Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 01/11/2024 , 08:35 pm
Cập nhật : 09/08/2021 , 10:08(GMT +7)
Đánh giá - công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển các tổ chức Khoa học và Công nghệ
Bài viết nghiên cứu về công cụ đánh giá giúp cho tổ chức nhận ra những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần cải thiện để nâng cao năng suất hoạt động bằng cách sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng quản lý tổ chức và xác định rõ kết quả hoạt động cần hướng tới, đo mức độ thành công và cung cấp định hướng chỉ đạo những cố gắng trong tương lai của tổ chức. Mặt khác, việc đánh giá các tổ chức có thể là biện pháp thiết thực nhất trong thời điểm hiện nay - đây là biện pháp “tự nhiên” để tạo áp lực cạnh tranh vươn lên nhằm thu hút tài trợ hơn nữa và phát triển danh tiếng cho cả tổ chức và cá nhân trong cộng đồng nghiên cứu.

 1. Đặt vấn đề

Đánh giá tổ chức là việc phân tích một cách hệ thống hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), điểm mạnh và điểm yếu, lợi ích mà các tổ chức mang lại cho nền kinh tế, xã hội và tổ chức nào hoạt động hiệu quả nhất. Việc đánh giá sẽ giúp xếp hạng các tổ chức, xác định các khả năng cải tiến và tối đa hóa lợi ích của KH&CN đối với nền kinh tế và xã hội. Ngoài ra, đánh giá còn giúp cho các cơ quan quản lý biết được kinh phí cấp cho hoạt động KH&CN của các tổ chức có được sử dụng hiệu quả hay không. Liệu rằng các tổ chức đã tạo ra các công nghệ mới và đã chuyển giao một cách hiệu quả cho những người sử dụng không. Kết quả đầu ra của các tổ chức có tương xứng với nguồn lực đầu vào và phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức? Hay tổ chức nào cần phải phân bổ kinh phí nhiều hơn, vì họ thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển tốt? Tổ chức nào cần phải cải thiện chiến lược và phương thức hoạt động của mình để trở thành những tổ chức nghiên cứu hoạt động tốt hơn,…

2. Công tác đánh giá tổ chức KH&CN trên thế giới

Với vai trò của công tác đánh giá trong sự thúc đẩy phát triển các tổ chức KH&CN, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng và phát triển việc thực hiện đánh giá tổ chức KH&CN. Một số quốc gia điển hình về đánh giá tổ chức KH&CN như sau:

Tại Hoa Kỳ, một đất nước có nền KH&CN phát triển hàng đầu thế giới, trong các năm qua đã công bố nhiều kết quả đánh giá tổ chức KH&CN. Việc đánh giá đó đã dần làm cho hệ thống các tổ chức KH&CN thực sự phát triển, hoàn thiện. Kinh nghiệm của họ là khi đánh giá các tổ chức nghiên cứu cơ bản, họ nhắm tới mục tiêu là đưa các tổ chức này hoạt động ở tầm hàng đầu thế giới, đạt những thành tựu dẫn đầu thế giới. Những cơ sở lý luận và thực tiễn đánh giá nghiên cứu khoa học cơ bản đã được triển khai dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khoa học cơ bản thuộc Hội đồng KH&CN Quốc gia - NSTC và áp dụng bộ luật GPRA - Government Performance and Results Act ban hành năm 1993. Đến năm 2010, Đạo luật hiện đại hóa GPRA ra đời, về cơ bản là sửa đổi Đạo luật kết quả và hiệu suất của chính phủ năm 1993. Mục đích chính của nó là đảm bảo sử dụng tốt hơn các kế hoạch và thông tin thực hiện được ủy quyền của GPRA trong quản lý liên tục của các cơ quan và chương trình liên bang [1].

