Mặc dù mang lại nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước, giúp người dân vùng nông thôn và miền núi thoát khỏi cảnh đói nghèo,… Tuy nhiên, Chương trình Nông thôn miền núi mới chỉ đáp ứng được 57% đề xuất của các địa phương.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi) vừa diễn ra ngày 11/01, tại thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, đã có 278 dự án thuộc chương trình được phê duyệt và đang triển khai. Nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng, nâng cao năng suất chất lượng lúa gạo, phát triển cây trồng đặc sản của địa phương, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường; hình thành các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu lao động khu vực nông thôn, miền núi...
Việc triển khai các dự án thuộc chương trình trong thời gian qua cho thấy hiệu quả đầu tư vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các dự án chủ yếu tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề: Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ứng dụng công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình cho nông dân làm chủ, phát triển các công nghệ được chuyển giao và phát triển kinh tế địa phương bằng khoa học, công nghệ.
Đến nay đã có 27 dự án do doanh nghiệp làm đơn vị chủ trì mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và 99 doanh nghiệp cải tiến công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại. Qua đó, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã nâng cao rõ rệt và tạo điều kiện cho người dân vùng dự án được thụ hưởng thành quả.
Theo kế hoạch thì từ năm 2011 – 2013 sẽ huy động khoảng 600 lượt cán bộ khoa học từ 86 tổ chức KH&CN của Trung ương và địa phương trong cả nước về phục vụ tại địa bàn nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào thiểu số.
Nông dân tham gia dự án trồng mía giống tại Bình Định
Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi, từ 278 dự án được triển khai đã thu hút được 960.000 lao động và số lao động này đã thu được số tiền thông qua trả lương trong một năm là 1.080 tỷ đồng, xây dựng được 696 mô hình, các mô hình này chính là những mô hình mẫu cho các tổ chức cá nhân học tập và nhân rộng.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình được phê duyệt đến nay là 1.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, chương trình mới chỉ hỗ trợ được 57% nhu cầu đề xuất của các địa phương.
Do vậy, Ban chỉ đạo Chương trình Nông thôn miền núi phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và các Bộ, Ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung kinh phí từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương khoảng 300 tỷ đồng để tiếp tục triển khai một số dự án mới nhằm thực hiện triệt để và toàn diện mục tiêu, nội dung Chương trình Nông thôn miến núi.
Tin, ảnh: Phương Hoàn