Ngày 2/11, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện Dự án “Đánh giá thực trạng tình hình đầu tư cho đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp Việt Nam” do ThS Trần Thị Hồng Minh - Ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường làm chủ nhiệm.
Tại Hội thảo, ThS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, số liệu khảo sát thực trạng tình hình đầu tư cho đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp được Dự án triển khai tại 3 tỉnh gồm Thái Nguyên, Quảng Ninh và Bắc Ninh với trên 357 doanh nghiệp.
Theo đó, có gần 40% doanh nghiệp có đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ nhằm bảo vệ môi trường, trong đó chỉ có 13% doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Nguồn vốn huy động để đầu tư cho đổi mới công nghệ chủ yếu vẫn là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và không nhiều doanh nghiệp được khảo sát có ý định đổi mới công nghệ trong 5 năm tới… Nguyên nhân của tình trạng trên là do doanh nghiệp không có thông tin (36,56%), công nghệ phức tạp khó ứng dụng (5,38%), chi phí ban đầu quá lớn (46,24%), thiếu nguồn nhân lực trình độ cao (9,5%)…
Dự án cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp gồm: nhóm chính sách định hướng và đẩy mạnh ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ; nhóm chính sách về nâng cao nhận thức của doanh nghiệp; nhóm chính sách về tài chính cho đầu tư đổi mới công nghệ…
Tán đồng với những kết quả mà Dự án đã đạt được, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đóng góp thêm một số ý kiến cũng như luận cứ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết của Dự án và hy vọng các kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách tham khảo nhằm có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ để phát triển bền vững.
Tin và ảnh: Xuân Diện