Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 03/11/2024 , 04:33 am
Cập nhật : 30/09/2016 , 17:09(GMT +7)
Chương trình KH&CN trọng điểm: Công nghệ, sản phẩm đáp ứng yêu cầu cấp bách
TS. Nguyễn Thiện Thành
Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 (Chương trình) đã hoàn thành. Từ Chương trình rất nhiều công nghệ, sản phẩm nghiên cứu đã ra đời, áp dụng vào cuộc sống mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách của cuộc sống. Thành công của Chương trình đã đóng góp vào việc nâng cao tiềm lực KH&CN đất nước

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Thiện Thành, Giám đốc Văn phòng Các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ KH&CN khi nói về kết quả của Chương trình.

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015?

TS. Nguyễn Thiện Thành: Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Mỗi chương trình đều có một số kết quả nổi bật ở một trong những mặt sau: khẳng định trình độ KH&CN ở một ngành hoặc một lĩnh vực; lợi ích kinh tế, xã hội mang lại và nâng cao hoặc đóng góp vào việc nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước. Ví dụ một số kết quả như:

Trong các chương trình thuộc lĩnh vực phát triển Công nghệ (gọi tắt là các chương trình KC): Một trong những thành công nhất có thể kể đến công nghệ sản xuất vắc xin rota sống, uống giảm độc lực sau nhiều năm nghiên cứu đã được hoàn thiện ở qui mô công nghiệp. Công nghệ này đã giúp cho Việt Nam chủ động sản xuất vắc-xin dự phòng (ước tính khoảng 3 triệu liều/năm) với giá thành chỉ bằng 1/3 giá vắc xin ngoại (hãng GSK –Bỉ). Việc sản xuất thành công vắc xin này cũng đã khẳng định vị trí thứ 2 của Việt Nam tại Châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ tiến tiến của thế giới.

Quy trình ghép khối thận - tụy từ người chết não là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được thực hiện sau những thành công của y học Việt Nam trong kỹ thuật ghép đơn tạng. Việc các nhà khoa học thực hiện thành công ca đầu tiên ghép thận tụy lấy từ người chết não đánh dấu một bước phát triển nữa của Y học Việt Nam trong lĩnh vực ghép đa tạng đặc biệt là việc lấy tạng từ người chết não. Thành công này không chỉ  khẳng định mạnh mẽ sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam mà còn góp phần hiện thực hóa Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đi vào cuộc sống.

Kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp có ưu điểm hơn so với kỹ thuật đang thực hiện tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Với việc bơm khí C02 tạo khoang làm việc vào tuyến giáp bằng đường biên, các nhà khoa học đã loại bỏ những tổn thương nhưng không để lại sẹo vùng cổ đầu. Kỹ thuật này đến nay đã được thực hiện thành công trên 80 bệnh nhân). Khoảng 15 giáo sư và hơn 200 phẫu thuật viên các nước Đông Nam Á và trong nước đã đến học tập kỹ thuật này sau khi nhóm nghiên cứu thực hiện các ca phẫu thuật trình diễn tại các trường đại học của Thái Lan, Philippin, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ.

Ngoài ra, còn nhiều công nghệ được tạo ra từ Chương trình đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đó là công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với 02 đồng vị phóng xạ I131 và Y90 (dùng để tạo ra 2 dược chất điều trị đích cho các bệnh ung thư đầu cổ). Quy trình công nghệ nhân giống cây và sản xuất củ giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh đã được nâng cấp lên quy mô công nghiệp. Hệ thống cảnh báo lũ lụt trực tuyến được xây dựng dựa trên sự tích hợp của công nghệ thông tin và thiết bị truyền thông không quá phức tạp nhưng đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế xã hội. Giống lúa OM9915, OM121, OM9918 với chất lượng gạo tốt có khả năng chịu mặn, chịu phèn đang được thử nghiệm tại 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với qui mô lên đến trên 1000 ha. 

Trong lĩnh vực KHXH&NV (gọi tắt là các chương trình KX) cũng đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Các kết quả này đã đóng góp vào việc hoạch định chính sách. Cụ thể: Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Báo cáo kiến nghị tổng kết thực tiễn Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Bảo vệ Tổ quốc và Trung ương ra Nghị quyết mới về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; Kiến nghị về tập đoàn kinh tế nhà nước; Mô hình một nước công nghiệp theo hướng hiện đại của nước ta năm 2020.

Chương trình KX đã đóng góp về phương diện lý luận: Các nghiên cứu đã tổng kết được những bài học kinh nghiệm trong 30 năm đổi mới trong các chuyên khảo có giá trị khoa học: “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới” 

Nhiều chương trình nghiên cứu khoa học xuất sắc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao

PV: Vậy Chương trình chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 có hạn chế gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Thiện Thành: Việc thực hiện các chương trình trọng điểm lớn (với sự tham gia của trên 5300 cán bộ khoa học trong đó có khoảng trên 4000 cán bộ có trình độ thạc sỹ trở lên thuộc trên 1200 cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp) và trong cơ chế luôn có sự đổi mới thì việc phát sinh nhưng bất cập từ đó tạo ra nhưng hạn chế của chương trình là chuyện bình thường. Một số hạn chế như:  Việc phối hợp quản lý của nhiều cơ quan chủ trì với các chủ nhiệm đề tài, dự án chưa thật tốt. Vì vậy, tiến độ của nhiều nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Có tới 30% số nhiệm vụ trong các chương trình buộc phải gia hạn thời gian thực hiện. Một số nhiệm vụ phải gia hạn đến hai lần.

Việc đầu tư giải quyết các vấn đề KH&CN trong các chương trình còn tương đối dàn trải chưa thực sự tập trung. Theo quyết định phê duyệt khung của các chương trình, 10 chương trình KC có 45 nội dung (ít hơn giai đoạn trước 9 nội dung); 5 chương trình KX có 27 nội dung. 

Đa số các đề tài, dự án chủ yếu tập trung vào giải quyết từng vấn đề cụ thể của sản xuất. Chưa có nhiều các nhiệm vụ hướng vào những vấn đề có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Do đó tất cả các đề tài đều có địa chỉ ứng dụng nhưng sức lan tỏa của nhiều kết quả chưa cao. Vì vậy, tầm ảnh hưởng của các chương trình còn hạn chế. 

Cơ chế tài chính cho hoạt động của các chương trình được cải tiến một bước nhưng vẫn chưa theo kịp được với thực tế. Một số qui định về đấu thầu nguyên vật liệu, thiếu kinh phí dự phòng chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu.

PV: Nguyên nhân những hạn chế của chương trình do đâu? Và giai đoạn tiếp chúng ta sẽ khắc phục những hạn chế đó như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Thiện Thành: Nguyên nhân của những bất cập nói trên thì có rất nhiều có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.  Có nguyên nhân thuộc tầm vĩ mô mà người ta vẫn hay nói là tại cơ chế. Có những nguyên nhân là thuộc về nhận thức như tôi đã nói ngay trong phần bất cập như: Cơ chế đấu thầu nguyên vật liệu muốn bỏ nhưng rất khó vì đó là yêu cầu của quản lý để tránh thất thoát ngân sách.

Bên cạnh đó là nhận thức về quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chưa được đặt đúng tầm quan trọng và khai thác hết các thủ tục rút ngắn của quy trình làm hồ sơ và đăng ký làm cho số lượng các đăng ký chưa được như mong muốn,...

PV: Trong giai đoạn tới, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước có những đổi mới gì về cơ chế, chính sách, đầu tư,..? 

TS. Nguyễn Thiện Thành:  Để các chương trình có hiệu quả hơn trong 5 năm tới cần tập trung đầu tư có trọng điểm trong từng chương trình để tạo ra những kết quả có ấn tượng đối với khoa học và đối với cả việc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời tạo tiền đề cho nhưng kết quả mang tính lâu dài hơn. Vì kết quả KH&CN muốn đi vào sản xuất cần phải có thời gian để tạo ra và cũng cần phải có thời gian để có thể lan tỏa được.

Tôi cho rằng cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để xây dựng được đúng các nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa và lựa chọn được đúng tổ chức cá nhân có đủ năng lực, uy tín để thực hiện. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cơ quan chủ trì các nhiệm vụ. Trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các tổ chức được giao các nhiệm vụ của chương trình.

Cùng với đó là tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN nói chung và cơ chế tài chính cho việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình nói riêng theo hướng thông thoáng và giao quyền tự chủ cho tổ chức và cá nhân chủ trì, thực hiện nhiệm vụ KH&CN được giao.

Trong giai đoạn tới các chương trình KH&CN trọng điểm tiếp tục hướng đến các vấn đề  KH&CN phục vụ an sinh xã hội: tiếp tục nghiên cứu các công nghệ tiên tiến để chăm sóc sức khỏe của nhân dân ; những vấn đề về phòng chống thiên tai, bảo vệ, môi trường; các vấn đề trọng yếu của KH&XH NV trong phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập; các giải pháp công nghệ phát triển khoa học biển và phục vụ phát triển kinh tế biển. Đối với việc ứng dụng và phát triển công nghệ, các chương trình tập trung vào việc làm chủ các công nghệ tạo ra các vật liệu mới vật liệu tiên tiên; công nghệ tiết kiệm năng lượng v.v. Một số vấn đề KH&CN thuộc lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa sẽ chuyển sang nghiên cứu trong các chương trình quốc gia khác hoặc các nhiệm vụ độc lập.

Diệp Anh – Bảo Chi

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner