Hiện nay, gỗ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm từ gỗ của xã hội cũng gia tăng về số lượng và chất lượng. Do đó, hướng thay thế gỗ tự nhiên bằng gỗ mọc nhanh từ rừng trồng và đưa ra công nghệ tạo ra các loại vật liệu mới- công nghệ biến tính gỗ đã được các nhà khoa học thuộc Trường đại học Lâm nghiệp thực hiện.
TS.Trần Văn Chứ - Phó chủ nhiệm Khoa Chế biến Lâm sản - Đại học Lâm nghiệp - Chủ nhiệm đề tài cho biết, trong biến tính gỗ, hoá dẻo và nén ép tăng khối lượng thể tích gỗ là một trong những hướng mà Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu. Sở dĩ như vậy là do gỗ rừng trồng biến tính có thể thay thế các gỗ quý hiếm dùng trong đồ mộc xây dựng, dân dụng và mỹ nghệ.
Qua nghiên cứu, thử nghiệm, các nhà khoa học đã đưa ra được quy trình công nghệ gồm: nén ép gỗ bồ đề, keo tai tượng, keo lá tràm, keo lai bằng NH3; Urea; NaOH và tìm ra nồng độ NH3, Urea; NaOH thời gian ngâm tối ưu để đảm bảo chất lượng gỗ khi biến tính dùng trong đồ mộc xây dựng; dân dụng, mỹ nghệ...
Các kết quả ban đầu cho thấy gỗ bồ đề, keo tai tượng, keo lá tràm, keo lai biến tính bằng NH3 khối tượng thể tích tăng lên đáng kể (0,81g/cm3) và cho gỗ bồ đề biến tính có chất lượng tốt nhất ở chế độ ngâm NH3 25,6%, thời gian ngâm là 7,21 ngày.
Các nhà khoa học cũng khẳng định, công nghệ biến tính gỗ bằng NH3 và các hoá chất khác hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế sản xuất của Việt Nam. Bạn đọc có nhu cầu có thể liên hệ TS. Trần Văn Chứ, Trường đại học Lâm nghiệp, Xuân Mai, Hà Tây. Tel: 0913 094751. Fax: (034) 840063. Email: tvanchu@yahoo.com
Tin ảnh: Minh Châu