Từ 28/7 đến 17/8/2013, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ở tỉnh Bình Định sẽ diễn ra cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX với sự tham dự của tám nhà khoa học đoạt giải Nobel cùng hàng trăm nhà vật lý đến từ khắp nơi trên thế giới. Sự kiện này được kỳ vọng là cơ hội “vàng” cho giới khoa học Việt Nam.
Theo GS Trần Thanh Vân, chủ tịch Gặp gỡ Việt Nam, cuộc gặp gỡ lần này sẽ được tổ chức quy mô lớn với hàng loạt các hội nghị lớn nhỏ khác nhau như: Hội nghị về Vũ trụ học và kỷ nguyên Planck; Hội nghị về Lực hấp dẫn và thuyết tương đối rộng; Hội nghị về Vật lý nano: Từ cơ bản đến ứng dụng ; Hội nghị Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ.
Về vật lý hạt, có những nội dung thời sự như: Sự sinh ra và các tính chất của hạt Higgs; Tìm kiếm một vật lý học mới; Hiện tượng luận và vật lý học vượt qua Mô hình Chuẩn; Sự sinh ra và tính chất của các hạt quark nặng; Nghiên cứu về tương tác yếu và sắc động lực học lượng tử; Kết quả mới nhất về va chạm ion nặng; Vật lý neutrino trong phòng thí nghiệm.
Về vật lý thiên văn và vũ trụ học, sẽ đề cập đến các nội dung: Tia vũ trụ - các thí nghiệm mặt đất và vệ tinh; Thiên văn học tia gamma; Vật chất tối và năng lượng tối; Vũ trụ sơ sinh; Bức xạ nền vũ trụ.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có một trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.Vậy nên nội dung cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX ở Quy Nhơn không phải là những gì quá xa lạ, viển vông đối với giới khoa học Việt Nam. Đây là cơ hội “vàng” để các nhà vật lý hạt, vật lý thiên văn và vũ trụ học nước ta tiếp xúc với các nhà khoa học bậc thầy và các đồng nghiệp tài giỏi trên thế giới.
Tám nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel sẽ tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX gồm: Samuel Ting tức Đinh Triệu Trung (người Mỹ gốc Hoa, Nobel năm 1976); Sheldon Glashow (Mỹ, Nobel năm 1979); Jack Steinberger (quốc tịch Mỹ và Đức, Nobel năm 1988); Gerome Friedman (người Mỹ gốc Nga, Nobel năm 1990); Carlo Rubbia (người Italy, Nobel năm 1994); Martin Perl (Mỹ, Nobel năm 1995); David Gross (Mỹ, Nobel năm 2004); George Smoot (Mỹ, Nobel năm 2006).
|
Q. Hoa