Tại CHLB Đức, việc đánh giá tổ chức KH&CN được thực thi một cách thường xuyên và khá bài bản, với mục tiêu là thường xuyên cải tiến cơ cấu của hệ thống các tổ chức KH&CN, nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động nghiên cứu nhằm đạt tới các mục tiêu quốc gia về phát triển KH&CN. CHLB Đức cũng là điển hình về sự đa dạng về phương pháp đánh giá, các tiêu chí và mục tiêu đánh giá. Tất cả các viện nghiên cứu lớn được Chính phủ cấp kinh phí đều phải đánh giá thường xuyên và lựa chọn phương pháp đánh giá riêng cho mình. Tiêu chí đánh giá được điều chỉnh tùy thuộc vào loại hình nghiên cứu. Hội đồng khoa học và nhân văn (Wissenschaftsrat) là một bộ phận tư vấn cho Chính phủ CHLB Đức và chính phủ các bang (Länder). Hội đồng này thực hiện việc phân tích và đề xuất các khuyến nghị về khả năng cạnh tranh và định hướng phát triển của các tổ chức nghiên cứu và trường đại học, của hệ thống khoa  học ở CHLB Đức. Những phân tích này bao gồm kết quả đánh giá những viện nghiên cứu khác nhau, xếp hạng nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị cho các phương pháp luận đánh giá được áp dụng trong KHCN [2].

Tại Trung Quốc, luôn khuyến khích việc nghiên cứu, cập nhật các mô hình đánh giá tổ chức KH&CN phù hợp để thúc đẩy các tổ chức này phát triển nhanh và mạnh mẽ qua các giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, mục đích, nội dung, các tiêu chí, chỉ số và phương pháp cũng như quy trình đánh giá cụ thể của mô hình đánh giá sẽ được điều chỉnh tương thích với bối cảnh phát triển của tổ chức. Để đáp ứng được yêu cầu của thực tế trong nước, việc đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ làm công tác hỗ trợ phương pháp luận đánh giá ở Trung Quốc là việc làm thường niên và được chú trọng. Các cán bộ này được đào tạo tại nhiều nước phát triển có truyền thống tốt về thực hành đánh giá. Trung tâm Đánh giá KH&CN Quốc gia (NCSTE) do Bộ KH&CN thành lập năm 1994, là cơ quan chuyên môn đánh giá về KH&CN cấp quốc gia, nghiên cứu cải tiến mô hình đánh giá phù hợp với điều kiện trong nước và xu thế phát triển của quốc tế [3], [4].

Tại Hàn Quốc, cũng đã nghiên cứu và thực thi một số mô hình đánh giá tổ chức KH&CN để thúc đẩy cạnh tranh nhằm phát triển những tổ chức KH&CN đủ tầm giúp khẳng định vai trò của KH&CN trong việc nâng tầm phát triển quốc gia. Viện Đánh giá và Lập kế hoạch KH&CN Hàn Quốc (KISTEP) được thành lập năm 1998, có chức năng lập kế hoạch và tổ chức điều tra, phân tích đánh giá các chương trình R&D quốc gia [5]. KISTEP thực hiện phân tích xu hướng trong tương lai, tầm nhìn xa về công nghệ, đánh giá trình độ công nghệ, đánh giá công nghệ và xây dựng hệ thống phân loại KH&CN tiêu chuẩn quốc gia. Kể từ năm 2006, Hàn Quốc giới thiệu một hệ thống đánh giá viện nghiên cứu Chính phủ dựa trên hiệu quả hoạt động, theo đó việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, công tác quản lý của mỗi viện đều được đánh giá. Việc cấp kinh phí hoạt động cho các viện có thể tăng hoặc giảm dựa trên kết quả của những đánh giá này, và các viện nghiên cứu Chính phủ được phân loại thành 3 - 4 nhóm theo lĩnh vực nghiên cứu.

Nhìn chung, việc đánh giá các tổ chức nghiên cứu công luôn là phần không thể thiếu trong quy trình quản lý KH&CN của các nước. Trong bối cảnh KH&CN cụ thể có sự khác nhau, mà các nước có sự lựa chọn phương án đánh giá riêng. Hai phương pháp phổ biến được sử dụng là phương pháp sử dụng chuyên gia cùng ngành (peer-review) và sử dụng hệ thống chỉ số đánh giá.

Đối với tất cả các nước, việc đánh giá KH&CN nói chung, đánh giá các tổ chức nghiên cứu và phát triển nói riêng đòi hỏi phải có một tổ chức chuyên nghiệp với đội ngũ cán bộ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về phương pháp luận đánh giá. Đồng thời, cũng cần phải nâng cao nhận thức về đánh giá KH&CN cho các đối tượng có liên quan như là: các nhà quản lý KH&CN; các nhà lãnh đạo của các tổ chức nghiên cứu và phát triển; các nhà nghiên cứu đang tham gia hoạt động trong các tổ chức nghiên cứu và phát triển; và đặc biệt là các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ - người mà sẽ là các chuyên gia đánh giá trực tiếp tham gia vào hoạt động đánh giá KH&CN. Chính vì thế, các nước rất chú trọng việc đào tạo, tập huấn dưới mọi hình thức nhằm liên tục nâng cao trình độ cho các cán bộ tham gia công tác đánh giá KH&CN.

3. Công tác đánh giá tổ chức KH&CN tại Việt Nam

Học tập kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cũng ngày càng chú trọng vào công tác đánh giá, coi đánh giá như là một công cụ hữu hiệu phục vụ công tác quản lý nhằm hỗ trợ phát triển các tổ chức KH&CN. Năm 2009, Việt Nam cũng đã thành lập tổ chức công lập có chức năng thực hiện công tác đánh giá tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ KH&CN - Trung tâm Hỗ trợ đánh giá KH&CN (năm 2011, Trung tâm được phát triển thành Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - gọi tắt là Viện Đánh giá). Đồng thời, cũng hình thành cơ sở pháp lý cho việc thực hiện công tác này. Cụ thể tại Điều 16 và 17 của Luật KH&CN số 29/2013/QH13 yêu cầu các tổ chức KH&CN, trong đó bao gồm cả các tổ chức nghiên cứu cần phải được đánh giá [6]. Để thực hiện các yêu cầu trong Luật, cần phải triển khai các nội dung cần thiết như: (1) xây dựng phương pháp luận đánh giá phù hợp để áp dụng đánh giá các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam; (2) xây dựng năng lực và tiềm lực đánh giá cần thiết để thực hiện đánh giá; (3) sự hỗ trợ và hợp tác của tất cả các bên liên quan trong hệ thống KH&CN như: các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các tổ chức chuyển giao và khai thác các công nghệ mới,…

Nhằm thực hiện được các nội dung trên, trong những năm gần đây, có nhiều nghiên cứu về công tác đánh giá để hỗ trợ quản lý và phát triển các tổ chức KH&CN. Một số nghiên cứu điển hình như sau:

- Dự án VISION “Đánh giá hệ thống KH&CN của Việt Nam” do Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN phối hợp với các chuyên gia Viện Nghiên cứu Hệ thống sản xuất và Công nghệ thiết kế Fraunhofer (Fraunhofer Institute for Production Systems and Design Technology - IPK) thực hiện năm 2004-2005 [7]. Mục tiêu của dự án là phân tích và đánh giá hệ thống KH&CN với việc xem xét mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của hệ thống. Dự án gồm 3 nội dung chính: 1) Phân tích nhu cầu của khu vực công nghiệp đối với khoa học và công nghệ; 2) Đánh giá kết quả hoạt động KH&CN hiện tại - đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu trong các trường đại học và không thuộc đại học; 3) Đề xuất nguyên tắc thiết kế để cấu trúc lại hệ thống KH&CN.

