Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 01/11/2024 , 06:15 pm
Cập nhật : 28/07/2011 , 14:07(GMT +7)
Cục Sở hữu trí tuệ: 29 năm xây dựng và phát triển
Bộ trưởng Hoàng Văn phong thăm gian hàng vải thiều lục ngạn- sản phẩm đc chỉ dẫn địa lý. (N. Hạnh).
Nhân kỷ niệm 29 năm thành lập Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam (29/07/1982 - 29/07/2011). Trung tâm truyền thông xin giới thiệu bài viết của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Hùng khái quát về hoạt động của Cục.

Cách đây 29 năm, ngày 29/07/1982 Cục Sáng chế - tiền thân của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày nay - đã được thành lập trên cơ sở tổ chức của Phòng Quản lý Sáng chế - Phát minh (thuộc Ủy ban KH&KT Nhà nước, nay là Bộ KH&CN). Trải qua 29 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của Cục SHTT gắn chặt với sự phát triển của toàn bộ hệ thống bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét duyệt, xác minh, khen thưởng và phổ biến sáng kiến, Bộ phận Sáng kiến - Phát minh (sau này là Phòng Sáng kiến- Phát minh) thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được thành lập.

Với nhiệm vụ của mình, Phòng Quản lý Sáng chế - Phát minh đã tiến hành soạn thảo và được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/CP ngày 23/01/1981 kèm theo Điều lệ và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và sáng chế, mở đầu cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Hội nghị Lãnh đạo Các cơ quan  Sở hữu trí tuệ (SHTT) các nước ASEAN – EPO (HIPOC) lần thứ 6 (Ảnh: MH)

Để củng cố tổ chức và tăng cường quản lý hành chính nhà nước đối với sáng kiến và nhanh chóng triển khai các hoạt động bảo hộ sáng chế và các đối tượng SHCN khác, đồng thời mở rộng các quan hệ đối ngoại và hoạt động quốc tế, ngày 29/07/1982 Cục Sáng chế chính thức được thành lập (Theo Nghị định 125/HĐBT ngày 29/97/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi tổ chức bộ máy của UBKHKT Nhà nước).

Ngay sau khi thành lập, Cục đã khẩn trương soạn thảo các văn bản pháp luật trình Chính phủ ban hành nhằm tiếp tục đưa các đối tượng SHCN khác vào bảo hộ, cụ thể là nhãn hiệu hàng hóa năm 1982, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp năm 1988.

Cho đến nay, khung pháp lý của Việt Nam đã đảm bảo việc bảo hộ hầu hết các đối tượng SHTT theo tiêu chuẩn của Hiệp định về khía cạnh thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến thời điểm này, có thể thấy rằng hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam cơ bản đã đạt được chuẩn mực quốc tế. Các cam kết của Việt Nam với các thành viên WTO trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được đáp ứng.

Những năm vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã mở rộng và tăng cường hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực SHCN. Hiện nay Việt Nam là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ SHCN, Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế, Công ước Stockholm về việc thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Hiệp định TRIPS/WTO.

Bên canh đó, chúng ta cũng xây dựng và tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực SHTT với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ…và quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), với EC và tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác của ASEAN, của APEC, nâng cao chất lượng các hoạt động hợp tác với WIPO.

Thực hiện chức năng xác lập quyền bảo hộ các đối tượng SHCN, Cục Sở hữu trí tuệ đã thường xuyên áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải tiến các thủ tục hành chính trong các khâu tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký SHCN theo hướng ngày càng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng mạnh của đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN.

Từ năm 1981 đến hết 06/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận và xử lý 31.140 đơn đăng ký sáng chế (2.683 của Việt Nam và 28.471 của nước ngoài); 2.849 đơn giải pháp hữu ích (1.679 của VN và 1.170 của NN); 24.825 đơn kiểu dáng công nghiệp (19.437 của VN và 5.398 của NN); 258.012 đơn đăng ký nhãn hiệu theo thủ tục quốc gia (174.704 của VN và 83.308 của NN) và xấp xỉ 100 ngàn đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid.

Hội nghị toàn quốc về sở hữu trí tuệ năm 2010 tại Lạng Sơn (Ảnh: MH)

Song song với việc tiếp nhận và xử đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, Cục SHTT còn tiếp nhận và xử lý hàng trăm ngàn đơn khiếu nại liên quan đến xác lập quyền, đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ, duy trì, gia hạn, sửa đổi văn bằng bảo hộ và đơn đăng ký chuyển giao quyền SHCN.

Nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về bảo hộ SHTT và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ với tư cách là Cơ quan thường trực Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp” (phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ-Chương trình 68) đã chủ động và tích cực triển khai nhiều nội dung quan trọng nhằm đưa các mục tiêu của Chương trình vào cuộc sống thông qua các nội dung về tuyên truyền, đào tạo về SHTT, hỗ trợ tổ chức hoạt động SHTT; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin SHTT.

Đặc biệt, Cục đã hướng tập trung đến việc sử dụng công cụ SHTT nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, nhờ đó đã có 58 đặc sản nổi tiếng của hầu hết các địa phương trong cả nước đã và đang được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các doanh nghiệp và địa phương trong lĩnh vực SHTT.

Kết thúc giai đoạn 2005-2010, Chương trình 68 đã hỗ trợ việc tạo dựng và đăng ký được 10 Chỉ dẫn địa lý, trong đó nhiều chỉ dẫn địa lý được hỗ trợ cả về đăng ký cũng như quản lý, phát triển. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tiếp tục triển khai Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy không phải là cơ quan có chức năng trực tiếp thực thi quyền SHTT theo quy định của pháp luật, song Cục SHTT đã tích cực hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động thực thi quyền SHTT, bao gồm cả các biện pháp tư pháp và hành chính nhằm giải quyết khiếu nại và tranh chấp quyền SHCN tại tòa án, cơ quan hành chính, góp phần quan trong vào việc bảo vệ quyền SHTT, đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT trong xu thế hội nhập.

Một vấn đề cốt lõi được Cục SHTT đặc biệt quan tâm đó là công tác đào tạo cán bộ và nhân lực về SHTT cũng như thường xuyên tằng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và hiểu biết cho công chúng và doanh nghiệp về SHTT thông qua các lớp tập huấn, hội thảo và thực tập nghiệp vụ về SHTT.

Hàng năm Cục đã tổ chức và phối hợp tổ chức từ 30-40 lớp tập huấn và 20-30 hội thảo cho hàng chục nghìn lượt người tham dự. Đặc biệt, nhằm từng bước đưa SHTT vào nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học, Cục SHTT đã tích cực phối hợp với một số trường đại học giảng dạy về SHTT cho hàng nghìn sinh viên thông qua nhiều loại hình đạo tạo khác nhau.

Trong đó đã có 634 học viên được đào tạo dài hạn (6 tháng) về SHTT (thay bằng trước đây chúng ta phải gửi đi đào tạo ở nước ngoài), kịp thời tăng cường nhân lực có chuyên môn sâu cho hệ thống SHTT. Nhằm đổi mới hình thức và phương pháp đào tạo, huấn luyện về SHTT phù hợp với yêu cầu mới, được sự hỗ trợ của WIPO, từ năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai loại hình đào tạo trực tuyến về SHTT và thu hút sự quan tâm đông đảo của các thành phần trong xã hội. Đến nay đã đào tạo được 3 khóa với 685 người tham gia.

Để phục vụ cho công việc thẩm định đơn, cấp văn bằng bảo hộ SHCN cũng như công tác nghiên cứu nhằm phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế xã hội của đất nước, Cục Sở hữu trí tuệ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống thông tin SHCN với nhiều hình thức khác nhau nhằm làm cho thông tin SHCN gần gũi, thiết thực và hiệu quả hơn đối với mọi tổ chức, cá nhân sử dụng.

Ngoài việc lưu giữ hơn 38 triệu bản mô tả sáng chế từ 27 nước và tổ chức quốc tế, phần lớn là của các nước phát triển, Cục Sở hữu trí tuệ còn phát triển nhiều loại hình tra cứu thông tin SHCN thuận tiện và hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ thông tin, như phát hành công báo SHCN bằng điện tử, tra cứu thông tin trực tuyến…

Trong suốt 29 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã không ngừng phấn đấu vươn lên và ngày càng trưởng thành đáp ứng kịp thời những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Với những thành tích đã đạt được, Cục SHTT liên tục nhiều năm đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và đã được Đảng và Nhà nước tặng 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều năm được tặng Cờ Thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục SHTT



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner