Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các doanh nghiệp nhận thức được rằng, muốn đạt được mục tiêu lợi nhuận cao cần phải ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN). Chỉ có áp dụng kết quả nghiên cứu KH&CN mới đi tắt đón đầu, tiết kiệm được thời gian. Thực tiễn cho thấy chuyển giao công nghệ bao giờ cũng là con đường ngắn nhất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đó là khẳng định của bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tại Hội nghị giới thiệu Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (International Vietnam 2015) diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Tạo lập và phát triển thị trường KH&CN
International Techmart Vietnam 2015 là sự kiện KH&CN có quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm đẩy mạnh việc tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất – kinh doanh, xúc tiến thương mại hóa sản phẩm KH&CN. Đây sẽ là cơ hội để cho các đơn vị giới thiệu, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, thiết bị và sản phẩm mới của mình vào sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài.
International Techmart Vietnam 2015 sẽ góp phần hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời tôn vinh năng lực và sức sáng tạo của đội ngũ KH&CN đất nước, trao đổi hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các nước ASEAN +3 và các nước EU, Nga, Mỹ.
Tại International Techmart Vietnam 2015 dự kiến có khoảng 600 gian hàng trong nước và nước ngoài, giới thiệu hàng ngàn công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho mọi đối tượng khách hàng có nhu cầu.
Trong sự kiện này các thành tựu nghiên cứu khoa học và đặc biệt là các công nghệ, thiết bị được ứng dụng và có tác động sâu rộng tới hoạt động kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế sẽ được giới thiệu và chuyển giao. Ngoài các viện nghiên cứu, trường đại học, các Sở KH&CN và các doanh nghiệp, Techmart lần này có sự tham gia của các nhà sáng chế không chuyên từ mọi miền đất nước với các công nghệ, thiết bị gần gũi và thiết thực với đời sống và sản xuất.
Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam là chợ công nghệ tổng hợp, đa ngành với mục đích hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân giới thiệu chào bán, tìm mua công nghệ, thiết bị trong mọi lĩnh vực. Do vậy, các công nghệ và thiết bị giới thiệu tại International Techmart Vietnam 2015 lần này là kết quả nghiên cứu của các đơn vị trong và ngoài nước đã được kiểm nghiệm, ứng dụng thành công. Đó là những công nghệ thiết bị đã hoàn thiện, sẵn sàng để chuyển giao, đảm bảo chất lượng, giá rẻ hơn so với nhập ngoại. Các công nghệ và thiết bị của nước ngoài phải có chất lượng cao, giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu trong nước.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ
Trên thực tế việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất còn gặp những khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Khánh Vân cho biết, thực sự gắn kết các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp rất khó khăn vì giữa nhà khoa học và doanh nhân luôn có khoảng cách, bởi hai tinh thần, hai mục tiêu khác nhau. Các nhà khoa học muốn khoa học vì khoa học, còn doanh nghiệp muốn làm thế nào để có lợi nhuận. Techmart chính là nơi gắn kết các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp để khoa học không chỉ vì khoa học mà khoa học phải vì nhân sinh.
Gắn kết khoa học và công nghệ với sản xuất kinh doanh
“Bộ KH&CN đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích như: tổ chức các hoạt động xúc tiến gắn kết các nhà khoa học với sản xuất - kinh doanh, xúc tiến phát triển thị trường công nghệ. Hậu Techmart là giai đoạn rất quan trọng. Những công nghệ có tính ứng dụng cao, ký kết được nhiều hợp đồng, nhận Cúp vàng Techmart, Bộ KH&CN có cơ chế hỗ trợ để phổ biến rộng rãi cho các doanh nghiệp và nông dân ở các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, bên bán và bên mua công nghệ nội sinh (nếu đáp ứng được những tiêu chí đặt ra) sẽ được hỗ trợ từ Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ và Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp... “, bà Lê Thị Khánh Vân cho hay.
Tuy nhiên, những thông tin trên chưa được nhiều doanh nghiệp và các nhà khoa học biết tới, nên đôi khi chính sách đưa ra tốt nhưng vẫn chưa áp dụng được nhiều. Vì vậy, mỗi lần tổ chức Techmart Ban Tổ chức phổ biến những thông tin hỗ trợ khuyến khích của Bộ KH&CN để cho xã hội thấy được sự quan tâm của nhà nước và luôn đổi mới phương thức gắn kết KH&CN với sản xuất- kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đặc biệt làm thế nào để cải thiện chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu các doanh nghiệp không chủ động liên kết với các nhà khoa học để áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị mà tự mình mày mò giải quyết khó khăn trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì rất khó vươn ra thị trường thế giới mà vẫn chỉ có thể tiêu thụ ở “ sân nhà”.
Hiện nay, trong thị trường công nghệ khâu yếu nhất là định chế trung gian. Bà Lê Thị Khánh Vân cho hay, trước đây chưa có Thông tư điều chỉnh các hoạt động của tổ chức trung gian, tư vấn công nghệ cũng như chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức trung gian, bên mua và bên bán đã gặp gỡ nhưng rất khó hoàn thành cả quá trình chuyển giao công nghệ vì thiếu kiến thức. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen trả phí tư vấn công nghệ. Các doanh nghiệp chủ yếu lấy thông tin mua và bán công nghệ từ các Sàn giao dịch công nghệ vì tư vấn thông tin công nghệ đều miễn phí. Do vậy, thị trường công nghệ đã hình thành nhưng chưa phát triển mạnh mẽ .
Để thúc đẩy hoạt động của các tổ chức trung gian, tư vấn công nghệ phát triển, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, Nhà nước cần hỗ trợ phí tư vấn cho cả bên mua và bán thông qua việc hỗ trợ cơ sở, vật chất – kỹ thuật cho các Sàn giao dịch công nghệ và lựa chọn các cặp ký kết hợp đồng tại Techmart để hỗ trợ kinh phí triển khai.
Năm 2014, để đánh giá mức độ triển khai các hợp đồng đã ký kết tại Techmart, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã tổ chức điều tra các đơn vị tham gia Techmart. Trong tổng số 283 phiếu điều tra thu được có 193 phiếu của các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN chào bán và 90 phiếu tìm mua công nghệ, sản phẩm của các lĩnh vực: Nông – Lâm – Thủy sản – Chế biến thực phẩm đồ uống, Cơ khí - Chế tạo máy, Vật liệu – hóa chất, Dệt may – Da giày – Môi trường, Điện – Điện tử - Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Y tế - Dược phẩm.
Kết quả điều tra các đơn vị bên cung, bên cầu đã tham gia ký kết các hợp đồng trong các kỳ Techmart và hậu Techmart:- Số lượng hợp đồng và biên bản ghi nhớ đã triển khai được trong thực tế chiếm 30% - 50% trong tổng số các hợp đồng đã ký kết tùy từng lĩnh vực.
- Doanh thu của các đơn vị tăng từ 10% - 50% tùy từng đơn vị của các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, nhờ có Techmart, có một số đơn vị đã ký kết được nhiều hợp đồng sau Techmart và doanh thu của đơn vị tăng 100%. |
Bài, ảnh: Bảo Chi