Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 06/11/2024 , 06:06 am
Cập nhật : 16/07/2014 , 08:07(GMT +7)
Đánh thức tiềm năng Tây Bắc
Tây Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển
Tại Hội thảo Khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc do Bộ KH - CN tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời tăng cường sự phối hợp, sẻ chia trách nhiệm giữa các nhà khoa học và địa phương là giải pháp then chốt đánh thức những tiềm năng Tây Bắc.

Bảo đảm chất lượng nghiên cứu

Là một trong những chương trình KHCN cấp quốc gia, mới chính thức được triển khai từ năm 2013 nhưng đến nay, Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) đã thực hiện được 878 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 423 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 123 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, 232 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, 71 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học y dược và 29 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Chưa dừng lại ở đó, chương trình còn tiếp tục nhận được gần 100 đề xuất, đặt hàng nghiên cứu của các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên, điều mà nhiều chuyên gia băn khoăn là chất lượng khoa học và mức độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các đề tài nghiên cứu này. Bởi lẽ, với bất cứ chương trình KHCN trọng điểm nào, việc bảo đảm tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu là điều vô cùng quan trọng. Xác định được mục tiêu cốt lõi ấy, PGs.Ts  Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết, để lựa chọn được những đề tài, dự án bảo đảm tính thiết thực, khả thi, hiệu quả, không ít chương trình tư vấn đã được tổ chức với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương đồng thời thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của Hội đồng Tư vấn và các chuyên gia.

Mặc dù các nhiệm vụ khoa học trong Chương trình Tây Bắc được đánh giá là bám sát với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương song theo nhiều chuyên gia, nếu không tiếp cận thực tế, không có trải nghiệm thì hiệu quả phát triển bền vững vùng Tây Bắc khó đạt được. Điều đó không chỉ đòi hỏi những nhiệm vụ nghiên cứu phải xác định rõ ràng, cụ thể địa chỉ chuyển giao, ứng dụng hay sản phẩm đưa vào ứng dụng mà còn cần sự ủng hộ, phối hợp của các địa phương.

Không ít địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ KHCN trong đó ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, như tỉnh Bắc Kạn. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Văn Chí cho biết, một số sản phẩm của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ như Chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt; Quýt Bắc Kạn; gạo Bao Thai Chợ Đồn; Miến dong Bắc Kạn. Tỉnh cũng triển khai các dự án nhằm duy trì và phát huy một số vật nuôi bản địa như ngan, gà của đồng bào Mông; công nghệ nuôi cấy invitro để nhân giống cây khoai môn phục vụ sản xuất; dự án chăn nuôi lợn bán hoang dã tại thị xã Bắc Kạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Nâng cao hiệu quả chương trình

Tại Hội nghị Giao ban KHCN các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc lần thứ XV, đa số đại biểu đánh giá rằng, hoạt động KHCN vùng Tây Bắc giai đoạn 2012 - 2014 tuy đạt nhiều kết quả khích lệ, song vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết để Chương trình Tây Bắc thực sự phát huy hiệu quả và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Một số chuyên gia cho rằng, nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn phát triển vùng Tây Bắc vẫn chưa được bao quát hết. Đơn cử như vấn đề tiết kiệm nước cho cây trồng và cho sinh hoạt của người dân hay bảo quản nông - lâm sản sau thu hoạch. Đại diện Sở KHCN các địa phương cũng đã trao đổi và đưa ra nhiều đề xuất đặt hàng như cần có đầu tư cho phát triển các giống cá hồi, cá tầm trên vùng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu; điều tra khoa học nguồn gene cây thuốc tự nhiên…

Song, để tránh tình trạng trùng lặp các sản phẩm từ các địa phương, PGs.Ts Phùng Xuân Nhạ cho rằng, 14 tỉnh Tây Bắc và vùng phụ cận có nhiều điểm chung nên các địa phương cần trao đổi, chia sẻ, tích hợp các đề xuất để triển khai hiệu quả chương trình. Ngoài ra, cần tập trung vào các nhiệm vụ KHCN phòng tránh, giảm thiểu tác hại của tai biến thiên nhiên. Mỗi địa phương nên chọn từ một đến ba nhóm vấn đề nghiên cứu có tính ứng dụng hiệu quả làm mô hình điểm, từ đó nhân rộng, góp phần nâng cao tiến bộ KHCN trong phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc chia sẻ trách nhiệm giữa nhà khoa học và địa phương, Ts Phùng Xuân Nhạ cho biết, chương trình sẽ tiếp tục kiện toàn mạng lưới kết nối cơ sở với các nhà khoa học. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tiếp tục đề xuất nhiệm vụ, tư vấn lựa chọn đề tài đồng thời tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án nghiên cứu có tầm vùng nhằm thu hút tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Để bảo đảm chương trình được triển khai có hiệu quả, Cục Sở hữu trí tuệ cũng cần hỗ trợ và hướng dẫn địa phương trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý; nâng cao tỷ lệ các đề tài, dự án được thực hiện và nhân rộng vào thực tế đời sống; tăng cường sự phối hợp giữa UBND tỉnh và Bộ KH-CN mà đầu mối là các sở KHCN và đơn vị chức năng trong Bộ.

Về mục tiêu và định hướng hoạt động của Chương trình trong những giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, Chương trình cần tập trung triển khai đồng bộ các chủ trương định hướng, chính sách pháp luật như Nghị quyết TƯ 6 về phát triển KHCN; Luật KH-CN năm 2013 hay các văn bản khác về  sử dụng hiệu quả cơ chế quỹ tại địa phương.

Ngày 28.6.2013, Bộ trưởng Bộ KH-CN ký Quyết định số 1746/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc). ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì Chương trình.

Mục tiêu của Chương trình là: cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc; xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù các tiểu vùng liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của các đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc; đề xuất, chuyển giao các giải pháp KHCN phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp…

 

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner