Tại Phiên họp của Kỳ 3, Quốc hội Khóa XIV sáng nay, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã dành nhiều thời gian để thảo luận, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) (sửa đổi). Theo đó, đã có 26 ý kiến đã được thảo luận. Đa số các ĐBQH đều đồng thuận, nhất trí với báo cáo tóm tắt của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã cố gắng, nỗ lực, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến ĐBQH và chỉnh lý Dự thảo Luật.
Thu hút, phát triển nguồn nhân lực trong CGCN
Các đại biểu cho rằng, Luật CGCN (sửa đổi) chỉnh lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa, bình đẳng cho hoạt động CGCN để thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Luật CGCN (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhằm tránh nhập công nghệ, thiết bị lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường. So với các Dự thảo trước, Dự thảo lần này có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là CGCN trong nước một cách hiệu quả. Luật CGCN sửa đổi đã kế thừa các nội dung tiến bộ, tháo gỡ vướng mắc và phát sinh trong thực tiễn CGCN, thể chế hóa kịp thời quan điểm đổi mới KH&CN của Đảng và Nhà nước.
Cũng trong Phiên họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để Luật CGCN (sửa đổi) hoàn thiện hơn, trong đó tập trung vào bổ sung thêm các cơ chế, chính sách tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động CGCN. Cụ thể là, có chính sách và kế hoạch đồng bộ về nguồn cung công nghệ; chính sách thu hút, tiếp nhận CGCN; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, tham gia tích cực vào CGCN...
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan – Đoàn đại biểu Hà Nội đã đánh giá cao sự tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, tích cực sửa đổi, chỉnh lý của Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan. Luật CGCN (sửa đổi) đã kế thừa các nội dung tiến bộ, tháo gỡ vướng mắc và phát sinh trong thực tiễn CGCN, thể chế hóa kịp thời quan điểm đổi mới KH&CN của Đảng và Nhà nước. Dự thảo Luật có nhiều điểm mới nhằm tránh nhập công nghệ, thiết bị lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan cần bổ sung làm rõ chính sách ưu đãi có tính khả thi cao cho doanh nghiệp, quy định đặc thù, tính khả thi để Luật có tính khả thi cao hơn. Đặc biệt, có chính sách đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, tham gia tích cực vào CGCN. Có chính sách trọng dụng thiết thực để thu hút họ, ưu tiên các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhu cầu lớn, tạo điều kiện hơn nữa trong ươm tạo về trình độ, đội ngũ và môi trường làm việc.
Cùng với đó, trong Luật CGCN (sửa đổi) cần bổ sung làm rõ chính sách ưu đãi có tính khả thi cao cho doanh nghiệp, cần có quy định đặc thù, tính khả thi để Luật có tính khả thi cao hơn; bổ sung ưu tiên công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, ví dụ như giống cây trồng chịu hạn, mặn trong điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp; mở rộng đối tượng đăng ký CGCN…
Đại biểu Châu Quỳnh Dao phát biểu tại Phiên họp
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ
Theo ông Nghiêm Vũ Khải – Đoàn đại biểu Hải Phòng, mục tiêu chính của Luật CGCN (sửa đổi) lần này là thúc đẩy đổi mới CGCN tiên tiến vào Việt Nam, thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong nhân dân, phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống con người. Trong nhiệm vụ chung đó, chúng ta phải tạo ra các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật để tránh việc nhập vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới con người, môi trường, xã hội. Nhiệm vụ ngăn ngừa là quan trọng nhưng nhiệm vụ chính phải thúc đẩy CGCN tiên tiến, thúc đẩy công nghệ trong nước, thúc đẩy phong trào sáng tạo. Luật CGCN (sửa đổi) rất quan trọng về mặt thời điểm, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang triển khai mạnh mẽ trên thế giới, chúng ta phải tiếp cận và chủ động, tích cực hội nhập vào thế giới hiện đại.
Sau khi nghiên cứu Luật CGCN (sửa đổi), bà Châu Quỳnh Dao – Đoàn đại biểu Kiên Giang đã cơ bản nhất trí và trân trọng những cố gắng, nỗ lực, tinh thần, thái độ, tiếp thu, chỉnh lý rất nghiêm túc của Ban soạn thảo sau khi lắng nghe những ý kiến đóng góp của chuyên gia và các vị đại biểu Quốc hội trong các kỳ thảo luận lần trước. Bà Châu Quỳnh Dao cho rằng, trong Dự thảo lần này rất hay khi đề cập đến các danh mục về công nghệ khuyến khích được chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao công nghệ cấm chuyển giao. Những danh mục này hết sức cần thiết và mong các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật danh mục để phù hợp với tình hình kinh tế phát triển của đất nước và tạo sự tiếp nhận một cách dễ dàng cho những cá nhân và tập thể có quan tâm đến lĩnh vực này...
Sau khi nghe 26 ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian vừa qua cơ quan soạn thảo đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ trách nhiệm, khẩn trương với cơ quan thẩm tra UBKH,CN&MT, đồng thời với Ủy ban Pháp luật, nhiều cơ quan, bộ, ngành khác. Cho đến nay, theo tinh thần định hướng của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đặc biệt là tiếp tục nhận được 26 ý kiến hết sức xác đáng, đúng với các vấn đề đại biểu phát biểu trực tiếp tại hội trường và chúng tôi sẽ tiếp cận với 6 ý kiến của các đại biểu chưa có cơ hội phát biểu để tiếp thu, hoàn thiện.
“Có được kết quả hôm nay chúng tôi xin báo cáo từ kỳ hai trước 6 nhóm vấn đề mà các đại biểu tập trung cũng là 6 nhóm vấn đề căn cốt nhất của tinh thần Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) kỳ này đã được nỗ lực tiếp thu.”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
Kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhìn chung ý kiến của các đại biểu cơ bản tán thành những nội dung của Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi). Bên cạnh đó cũng còn nhiều ý kiến cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện. Các ý kiến của các ĐBQH đã được Ban thư ký tổng hợp đầy đủ và cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên