Nhiều quốc gia trên toàn cầu đã bền bỉ, kiên trì, nỗ lực chống lại tác hại của thuốc lá bằng nhiều biện pháp khác nhau và đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Từ nhiều thập kỷ trước, nhận ra tác hại của khói thuốc lá, nhiều quốc gia kiểm soát sử dụng sản phẩm này. Năm 1987, Anh thông qua Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng trong việc đóng gói và dán nhãn thuốc lá. Quốc gia này tiếp tục thông qua các luật khác trong nhiều năm như cấm quảng cáo và quảng bá sản phẩm thuốc lá.
Ở Mỹ, sau khi có báo cáo tổng hợp liên quan đến tác hại thuốc lá được công bố năm 1964, luật liên bang về dán nhãn và quảng cáo sản phẩm đã được ban hành một năm sau đó. Đến 2016, Mỹ đã thông qua nhiều luật khác, sửa đổi và bổ sung một số quy định như là một phần trong chiến lược kiểm soát thuốc lá. Hiện nay, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, số người hút thuốc lá của nước này giảm còn 14%.
Hút thuốc lá là tác nhân gây ra cái chết cho khoảng 6 triệu người mỗi năm. Một dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra đến năm 2020, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên trái đất, với 10 triệu người một năm.
Theo số liệu Bộ Y tế Pháp công bố hồi tháng 5, năm 2017, số lượng người hút thuốc tại quốc gia này giảm xuống còn 12,2 triệu so với 13,2 triệu năm 2016. Tuy nhiên 27% người Pháp vẫn đốt thuốc hàng ngày, đây là một trong những tỷ lệ cao nhất tại các nước trong nhóm Liên minh châu Âu, chỉ sau Hy Lạp và Bulgaria. Theo EU, Thụy Điển là quốc gia có tỷ lệ người dân hút thuốc ít nhất trong khối, với chỉ 7%.
Hiện nay, việc kiểm soát thuốc lá phổ biến trên thế giới. Với sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức toàn cầu khác, ngay cả những quốc gia nghèo nhất cũng ban hành luật về bao bì, nhãn mác, không được quảng cáo và hút thuốc ở nơi công cộng.
Hàn Quốc và New Zealand đã hợp pháp hóa nhiều loại sản phẩm thay thế thuốc lá đa dạng trong năm 2010 và tương ứng trong năm 2018. Nhật Bản, mặc dù vẫn cấm các loại thuốc lá điện tử dạng dung dịch, đã cho phép dùng các thiết bị gia nhiệt thuốc lá như IQOS, được sản xuất bởi Philip Morris International. Ngược lại, Australia, Indonesia, Singapore và Thái Lan có lệnh cấm rõ ràng.
Năm 2014, WHO đã ban hành một báo cáo về thuốc lá điện tử, kêu gọi các nước thành viên hạn chế quảng cáo và cho rằng các tác động sức khỏe vẫn chưa được đánh giá cẩn thận. Báo cáo này cũng nói thêm là đã có một số trường hợp gây kích ứng mắt và đau họng trong những người sử dụng thuốc lá điện tử. WHO cũng yêu cầu các quốc gia cấm sử dụng thuốc lá điện tử trong nhà cho đến khi sản phẩm này được chứng minh là an toàn tuyệt đối cho những người ở cùng không gian đó.
PV (tổng hợp)