Ngày 22/6 tại Hà Nội đã diễn ra Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất vi nang chứa các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học sử dụng trong sản xuất thực phẩm” với mã số: KC.07.11/11-15.
Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu đảm bảo sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của mỗi con người. Hiện nhiều hợp chất sinh học có khả năng giúp con người duy trì sức khỏe và chống lại bệnh tật đã được nghiên cứu, phát hiện để tạo ra các loại thực phẩm chức năng mới. Tuy nhiên, trong quá trình bảo quản và chế biến, các tinh chất thiên nhiên có tính sinh học thường không bền, nhạy cảm với các tác nhân hóa lý. Để nâng cao độ bền và tính ứng dụng của các hoạt chất sinh học có nguồn gốc thiên nhiên, công nghệ vi nang được xem là một biện pháp hữu hiệu với mục đích bao gói các hoạt chất cần quan tâm trong một lớp vỏ bọc có kích thước micromet để giúp các hoạt chất trên trở nên an toàn, hạn chế tiếp xúc hoặc hạn chế ảnh hưởng của các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
Tinh dầu vi nang gấc
Theo ThS. Trần Hải Đăng, Chủ nhiệm đề tài, mục tiêu của đề tài nhằm có được công nghệ sản xuất vi nang chứa các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học sử dụng trong chế biến thực phẩm như: nghiên cứu quy trình tạo nhũ tương và vi nang dầu gấc; lựa chọn được chất bao gói và xây dựng được quy trình tạo vi nang phù hợp, bảo vệ được các hoạt tính sinh học của một số tinh dầu gấc có giá trị cao (gừng, tỏi,…); ứng dụng vi nang vào một số sản phẩm thực phẩm cụ thể. Đề tài tập trung nghiên cứu trên ba đối tượng cụ thể: gấc, tinh dầu gừng và tinh dầu tỏi. Việt Nam có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú cung cấp các hợp chất thiên nhiên có tính sinh học hiện được các nhà khoa học quan tâm (dầu gấc, các loại tinh dầu gia vị, sáo tam phân, hải miên ...).
Tinh dầu tỏi
Hiện nay, ở Việt Nam việc nghiên cứu tạo vi nang cho các hoạt chất sinh học nói chung còn khá mới, có một số nghiên cứu sơ bộ về tạo vi nang beta-carotene và một số hương thơm nhưng chưa đánh giá được điều kiện để ổn định quy trình công nghệ và chưa đề xuất được những yêu cầu về chất lượng đối với sản phẩm. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để ổn định quy trình tạo vi nang gấc, vi nang tinh dầu tỏi và tinh dầu gừng đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng là việc làm cần thiết. Điều này tạo nên sự đa dạng trong lãnh vực thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại trong việc tìm kiếm các sản phẩm mới, bổ dưỡng
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần tạo công nghệ sản xuất mặt hàng đặc sản truyền thống của Việt Nam (gấc, gừng, tỏi) ở quy mô công nghiệp với giá trị gia tăng của sản phẩm cao hơn các sản phẩm hiện có, có thể thúc đẩy ngành trồng các nông sản này lên quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp