Gần 8h tối hôm nay (27/4), như đã hẹn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức họp báo công bố một số thông tin liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: đây là vấn đề phức tạp, đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, đòi hỏi phải có thời gian để xác định nguyên nhân. Có nhiều trường hợp, nhiều nước phải mất nhiều năm để tìm ra nguyên nhân. Mặc dù, người dân và cả xã hội hết sức quan tâm, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm công bố nguyên nhân, tuy nhiên để xác định được cần thiết phải nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản, dựa trên các chứng cứ khoa học.
Hôm nay, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành có liên quan, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước, GS.TS Yashuwo Fukuyo, Đại học Tổng hợp Tokyo Nhật Bản để thảo luận về các kết quả điều tra. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương. Các cơ quan, nhà khoa học đã báo cáo các kết quả nghiên cứu bước đầu, cho nhiều ý kiến xác đáng.
Qua nghe báo cáo của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, ý kiến của địa phương, các nhà khoa học, sa khi thảo luận loại trừ nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra, các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ ban đầu như sau:
Có 02 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng các chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
Tính đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formasa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.
Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa pháp hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định.
Để xác định rõ nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá chết hàng loạt và có các giải pháp ứng phó về lâu dài với các thảm họa tương tự, cần tổ chức nghiên cứu làm rõ 2 nhóm nguyên nhân nói trên. Bộ KH&CN sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để thực hiện các nghiên cứu nói trên. Nếu cần thiết sẽ huy động các tổ chức khoa học quốc tế để kiểm chứng.
Trong thời gian sớm nhất, Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp các kết quả phân tích các độc tố và sẽ đưa ra khuyến cáo về việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ hải sản.
Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước biển ven bờ và có khuyến cáo về các hoạt động du lịch, tắm biển trên địa bàn.
Tin, ảnh: Ánh Tuyết