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho việc lập kế hoạch KH&CN 5 năm của Việt Nam” do Viện Đánh giá phối hợp với Viện Chính sách KH&CN Hàn Quốc - STEPI thực hiện từ năm 2007-2008. Kết quả của dự án là báo cáo phân tích một số vấn đề về Hệ thống đổi mới của Việt Nam, những kiến nghị về chiến lược KH&CN gắn với kinh tế, đề xuất khung kế hoạch KH&CN 5 năm, chiến lược xây dựng các chỉ số KH&CN cho Việt Nam [8].

Nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư "Nghiên cứu kinh nghiệm Trung Quốc trong công tác xây dựng hệ thống đánh giá KH&CN và đề xuất áp dụng cho Việt Nam" do Viện Đánh giá phối hợp với Trung tâm Đánh giá KH&CN Quốc gia Trung Quốc, Viện Chính sách và Quản lý (IPM) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) thực hiện từ năm 2008 - Kết quả của nhiệm vụ là: 1) Xây dựng mô hình triển khai công tác đánh giá KH&CN của Việt Nam; 2) Xây dựng khung chính sách và nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đánh giá KH&CN của Việt Nam; 3) Xây dựng năng lực đánh giá cho Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế [4].

Nhiệm vụ “Điều tra khảo sát và phân tích hiện trạng hoạt động của một số loại hình tổ chức KH&CN" do Viện Đánh giá thực hiện từ năm 2010. Nhiệm vụ này đã thống kê, phân tích về các loại hình tổ chức KH&CN ở Việt Nam. Đây cũng là một phần dữ liệu đầu vào cho nhiều mục tiêu phục vụ quản lý, trong đó có việc đánh giá tổ chức KH&CN [9].

Từ năm 2011 đến năm 2014, một số nhiệm vụ nghiên cứu về phương pháp luận đánh giá tổ chức KH&CN và đề xuất phương án đánh giá phù hợp với Việt Nam được Viện Đánh giá chủ trì thực hiện: Nhiệm vụ hợp tác quốc tế với CHLB Đức “Nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của CHLB Đức để nâng cao năng lực đánh giá các tổ chức và hoạt động KH&CN ở Việt Nam” [2]. Kết quả nghiên cứu đã được áp dụng để đánh giá một số tổ chức nghiên cứu và một số phòng thí nghiệm trọng điểm, được sử dụng để xây dựng Khung đánh giá lựa chọn tổ chức KH&CN để trao tài trợ trong hợp phần “Hỗ trợ cải cách các tổ chức KH&CN công lập và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp”thuộc Dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được sử dụng làm tài liệu tham khảo để xây dựng Thông tư hướng dẫn đánh giá tổ chức KH&CN của Bộ KH&CN và là tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý KH&CN, các tổ chức KH&CN, các tổ chức đánh giá KH&CN, chương trình đào tạo về quản lý KH&CN; Nhiệm vụ “Nghiên cứu phương pháp và tiêu chí đánh giá hoạt động nghiên cứu trong trường đại học và hoàn thiện hướng dẫn đánh giá các loại hình tổ chức KH&CN phục vụ việc hướng dẫn thi hành Luật KH&CN (sửa đổi)”. Kết quả nghiên cứu của đề tài phục vụ việc xây dựng Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN ngày 16/12/2014 của Bộ KH&CN quy định về đánh giá tổ chức KH&CN ở Việt Nam (Thông tư số 38). Đây là cơ sở pháp lý và là công cụ quan trọng cho việc thực hiện đánh giá các tổ chức nghiên cứu và phát triển [10].

Từ năm 2015 đến năm 2019, áp dụng Thông tư số 38, Bộ KH&CN đã giao cho Viện Đánh giá đã chủ trì nhiều nhiệm vụ đánh giá thực tế như: Đánh giá một số tổ chức KH&CN trong lĩnh vực khoa học vật liệu; Đánh giá một số tổ chức KH&CN thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học phục vụ quy hoạch thành tổ chức công nghệ sinh học quốc gia; Đánh giá một số tổ chức KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Đánh giá một số tổ chức KH&CN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phục vụ quy hoạch đầu tư phát triển thành tổ chức KH&CN tiên tiến; Xây dựng cơ sở dữ liệu hình thành phần mềm phục vụ công tác đánh giá tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam.

Tiếp nối thành công của các nhiệm vụ về đánh giá tổ chức KH&CN, được sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT, năm 2020, Viện Đánh giá tiếp tục được 2 Bộ giao thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng phương án và giải pháp đánh giá một số tổ chức KH&CN thuộc Bộ NN&PTNT phục vụ việc phát triển tổ chức KH&CN mạnh trong ngành nông nghiệp”. Nhiệm vụ này nhằm thực hiện một nội dung hợp tác quan trọng giữa 2 Bộ được đề ra tại Chương trình phối hợp số 4672/CTPH-BKHCN-BNNPTNT ngày 11/11/2016 “Lựa chọn, xây dựng và phát triển một số tổ chức KH&CN thuộc Bộ NN&PTNT thành tổ chức KH&CN mạnh, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia thuộc ngành nông nghiệp” [11].

Dựa trên các quy định tại Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 về đánh giá hoạt động và chất lượng dịch vụ của tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN [12] (Thông tư sửa đổi và thay thế Thông tư số 38), nhiệm vụ đã nghiên cứu xây dựng phương án và giải pháp đánh giá phù hợp với đặc trưng hoạt động của một số tổ tổ chức KH&CN thuộc Bộ NN&PTNT. Thông qua kết quả đánh giá, nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho một số tổ chức KH&CN thuộc Bộ NN&PTNT để đầu tư phát triển thành tổ chức KH&CN mạnh trong ngành nông nghiệp.

4. Kết luận

Có thể thấy rằng, đánh giá là công cụ hữu hiệu được nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam sử dụng để thúc đẩy các tổ chức KH&CN phát triển tốt hơn. Bởi vì, kết quả đánh giá không chỉ mang lại lợi ích cho tổ chức được đánh giá mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các đối tượng liên quan, cụ thể như sau:

Đối với các nhà hoạch định chính sách phát triển KH&CN: Đánh giá là mắt xích quan trọng trong quy trình quản lý, đó là căn cứ quan trọng đối với việc phân bổ các nguồn lực ngày càng hiệu quả hơn;

Đối với bản thân các tổ chức: Việc đánh giá cũng là việc xác định những kỳ vọng phát triển tổ chức trong tương lai, đồng thời, cung cấp thông tin đầu vào cho việc ra quyết định hoàn thiện tổ chức từ những bài học rút ra trong quá khứ. Nói cách khác, việc đánh giá giúp cho tổ chức nhận ra những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần cải thiện để nâng cao năng suất hoạt động bằng cách sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng quản lý tổ chức và xác định rõ kết quả hoạt động cần hướng tới, đo mức độ thành công và cung cấp định hướng chỉ đạo những cố gắng trong tương lai của tổ chức. Mặt khác, việc đánh giá các tổ chức có thể là biện pháp thiết thực nhất trong thời điểm hiện nay - đây là biện pháp “tự nhiên” để tạo áp lực cạnh tranh vươn lên nhằm thu hút tài trợ hơn nữa và phát triển danh tiếng cho cả tổ chức và cá nhân trong cộng đồng nghiên cứu.

Đối với công chúng: Cũng như các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu, công chúng cũng rất quan tâm và đặt các câu hỏi: Hiệu quả của việc đầu tư cho nghiên cứu đến đâu? Những tổ chức nào, ở lĩnh vực nào được đứng thứ hạng cao trong hệ thống tổ chức nghiên cứu?… Đến nay, những câu hỏi đó vẫn chưa được trả lời một cách rõ ràng. Do đó, việc đánh giá và công bố kết quả đánh giá mỗi giai đoạn hoạt động là điều rất cần thiết.

ThS. NGUYỄN THỊ HÀ -  ThS. PHẠM QUỲNH ANH (Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ)

Nguồn tin: Tạp chí Công Thương

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner