Không chỉ là một thiên tài quân sự, một huyền thoại của thế kỷ 20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người đặt nền móng cho khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam, là nhà hoạch định chiến lược KH&CN trong tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam ở vào giai đoạn nhiều khó khăn.
Tầm nhìn chiến lược về khoa học và kỹ thuật
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, có thể nói cả thế giới đều biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà khoa học quân sự lỗi lạc, một vị tướng rất tài ba nhưng không nhiều người biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà hoạch định chiến lược cho phát triển KH&CN Việt Nam. Trong cuộc đời của Đại tướng đã có 2 giai đoạn gắn bó trực tiếp với sự phát triển KH&CN của đất nước. Đó là giai đoạn từ tháng 7/1960 đến tháng 1/1963, Đại tướng trực tiếp làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay). Sau đó, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, suốt 15 năm (1976 – 1991), Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ phân công Đại tướng trực tiếp chỉ đạo công tác khoa học và kỹ thuật (KH&KT). Đây thực sự là nhiệm vụ nặng nề bởi nền KH&KT nước ta khi đó quy mô nhỏ bé, phân tán, chủ yếu phục vụ chiến trường.
Với kiến thức uyên bác, luôn có tầm nhìn chiến lược, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú trong quân đội Đại tướng đã có cách làm việc, vừa nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm của thế giới vừa tập hợp được trí tuệ của các nhà khoa học trong nước để làm giàu trí tuệ cho mình. Giáo sư, viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Đại tướng cho rằng việc đầu tiên phải làm thế nào để tập hợp được lực lượng khoa học, xây dựng nền khoa học từ chỗ phân tán, tự phát phải thành một nền khoa học có tổ chức, định hướng vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Gần 3 năm (1960 – 1963) dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy ban Khoa học Nhà nước đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức triển khai các hoạt động KH&KT với nhiều đột phá và thành tựu. Cụ thể, đã xây dựng chương trình phát triển KH&KT dài hạn (15 năm) và kế hoạch KH&KT 5 năm (1961-1965) nhằm phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đầu tiên của Nhà nước và chuẩn bị phục vụ một phần cho kế hoạch tiếp theo. Ủy ban đã căn cứ vào các đặc điểm của miền Bắc và yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh, quốc phòng, đấu tranh thống nhất nước nhà để đề nghị những phương châm phát triển KH&KT, những nhiệm vụ lớn về nghiên cứu và phát triển tiềm lực KH&KT trong 15 năm tới. Trong đó, đề cao phương châm kết hợp trước mắt với lâu dài trong phát triển KH&KT.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước Võ Nguyên Giáp đã luôn đề cao việc gắn kết kế hoạch KH&KT với kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các dự án phát triển KH&KT dài hạn và 5 năm 1961 – 1965 được Ủy ban đưa sang Liên Xô để tham khảo ý kiến của Ủy ban KH&KT, một số Viện Hàn lâm của Liên Xô và được hoàn thiện sau đó. Trên cơ sở chương trình dài hạn và kế hoạch 5 năm đó, Ủy ban đã hướng dẫn xây dựng, theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch KH&KT hàng năm một cách đều đặn, trong đó Ủy ban tổ chức thực hiện một số công tác điều tra nghiên cứu quan trọng.
Đặc biệt, trong 15 năm (1976 – 1991) chỉ đạo công tác KH&KT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đại tướng đã để lại những dấu ấn đặc biệt quan trọng. Có thể điểm lại một số thành tựu và đóng góp cụ thể như: Nghiên cứu cách mạng KH&KT thế giới và đề xuất triển khai cách mạng KH&KT ở Việt Nam như một cuộc cách mạng then chốt. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, tháng 12/1976, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày báo cáo quan trọng “Cách mạng khoa học và kỹ thuật ở nước ta” với luận điểm về 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng KH&KT là then chốt.
Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng dự thảo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về chính sách KH&KT, được ban hành ngày 30/4/1981. Chính sách KH&KT là một hệ thống các nhiệm vụ và mục tiêu, phương châm, nguyên tắc và phương hướng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, KH&KT, khoa học xã hội nhằm thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Chính sách cũng đề cập tới các biện pháp phát triển tiềm lực KH&KT, tăng cường hợp tác quốc tế, cải tiến tổ chức, quản lý hoạt động KH&KT. Đây được coi là Nghị quyết đầu tiên về KH&KT của nước ta.
Đại tướng với những ý tưởng vượt thời đại
Khi chúng ta còn đang trong nền kinh tế kế hoạch hóa, rất nhiều khó khăn, thiếu thông tin nhưng những ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đã luôn đi trước thời đại. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn đang thực hiện những ý tưởng đó, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Để khắc phục tình trạnh manh mún, dàn trải trong nghiên cứu, cho phép huy động lực lượng nghiên cứu tập trung giải quyết các vấn đề khoa học lớn, liên ngành của đất nước, Đại tướng đã chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương. Các chương trình điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội tại các vùng lãnh thổ trọng yếu của đất nước phục vụ phân vùng, quy hoạch và phân bổ lực lượng sản xuất (như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các vùng duyên hải và thềm lục địa) cũng đã được thúc đẩy triển khai.
Đại tướng cũng là người đầu tiên thúc đẩy hoạt động sáng tạo của quần chúng nhân dân. Đại tướng đã luôn đề cao việc gắn kế hoạch KH&KT với kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, đã đẩy mạnh triển khai hoạt động nghiên cứu ứng dụng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của sản xuất, đời sống song song với việc điều tra cơ bản phục vụ quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ.
Một số công tác điều tra nghiên cứu, thí nghiệm của kế hoạch KH&KT đã thu được kết quả đáng kể, đã hoàn thành điều tra tổng hợp vùng biển Vịnh Bắc bộ, phân vùng địa lý tự nhiên miền Bắc Việt Nam, lập bản đồ dân số và dân tộc của từng tỉnh, thành phố và toàn miền Bắc, đo đạc mạng lưới trắc địa hạng I, hạng II và chụp ảnh địa hình miền Bắc bằng máy bay,…
Thời kỳ này, nhiều nghiên cứu liên quan đến công tác bảo vệ thiên nhiên cũng đã được triển khai như nghiên cứu thí nghiệm chống xói mòn, sử dụng hợp lý, phục hồi tài nguyên thiên nhiên,…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người đặt nền móng cho ngành khoa học vũ trụ của Việt Nam. Ảnh: NH (chụp từ phim tư liệu, trong ảnh: Anh hùng Phạm Tuân, người Châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1980).
Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật rộng rãi trong quần chúng với Chỉ thị 320-TTg ngày 15/12/1960. Đồng thời đẩy mạnh công tác phổ biến KH&KT. Thành lập Hội phổ biến KH&KT Việt Nam với mạng lưới tổ chức rộng khắp từ Trung ương tới tỉnh, thành, quận, huyện và cơ sở sản xuất. Triển khai công tác quản lý kỹ thuật với việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Xây dựng và ban hành “Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Đại tướng cũng đồng thời đặt nền móng cho việc mở rộng phạm vi hoạt động và quyền tự chủ của các tổ chức KH&CN. Trong quá trình thể chế hóa Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về Chính sách KH&KT, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng, ban hành Quyết định số 175/CP về việc ký hợp đồng kinh tế với các cơ sở sản xuất và Nghị quyết số 51/HĐBT về việc mở rộng phạm vi hoạt động, quyền tự chủ của các cơ quan nghiên cứu, triển khai. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, đó là tiền đề của những văn bản hết sức quan trọng sau này như Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN, Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN Chính phủ đã ban hành gần đây.
Không quá lời khi nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thành công trên nhiều mặt trận, dù ở cương vị nào ông cũng đều để lại những ấn tượng sâu sắc. KH&CN là một trong những lĩnh vực đó. Suốt 18 năm trên cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước và Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công tác KH&CN, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn chăm lo cho sự phát triển KH&CN nước nhà nhằm đáp ứng hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại tướng đã về yên nghỉ cõi vĩnh hằng nhưng công lao, tư tưởng và hình ảnh của ông sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.
Nguyễn Hạnh