Chương trình KC.08: Làm lợi 150 tỷ đồng từ 8/33 đề tài
GS.TS Trần Đình Hợi báo cáo kết quả Chương trình tại Hội nghị tổng kết Ảnh: Diệu Huyền
Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (KC.08/06-10) sau 5 năm thực hiện đã hoàn thành và có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn.
Với mục tiêu chung là nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, 33 đề tài của chương trình đã tập trung nghiên cứu ở 6 nội dung chính: dự báo một số dạng thiên tai nguy hiểm thường xảy ra; tác động của biến đổi khí hậu; mô hình khai thác, quản lý tài nguyên; quy trình phục hồi các hệ sinh thái bị thoái hóa; công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường và phát triển và ứng dụng kỹ thuật viễn thám, GIS.
Kết quả thực hiện các đề tài trong chương trình đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất ở Việt Nam về: một số dạng thiên tai nguy hiểm, thường xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sự phát triển kinh tế xã hội (lũ lụt, bão, hạn hán, trượt – lở đất…); ô nhiễm và suy thoái môi trường do chất thải từ sản xuất công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, giao thông, sau lũ lụt và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông lâm sang nuôi trồng thủy sản; khai thác không hợp lý và quá mức một số dạng tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, khoáng sản).
Trong số các kết quả đạt được, có những kết quả đã được sử dụng ngay vào thực tiễn hay chuyển giao trực tiếp ngay cho địa phương sử dụng như: Đóng góp vào công tác “Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam”; chỉnh trị sông đa mục tiêu; lỗ khoan nước vùng Quản Bạ, Hà Giang; hồ sơ đệ trình UNESSCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất cấp quốc tế,…
Không giống như các chương trình công nghệ, hoặc giống cây trồng vật nuôi, đặc điểm của KC.08 là khó đánh giá định lượng về hiệu quả kinh tế của các sản phẩm khoa học. Kết quả của các đề tài không phải là những sản phẩm cụ thể mà chủ yếu là những quy trình công nghệ, giải pháp, các bộ số liệu… Tuy nhiên kết quả tính toán sơ bộ cho 8 đề tài có các sản phẩm khoa học có thể lượng hóa hiệu quả kinh tế thông qua phân tích so sánh cho thấy có thể đem lại lợi ích kinh tế khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học của chương trình không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn lớn.