Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 20/04/2024 , 05:21 pm
Cập nhật : 18/01/2017 , 12:01(GMT +7)
Đào tạo nhân lực chất lượng cao phát triển ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam
Ngày 18/1/2017, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam đã tổ chức buổi “Gặp mặt báo chí cuối năm” nhằm thông báo kết quả hoạt động của Trung tâm và Dự án Vũ trụ Việt Nam trong năm 2016.

Trong năm 2016 vừa qua, ngoài những hoạt động như đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục nghiên cứu và chế tạo vệ tinh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Trung tâm vệ tinh Quốc gia đã củng cố, kiện toàn tổ chức và nguồn nhân lực một cách hiệu quả để phục vụ cho quá trình phát triển của ngành công nghệ vũ trụ nói chung và Trung tâm vũ trụ Việt Nam nói riêng. Cụ thể, Trung tâm đã trình, thành lập 1 đơn vị chuyên môn cấp phòng là Đài thiên văn Nha Trang nhằm thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ nói chung cũng như ngành Thiên văn học nói riêng của giới trẻ và người dân khu vực miền Trung và các tỉnh phía Nam, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 3/2017.

Đài thiên văn Nha Trang bao gồm 01 nhà chiếu hình vũ trụ với diện tích sàn khoảng 343m2 được trang bị các thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Italia trong đó có kính thiên văn robotic kích thước 0.5m, Thiết bị phân tích quang phổ có độ phân giải cao và mái vòm đường kính 9-12m….có các nhiệm vụ chính sau:Thực hiện nghiên cứu cơ bản về vật lý thiên văn quang học và phổ biến kiến thức vũ trụ cho cộng đồng; Hỗ trợ đào tạo, giảng dạy và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực Vật lý thiên văn và Vũ trụ; Hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu trong cùng lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài’ Phối hợp nghiên cứu và đào tạo với các phòng chuyên môn liên quan khác của Trung tâm Vệ tinh như Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ, Đài Thiên văn tại Hòa Lạc.

Hiện nay công tác lắp đặt thiết bị đang được khẩn trương tiến hành nhằm hoàn thiện trước tết nguyên đán 2017. Khi đi vào hoạt động, Đài Thiên Văn Nha Trang với nhà chiếu hình vũ trụ có sức chứa khổng lồ, phục vụ người dân đặc biệt là sinh viên, thế hệ trẻ tham quan. Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cũng dự kiến đưa Đài Thiên Văn vào các tour tham quan của du khách đến du lịch tại thành phố biển Nha Trang.

Ngoài ra, trong năm 2016 Trung tâm vệ tinh Quốc gia cũng tích cực, chủ động trong việc xây dựng và hoàn thiện Bảo tàng vũ trụ tầm cỡ quốc gia đạt tiêu chuẩn hiện đại, tiên tiến, tiêu biểu và mang bản sắc Việt Nam nhằm mục đích quảng bá, phổ biến kiến thức cũng như tầm quan trọng của khoa học - công nghệ vũ trụ tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Được biết, khi đi vào hoạt động, bảo tàng là nơi giới thiệu trực quan sinh động về lịch sử vũ trụ và khoa học vũ trụ của thế giới và Việt Nam, góp phần nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân về vũ trụ và vai trò của vũ trụ đối với cuộc sống của con người. Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam sẽ quảng bá sự tiến bộ và những nỗ lực của Việt Nam trong công nghệ vũ trụ. Đây sẽ là điểm tham quan lý tưởng cho du khách để tìm hiểu nhiều hơn về những thay đổi của ngành vũ trụ thế giới và Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Trong bảo tàng vũ trụ sẽ trưng bày các mô hình vũ trụ, vệ tinh, những công trình nghiên cứu, phát minh về khoa học vũ trụ, mảnh thiên thạch..... Ngoài ra, Bảo tàng còn kết nối với đài thiên văn, nhà chiếu hình vũ trụ để phục vụ các hoạt động khám phá trải nghiệm của công chúng. Bàng tàng dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018.

Cũng trong năm 2016, việc xây dựng và các công tác chuẩn bị cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đi vào hoạt động cũng được Trung tâm Vệ tinh Quốc gia triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Theo đó, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được xây dựng phục vụ cả 3 lĩnh vực công nghệ vệ tinh, ứng dụng và khoa học vũ trụ với 4 cơ sở hạ tầng tại Hòa Lạc, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang. Với hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ, sau khi đi vào hoạt động Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ trở thành một Trung tâm khoa học và công nghệ hiện đại của đất nước và là Trung tâm vũ trụ hàng đầu ASEAN với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu Đông Nam Á đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ chuyển giao công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất sử dụng công nghệ cảm biến radar có độ phân giải cao, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ứng dụng trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu; tiến tới làm chủ công nghệ để tự sản xuất vệ tinh quan sát trái đất.

Để thực hiện những công việc trên, PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm vệ tinh Quốc gia cho biết: “Trung tâm đã và đang tiến hành đào tạo nguôn nhân lực chất lượng cao cho ngành này, dự kiến sẽ có khoảng 250 cán bộ trẻ được đào tạo bài bản trong nước và ngoài nước. Đây là đội ngũ ban đầu cho việc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam”.

Hiện đội ngũ kỹ sư ngành công nghệ vũ trụ củaTrung tâm đang tiến hành chế tạo hai vệ tinh là Micro Dragon sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2017. Dự kiến vào đầu năm 2018, vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo. Vệ tinh NanoDragon đang được chuẩn bị để triển khai trong vòng 3 năm (2017-2019), có khối lượng từ 4 đến 6 kg với nhiệm vụ chính là xác định vị trí tàu biển ứng dụng hệ thống tự động nhận diện tàu thủy AIS. Đây là dự án dự kiến được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí từ Chương trình Khoa học và Công nghệ vũ trụ cấp Nhà nước. Trước đó, vệ tinh VNREDSat-1 cũng đã được các kỹ sư này nghiên cứu, chế tạo và phóng lên vũ trụ thành công.

Sau vệ tinh Micro Dragon và NanoDragon, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh rađa LOTUSat-1 vào năm 2019, LOTUSat-2 vào năm 2022. Đây là hợp phần quan trọng trong dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia, không chỉ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm nhờ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hai vệ tinh là minh chứng cho việc Việt Nam làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh.

Để tiếp tục thực hiện các công việc này, trước đó vào ngày 5/1/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt chủ trương bổ sung vốn vay ODA của Nhật Bản tài khóa 2016 cho “Dự án Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất”. Dự án được thực hiện từ năm 2012 đến 2023 với hạn mức vốn vay tài khóa 2016 là 30 tỷ yên nhằm nâng cấp và thiết lập hệ thống cảnh báo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai; quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng Trung tâm Vũ trụ quốc gia; phát triển và chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh quan sát trái đất.

“Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” có nguồn đầu tư 54 tỷ Yên từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là một trong những dự án quan trọng thuộc Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam.

Trong năm 2017, ngoài việc tiếp tục phát triển tổ chức và đội ngũ, hoàn thiện hạ tầng làm việc, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo, tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế, theo kế hoạch, năm 2017 Trung tâm vệ tinh Quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch 2017-2022.

Tin, ảnh: MH






Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner