Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 01/11/2024 , 10:26 pm
Cập nhật : 21/03/2021 , 15:03(GMT +7)
ĐBSCL: KH&CN ở đâu trong bài toán phát triển bền vững?
Kỹ sư Hồ Quang Cua bên ruộng lúa ST 25, một thương hiệu lúa mới ở miền Tây
ĐBSCL, vùng đất đem lại 95% lượng gạo, 70% lượng trái cây, 65% lượng thủy hải sản xuất khẩu cho Việt Nam đang đứng trước những câu hỏi ở nhiều cấp độ “làm thế nào để người nông dân có thu nhập ổn định?”, “làm thế nào để thoát cảnh ngập lụt, hạn mặn, xói lở?” và hơn hết là “làm thế nào để phát triển bền vững?”

 Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3/2021 vừa qua tại Cần Thơ là cơ hội nhìn nhận lại bối cảnh hiện nay của ĐBSCL cũng như những hiệu quả đã đạt được của Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL ban hành tháng 11/2017. Để nói về những tác động của một nghị quyết khi đi vào cuộc sống, giáo sư Võ Tòng Xuân (Đại học Nam Cần Thơ) đề cập đến cảm nhận của người nông dân đang sống, canh tác và nuôi trồng trên chính mảnh đất này: “Tôi gặp rất nhiều bà con nông dân, ở chỗ nào ai cũng nói chính phủ mình tài tình quá, bây giờ đã gỡ cái kim cô – cái này là cái nghèo của người nông dân chỉ có trồng lúa. Suốt một thời gian dài, chúng ta tập trung phát triển trồng lúa nhiều nhưng nguồn lợi bà con thu lại không được bao nhiêu. Giờ tới Nghị quyết 120, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng cây ăn trái, hệ thống lúa tôm… Mặc dù là việc chuyển đổi nó cũng có trước Nghị quyết 120 này nhưng chưa có mạnh, trong ba năm qua đã thực sự phát triển mạnh hơn”.

 

 

 

  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát công trình chống ngập mặn tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Nguồn: thoidai.com.vn

 Một ĐBSCL “thay da đổi thịt”

 

Có lẽ, không thể nói hết những hiệu quả thiết thực mà Nghị quyết 120 đem lại cho ĐBSCL, sau các ưu đãi về 220 nghìn tỷ đồng đầu tư, chiếm 16% so với cả nước, ưu tiên rót vào các lĩnh vực giao thông, phòng chống sạt lở ven sông ven biển, phát triển nông nghiệp…, thúc đẩy kết nối vùng và tiểu vùng… Sau ba năm, hiện giờ ĐBSCL đang bắt đầu có được một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng, một cơ cấu chuyển dịch kinh tế nông nghiệp hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đoạn phim ngắn giới thiệu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu những mục tiêu của Nghị quyết 120 là nhằm “chuyển từ tư duy sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển dựa trên tinh thần chủ động sống chung với lũ”.

Nền tảng mới mà Nghị quyết 120 tạo dựng nên đã cũng phần nào đem lại những thay đổi về tư duy liên kết vùng, khiến các địa phương bắt đầu thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu với nhau, ngõ hầu muốn thoát khỏi cảnh cát cứ dữ liệu khi các con số chỉ để chăm chăm phục vụ cho quy hoạch của tỉnh mình, địa phương mình trong khi nó cũng là gợi ý để hỗ trợ quy hoạch ở tỉnh khác và có thể quay trở lại hỗ trợ chính mình như hình thành chuỗi liên kết phát triển một sản phẩm nào đó… Theo phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị, bên cạnh việc hình thành một cơ sở dữ liệu thông tin phát triển kinh tế - xã hội chung của An Giang và các tỉnh ĐBSCL thì An Giang đã ký kết hợp tác với Kiên Giang về hợp tác trong vấn đề quản lý nguồn nước, đồng thời tiến hành nhiều dự án liên kết phát triển khác các các tỉnh lân cận.

Tất cả những đổi mới đó ở ĐBSCL đều nhằm vào một chủ đề chính của vùng là phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Nếu ở một tỉnh cao nguyên như Lâm Đồng, chủ đề nông nghiệp chủ yếu gói gọn quanh “chuyện rau hoa” như lời chia sẻ của Giám đốc sở KH&CN Lâm Đồng Võ Thị Hảo thì ở ĐBSCL, đó là câu chuyện của tôm - lúa, hoa màu, cây ăn trái và các loại thủy hải sản. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện bốn đề án lớn là phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; hiện đại hóa thủy lợi để phục vụ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; phòng chống sạt lở bờ biển và phát triển chương trình giống cây trồng vật nuôi. Tuy các dự án lớn này chưa kết thúc nhưng đã thấy được những tác động tích cực của nó vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp ĐBSCL. “Sau Nghị quyết 120, có thể nói từ thượng nguồn đến ven biển đều tăng các diện tích trồng cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn nước lợ trong khi giảm diện tích cấy lúa, diện tích lúa ba vụ. Đây là một cục diện chuyển động rất tốt mà hiệu quả của nó là nếu năm 2016 xuất khẩu nông sản đạt bảy tỷ USD thì năm 2020 là 8,8 tỉ USD”, ông nói.

Vì vậy, bà Carolyn Turk, Giám đốc Worldbank tại Việt Nam, nhấn mạnh đến ý nghĩa của Nghị quyết 120: đưa ĐBSCL hướng tới mô hình chủ động thích ứng với thiên nhiên, thích ứng với tình trạng “bình thường mới” - xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan..., đồng thời tạo cơ sở để chuyển đổi phát triển của khu vực - từ quan điểm phát triển canh tác cấp hộ và cấp tỉnh sang quan điểm phát triển mang tính liên tỉnh, toàn đồng bằng và xuyên biên giới, từ quan điểm phát triển ngắn hạn theo từng ngành sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tích hợp.

Những thách thức từ tự nhiên

Quá trình chuyển đổi, thoát nghèo và thoát cái lợi bấp bênh của ĐBSCL đang diễn ra một cách thông đồng bén giọt. Tuy nhiên, những con người gắn bó với vùng đất này thì cảm thấy có quá nhiều điều cần phải giải quyết, quá nhiều thách thức ở phía trước mà họ phải đối mặt. Rủi ro nó đưa lại là nếu không giải quyết được những vấn đề này, có thể thành quả ba năm qua mà Nghị quyết 120 đem lại sẽ khó có thể được tiếp nối trong tương lai gần.

Những lo ngại này thật sự có lý bởi báo cáo “Kế hoạch ĐBSCL: Tầm nhìn và chiến lược dài hạn nhằm phát triển ĐBSCL an toàn, trù phú và bền vững” do Chính phủ Hà Lan và Việt Nam thực hiện năm 2013 thông qua Chương trình Partners for Water đã từng đề cập một thực tại: ĐBSCL nằm trong nhóm năm đồng bằng có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Thực tại này kéo theo những vấn đề khác như sự lún đất do khai thác nước ngầm và tiêu nước trong thời gian dài, trung bình khoảng 1 – 2 cm/năm. Càng ngày, nguồn nước ngầm càng phải được lấy từ các tầng chứa sâu (khoảng 110 m), để bổ sung cho nguồn nước ngọt khan hiếm và để kiểm soát độ mặn trong các ao nuôi tôm và đa dạng hóa trong sản xuất rau và sản xuất trang trại. Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển ở thượng lưu sông Mekong như xây dựng đập, hồ chứa, phá rừng, hệ thống thủy lợi… và các hình thức thay đổi sử dụng đất khác tác động trực tiếp đến lưu lượng sông, cả trong mùa mưa và mùa khô. Hệ thống sống ngòi kênh rạch, rừng ngập mặn tự nhiên dễ bị tổn thương. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của nhiều doanh nghiệp.

Thật khó tách bạch tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác tự nhiên của con người đối với ĐBSCL nhưng hậu quả của nó ngày một trầm trọng. Ví dụ chỉ trong năm tháng đầu năm 2020, 17 vụ sạt lở xảy ra tại Cần Thơ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, trên nhiều quận, huyện như Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền và Vĩnh Thạnh. Tuy nhiên tình trạng sạt lở không chỉ ở mỗi Cần Thơ mà còn xảy ra ở toàn bộ 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Toàn bộ khu vực có trên 500 điểm sạt lở dài khoảng 520km bờ sông và trên 50 điểm sạt lở dài 266km bờ biển, trong đó, gần 100 điểm sạt lở nguy hiểm.

