KH&CN địa phương Thứ năm, 25/04/2024 , 05:30 pm
Cập nhật : 27/07/2021 , 10:07(GMT +7)
Đà Nẵng: Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nông dân thắng lớn
Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang
Những năm qua, được sự quan tâm của thành phố Đà Nẵng, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, sự đồng hành của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, lĩnh vực khoa học công nghệ của thành phố đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ

Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được chú trọng, ngày càng khẳng định được dấu ấn trong lĩnh vực mà mình tham gia, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và nông nghiệp đô thị.

Giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN đã tổ chức thực hiện 32 đề tài, dự án trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp liên quan đến các hộ sản xuất ở địa phương (bao gồm 4 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, 8 đề tài cấp thành phố và 20 đề tài cấp cơ sở) với tổng kinh phí thực hiện là 44.412,66 triệu đồng (trong đó kinh phí hỗ trợ từ Bộ KH&CN là 13.440 triệu đồng, kinh phí thành phố hỗ trợ là 12.210,04 triệu đồng và kinh phí huy động từ các nguồn khác là 18.762,62 triệu đồng). Qua đó hỗ trợ chuyển giao hơn 50 quy trình kỹ thuật cho người dân và các đơn vị sản xuất ở địa phương.

Khoa học và công nghệ ngày càng có dấu ứng nhất định trong phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Hậu.

Các đề tài, dự án chủ yếu tập trung theo hướng phục vụ nông nghiệp đô thị với việc ứng dụng các đối tượng cây trồng và vật nuôi mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn này chú trọng nghiên cứu ứng dụng nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao phù hợp với định hướng của thành phố.

Tập trung chuyển giao các quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt (sản xuất giống và trồng thương phẩm các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, các loại dưa thơm, rau hữu cơ, các loại hoa, chuyển giao các quy trình kỹ thuật trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho người dân), chăn nuôi; phát triển các giống cây, con bản địa… Qua đó góp phần đáng kể trong việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất, các hợp tác xã sản xuất tiêu biểu như phát triển ngành trồng nấm, phát triển vùng trồng bưởi da xanh.

Hệ thống tưới phun sương tự động đã giúp cho người dân tiết kiệm được chi phí. Ảnh: Trần Hậu.

Nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN đã được triển khai trên địa bàn quận, huyện, cụ thể: 9 mô hình trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và môi trường, chủ yếu tập trung vào xử lý các vấn đề dân sinh, phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống của người dân; 5 mô hình trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tập trung vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và phát triển nông nghiệp đô thị.

Thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, Sở KH&CN đã hoàn thiện các quy trình, chuyển giao và triển khai các mô hình trồng thương phẩm, hỗ trợ giống các loại nấm và hoa phổ biến như nấm bào ngư, hoa cúc, hoa lan cắt cành cho người dân…

Dây chuyền công nghệ sản xuất bịch phôi nấm giúp người dân tiết kiệm được thời gian, sức lao động. Ảnh: Trần Hậu.

Trong thời gian qua, Sở KH&CN đã tích cực hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020 Sở KH&CN đã thực hiện hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 27 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chiếm 82% tổng số lượt hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp do Sở KH&CN hỗ trợ trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét chọn 18 sản phẩm OCOP (7 sản phẩm 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao), trong đó có 8 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu/kiểu dáng công nghiệp sản phẩm.

Hội thảo khoa học phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Trần Hậu.

Công tác hỗ trợ đã có những đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ và phát triển các nghề, các sản phẩm truyền thống trên địa bàn thành phố, góp phần củng cố, phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Tiếp tục ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, hiện nay, Sở KH&CN đang hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô của Làng nghề nước mắm Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu, và có 2 đề tài cấp thành phố đang được tổ chức thực hiện để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, hoàn thiện quy chế quản lý, tuyên truyền quảng bá sản phẩm hỗ trợ thương mại hóa; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng đang hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô, thuộc Làng nghề nước mắm Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: Trần Hậu.

Đặc biệt, đang trình Bộ KH&CN 1 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 "Bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng".

Đồng thời, Sở cũng đang phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tiến hành khảo sát, chọn lựa 5 sản phẩm gồm: Gà đồi Hòa Bắc, gà Kê Sơn, nấm Hòa Phong, chuối thanh tiêu Hòa Phú, tôm sấy khô Hòa Liên, đơn vị sở hữu sản phẩm để hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Mô hình trồng hoa cúc, hoa lan cắt cành được người dân Đà Nẵng xây dựng thành công nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Trần Hậu.

Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp của các địa phương; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho 28 sản phẩm đang làm hồ sơ tham gia OCOP.

Sở KH&CN cũng đang xây dựng Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, trong đó sẽ có nội dung hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý,…).

Đối với giống cây trồng; khai thác, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; thương mại hóa sản phẩm (tổ chức trưng bày, giới thiệu, triển lãm…) cho sản phẩm tham gia OCOP; sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm của các hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Anh Phan Văn Hùng (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) giới thiệu sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo-một sản phẩm nấm mới có dấu ấn của khoa học và công nghệ được anh mày mò nuôi trồng thành công. Ảnh: Trần Hậu.

Ngoài ra phối hợp triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị.

"Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tiếp cận các Chương trình KH&CN Quốc gia liên quan đến nông nghiệp nông thôn và ứng dụng công nghệ cao như Chương trình nông thôn miền núi, Chương trình Công nghệ cao; hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của thành phố để triển khai ứng dụng KH&CN, ưu tiên cho công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố...", bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho hay.

 

Nguồn tin: Dân Việt

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner