNC), mối quan hệ giữa tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp được xây dựng và củng cố. Doanh nghiệp, ở vị trí là đối tượng đào tạo, có thể tiếp cận nhanh nhất, trực tiếp nhất với tri thức về chiến lược và chính sách mới, hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động quản lý tại doanh nghiệp.
Trong khi đó, thông qua trao đổi và thảo luận, các chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu nắm bắt nhu cầu, yêu cầu cải cách chính sách, cũng như khó khăn từ thực tiễn hoạt động để tập hợp được những cơ sở thực tiễn cho các chính sách trong tương lai.
Với xu thế như vậy, NISTPASS đã cho phép bộ phận đào tạo của tổ chức tiến hành một số khóa ĐTTNC. Các chuyên gia giảng dạy là những người có bề dày kinh nghiệm xây dựng chính sách và kiến thức thực tiễn quản lý, đã thỏa mãn tương đối nhu cầu của đối tượng đào tạo. NISTPASS áp dụng cách tiếp cận của đánh giá 360 độ cho các khóa ĐTTNC để nhằm ngày càng hoàn thiện hình thức đào tạo này.
Đánh giá về khóa đào tạo vừa được tổ chức, các học viên cho rằng nội dung bài giảng đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của họ, tuy nhiên, phương pháp giảng bài cần hiện đại hơn, tiếp cận tốt hơn tới đối tượng nghe giảng, xây dưng tài liệu trực quan và cung cấp tài liệu học tập đó cho học viên, đi sâu hơn vào phần liên hệ với thực tế hoạt động tại qui mô doanh nghiệp. Những ý kiến đánh giá nêu ra ở đây là căn cứ để hoàn thiện nội dung và phương pháp truyền đạt tri thức trong các khóa ĐTTNC trong tương lai.