Tình trạng sạt lở còn dẫn đến những vấn đề khác, ví dụ như ít nhất diện tích rừng đã mất hơn 28.000ha trong gần 20 năm qua…, cũng theo thông tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Cà Mau Lê Quân báo cáo, hiện tại lượng rừng ven biển của Cà Mau bị giảm nhanh chóng và trên nhiều tuyến đê biển Tây đã không còn rừng ven biển. Phía Bắc Cà Mau, tỉnh Kiên Giang cũng cùng chung cảnh ngộ. “Nhiều đai rừng phòng hộ ven biển đã bị sóng đánh trôi. Bây giờ biến đổi khí hậu đối với Kiên Giang không còn là dự báo mà đã biểu hiện rõ nét qua sự xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt trong mùa khô và các thời tiết khắc nghiệt ở vùng ven biển cũng như hải đảo vào mùa mưa...”, ông Đỗ Thanh Bình, bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết.

Nếu những thách thức mang tính xã hội như cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông vận tải, phân phối nguồn lực đầu tư, chất lượng nguồn lực lao động… đang dần được Nghị quyết 120 tháo gỡ thì những thách thức tự nhiên còn lơ lửng trước mặt người dân ĐBSCL. Ai có thể giải bài toán đó?

Làm gì để phát triển bền vững?

Tương lai bền vững của ĐBSCL phụ thuộc vào lời giải bài toán này, đơn cử như chuyện cấp nước cho nuôi trồng thủy sản “nếu không quan tâm thì không bao chúng ta không thể nào cấm được người dân khai thác nước ngầm được. Cần tầm nhìn dài hạn để giải quyết vấn đề, nếu không thì không bao giờ chúng ta có thể làm được. Và khi đó, đồng bằng mới thực sự phát triển bền vững được”, giáo sư Võ Tòng Xuân chỉ ra.

“Tầm nhìn dài hạn” theo cách nói của giáo sư Võ Tòng Xuân trong việc cung cấp nguồn nước, một trong những vấn đề bức thiết của ĐBSCL, cần xuất phát từ khoa học – nơi các nhà nghiên cứu đang có sẵn những giải pháp liên quan đến những vấn đề mà vùng đất này đang gặp phải: xói lở, hạn hán, xâm nhập mặn, thủy nông, môi trường biển, môi trường đất, khí tượng thủy văn, giống cây trồng/vật nuôi, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám… Các giải pháp của họ là kết quả từ những nghiên cứu đúc kết trong quá trình làm khoa học và học hỏi từ đồng nghiệp quốc tế, không chỉ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư mà còn hứa hẹn vào khả năng “thuận thiên”.

Được phát triển từ những nhu cầu có thật trong cuộc sống nên những giải pháp ứng dụng đó không hề xa lạ như người ta vẫn lầm tưởng về khoa học. Câu chuyện về artemia, một động vật giáp xác thủy sinh chuyên làm thức ăn cho tôm, được các nhà nghiên cứu ở Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ) thuần hóa trong vòng 30 năm không chỉ đem lại chỉ dẫn địa lý artemia Vĩnh Châu mà còn giúp những người nuôi tôm có thể an tâm về một nguồn cung sẵn có, dồi dào, chất lượng cao và giá thành hạ so với artemia ngoại nhập.

Trong vài năm trở lại đây, không thiếu các công bố quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến các vấn đề mà ĐBSCL đang phải đối mặt. Nó cho thấy sự quan tâm của các nhà khoa học đối với các vấn đề thời sự của đất nước cũng như của vùng đất này, vấn đề là giải pháp của họ có được quan tâm hay không. Ví dụ giải pháp tiếp thu công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên quốc gia trong điều kiện hạn chế hoặc không có dữ liệu đo đạc mà TS. Hồ Việt Cường (Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Động lực học sông biển) và cộng sự có được thông qua Dự án FIRST (Bộ KH&CN) rất có tiềm năng áp dụng cho ĐBSCL, nơi ảnh hưởng rất nhiều vào lưu lượng nước trên thượng nguồn sông Mekong.


   “ĐBSCL là minh chứng thể hiện tư duy và cách tiếp cận chuyển đổi của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển. Đi kèm với kỳ vọng cao là trách nhiệm to lớn để biến tư duy và cách tiếp cận đó thành hiện thực và thành công, không chỉ đối với gần 20 triệu người dân trong vùng đồng bằng, mà đối với cả nước như một nguồn cảm hứng và một hình mẫu cho phát triển vùng”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Worldbank tại Việt Nam, đánh giá. Trong giai đoạn 2015-2020, Worldbank đã huy động khoảng 2,2 tỷ USD cho các hoạt động trong khu vực ĐBSCL và “trong tương lai sẵn sàng huy động thêm kiến thức và nguồn tài chính để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 120”.

 

Nếu có ai đó còn lo ngại rằng giải pháp của các nhà khoa học chỉ nằm trên giấy thì có lẽ đã nhầm. Những giải pháp cho những vườn cây ăn trái, vụ hoa màu hay vuông tôm luôn sẵn sàng, thậm chí có thể từ nơi bất ngờ nhất. Năm 2020, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã làm việc với Cà Mau để cùng phát triển một mô hình nuôi tôm quy mô nhỏ cho hộ gia đình, mô hình tích hợp một chuỗi các công nghệ khép kín liên hoàn có hệ thống lọc nước nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm và ngăn ngừa khả năng gây bệnh, đi kèm với việc cung cấp thức ăn nuôi tôm có bổ sung vi lượng đất hiếm/hoặc sản phẩm Oligo Chitosan… để tăng khả năng kháng bệnh, kích thích con tôm phát triển nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, VINATOM còn cùng với Cà Mau xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đồng vị carbon trong mật ong rừng U Minh để đảm bảo độ chất lượng vừa giúp phân biệt đặc trưng của mật ong khai thác ở đây so với các địa phương khác trong cả nước và quốc tế; sử dụng kỹ thuật thủy văn đồng vị đánh giá nước ngầm và đưa ra các biện pháp bảo vệ nguồn nước ngầm.

 

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả hợp tác với các bộ, ngành địa phương trong lĩnh vực KH&CN thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, theo đó tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thiết thực phục vụ phát triển KT-XH vùng trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Một số kiến nghị và giải pháp cụ thể của Bộ KH&CN:

1. Đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát độ mặn hiện đại thông minh để nhanh chóng có thông tin chính xác, phục vụ đắc lực công tác dự báo, kịp thời có ngay những biện pháp ứng phó kịp thời ở từng thời điểm, từng giai đoạn, nhất là những tác động của thời tiết cực đoan.

2. Đầu tư ứng dụng và mở rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng thường xuyên thiếu nước, vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng trong lĩnh vực thủy sản trong lĩnh vực lúa, cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu thị trường.

3. Tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp KH&CN đảm bảo nguồn nước lâu dài, cấp nước ngọt chủ động và hợp lý cho vùng khan hiếm nước, nhất là các vùng ven biển như nghiên cứu lắp đặt hệ thống khử nước mặn theo công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, xây dựng hệ thống trữ nước mặn, nước mưa với quy mô khác nhau…

4. Sớm đưa vào ứng dụng trong thực tiễn các thành công các kết quả của các nhiệm vụ KH&CN chống sạt lở bờ biển bờ sông thuộc Chương trình phát triển bền vững miền Tây Nam Bộ; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp KH&CN có tính liên vùng, trong đó chú trọng đến việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển vùng ĐBSCL bền vững, thích ứng hài hòa với biến đổi khí hậu.

5. Nhà nước cần đầu tư vào các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng như ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, Viện Lúa ĐBSCL để phát huy vai trò của chủ thể nghiên cứu mạnh, đồng hành với các doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động ĐMST.

6. Kiến nghị Cần Thơ nên xây dựng một trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy sự ứng dụng của cả vùng, nhất là nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt

 

Nguồn tin: Khoa học và Phát triển

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner